Để được cộng đồng công nhận là người trưởng thành, xinh đẹp, giàu có… con gái, con trai Brâu ở ngã ba Đông Dương phải cà răng, căng tai.
Người Brâu có nguồn gốc ở Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Hơn 100 năm trước, hai anh em ruột Thao A Jong và Thao Tô dẫn theo bộ phận nhỏ dân tộc này di cư sang Việt Nam. Họ đang định cư ở làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) với trên 500 nhân khẩu.
Những năm đầu ở vùng đất mới, người Brâu vẫn giữ được các tập tục của dân tộc mình ở đất Lào xa xôi. Trong đó, muốn được cộng đồng xem là người trưởng thành, tự do yêu đương thì con gái, con trai phải trải qua, khẳng định và được đánh dấu bằng một sự kiện luật tục quan trọng: Lễ cà răng (uốt pưng).
Bà Y Pế có cặp bông tai bằng ngà voi. Ảnh: Trần Hóa.
"Bà được cà răng từ năm 13 tuổi", cụ Y An (80 tuổi) nói và hình dung lại khung cảnh 67 năm trước. Đó là một ngày cuối năm, khi bản làng đang chìm trong bóng tối, hàng chục trai gái cùng độ tuổi và đã quy tụ tại nhà rông.
Sau khi già làng làm nghi thức cúng Yang (trời), tiếng chiêng vang lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Những đàn ông thạo việc dùng hòn đá mài liên tục gần 2 tiếng, cho đến khi bốn chiếc răng cửa hàm trên sát đến tận lợi mới được xem là thành công. Họ đắp vào lợi một loạt cây rừng để tránh nhiễm trùng và cho vết thương mau lành.
"Hoàn thành nghi lễ cà răng người đó mới được coi là trưởng thành và có quyền tự do tìm kiếm bạn tình. Nếu không thì bị người trong làng chê cười, bạn bè khinh rẻ và không bắt được vợ chồng", ông Thao Lợi, Trưởng thôn Đăk Mế nói.
Cộng đồng người Brâu quan niệm tục cà răng là một nghi thức chuẩn mực, khuôn mẫu về cái đẹp, đồng thời thể hiện lòng can đảm để vượt qua thử thách đầu đời. Đối với những người không được cà răng khi chết, linh hồn sẽ không về với thế giới của ông bà tổ tiên.
Lỗ dái tai của bà Y An có đường kính gần 5 cm. Ảnh: Trần Hóa.
Nếu cà răng là một tín hiệu bắt đầu yêu đương, thì đứt dái tai đánh dấu cả một quá trình lâu dài, gắn với sự trưởng thành trên đường đời của phụ nữ Brâu.
Căng tai (síp tiêu) của nữ là một quá trình lâu dài. 1- 2 tuổi, trẻ em nữ đã được xâu lỗ tai để đeo khuyên. Khi mới xâu lỗ tai, các cô gái Brâu đeo một mẩu tre nhỏ. Mẩu tre này được thay đổi bằng những đôi khuyên tai to dần lên, to đến mức làm cho đôi dái tai bị đứt hẳn. Nếu dái tai người con gái nào bị đứt thì xem là tín hiệu may mắn cho cả làng.
Ngồi trước hiên nhà ở làng Đăk Mế, bà Y Pế (90 tuổi) kể về quá khứ với ánh mắt đầy hãnh diện, thời ấy, trong làng ai cũng được xâu lỗ tai, đó là một cách làm đẹp và vừa là cách thể hiện sự giàu có của gia đình. Người Brâu quan niệm lỗ xâu tai càng rộng càng đẹp, càng được đàn ông ngưỡng mộ.
Căng tai càng rộng bao nhiêu thì càng chứng tỏ trong nhà có nhiều chiêng, ché, trâu bò... Những gia đình khá giả thường cho con gái mình đeo ngà voi được mài nhẵn, tròn, đường kính 5-6 cm (gọi là bloóc), hoặc vòng bạc; người nghèo thì đeo ống nứa, ống lồ ô được cắt cho vừa với lỗ tai (gọi là tiêu).
Cặp hoa tai bằng ngà voi. Ảnh: Trần Hóa.
"May mắn sinh ra trong một gia đình khá giả, cặp ngà voi căng tai của bà thời đó đổi được mấy cặp chiêng. Nhưng bây giờ con cháu không ai muốn đeo nó nữa", bà Y Pế nói, rồi sờ lên đôi tai với hai chiếc lỗ có đường kính gần 5 cm.
Không riêng gì đồng bào Brâu ở Kon Tum, nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên cũng có tục cà răng, căng tai, đó là một trong những nét văn hóa đặc trưng phản ánh về cái đẹp của một số tộc người.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Kon Tum cho hay, tục cà răng, căng tai từng tồn tại một thời gian dài trong lịch sử nhưng ngày nay với cuộc sống thời hiện đại do sự hội nhập và giao lưu văn hóa, kinh tế rộng rãi nên nhận thức và quan niệm của đồng bào cũng đã có nhiều thay đổi. Hiện, tục này không còn phổ biến ở các tộc người vùng Tây Nguyên, chỉ còn số ít người già 80-90 tuổi còn lưu giữ.
Dân Việt/Theo Trần Hóa (VnExpress)