Sống trẻ - Sống đẹp

Đọc sách, ngồi thiền... giúp giới trẻ trải nghiệm cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Quay về Việt Nam sau tám năm du học tại Mỹ, mong muốn của bạn Phạm Anh Thư (26 tuổi, cựu học sinh chuyên Anh Trường phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP. HCM) không phải là kiếm được một công việc tốt, lương cao.

“Tôi tự thấy bản thân quá may mắn, học được những điều hay từ môi trường giáo dục tiên tiến nên ước mơ sẽ san sẻ những điều đó đến giới trẻ trong nước” - Anh Thư bộc bạch về hướng đi đang theo đuổi.

 

Thử sức gánh nước tưới rau, nhìn dễ mà không dễ chút nào.
Thử sức gánh nước tưới rau, nhìn dễ mà không dễ chút nào.

Biến trăn trở thành hành động

Học xong lớp 10 tại Việt Nam, Anh Thư giành được suất học bổng toàn phần hệ trung học tại Mỹ và sau đó tiếp tục có học bổng theo học ở ĐH danh tiếng Mount Holyoke (tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ).

“Khoảng thời gian du học không chỉ giúp tôi phát triển kiến thức học thuật mà còn hoàn thiện rất nhiều về vốn sống, kỹ năng. Trong khi đó, do từng trải qua thời trung học ở Việt Nam và mùa hè nào cũng về nước, tôi quan sát và nhận ra giới trẻ trong nước thường rơi vào trạng thái hoài nghi, không tin tưởng chính mình hoặc đi theo những con đường được người khác vạch sẵn. Một số không tìm thấy niềm vui, sự thú vị, ý nghĩa trong học tập và công việc... Tôi quyết tâm phải góp phần thay đổi điều này” - Anh Thư nhớ lại.

Tại đại học, Anh Thư có dịp học các môn về tâm lý và giáo dục, điều giúp bạn nhận ra sẽ hiệu quả hơn nếu thay đổi các bạn trẻ bằng việc trao cho họ những trải nghiệm thực tế, giúp họ có động lực phát triển thay vì dạy dỗ, khuyên răn.

Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu từ nhiều nguồn, hè năm 2013 khi chỉ mới là sinh viên năm hai, Anh Thư quyết định về nước tổ chức ICHA - một chương trình tạo cơ hội trải nghiệm cuộc sống thực tế cho các bạn trẻ Việt.

“Chỉ có đi và va chạm, trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau mới giúp các bạn hiểu rõ chính mình, những điểm mạnh - yếu của bản thân” - Anh Thư nói. Bạn cũng từng dành thời gian một năm nghỉ xả hơi tại Trung Đông, “tự nhìn lại mình” trước khi vào giảng đường.

Từ những uy tín gầy dựng được khi tham gia các hoạt động của VietAbroader (tổ chức lớn của du học sinh Việt tại Mỹ nhằm hỗ trợ miễn phí giới trẻ trong nước về du học, xin học bổng... thông qua chuỗi hội thảo thường niên trong nước; VietAbroader được Bộ Giáo dục Hoa Kỳ công nhận vào năm 2007 và được tiểu bang New York chấp thuận thành tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2008), Anh Thư dễ dàng trong việc thuyết phục phụ huynh để con mình tham gia ICHA.

“Quả ngọt” của Thư

Đã bước vào mùa ICHA thứ năm, số lượng thành viên nhích gần con số hàng trăm. “Dù một tín hiệu vui là số lượng ứng viên nộp đơn xin dự chương trình tăng rất nhanh, nhưng mỗi năm chúng tôi chỉ tuyển số lượng hạn chế (trên 18 tuổi) để đảm bảo mình có thể theo sát, giúp các bạn thay đổi hiệu quả. Khi có nhiều nguồn lực hơn sẽ tạo sân chơi cho nhiều bạn hơn” - Anh Thư giải thích.

Từ những chuyến đi, nhiều bạn trẻ cho biết bản thân đã có những thay đổi đáng kể. Nguyễn Vũ Như Quỳnh (22 tuổi, sinh viên khoa báo chí) cho biết bạn từng khá ích kỷ, tự ti về vốn tiếng Anh và thường so sánh bản thân với những người khác, chán ghét nhiều thói xấu của người Việt.

“Trước đó tôi rất ít khi đi xa. Trường đại học đã là một thế giới quá to lớn với tôi. Nhưng khi tham gia ICHA năm 2015, được tham gia nhiều hoạt động thú vị như chụp ảnh, hát hò hay hoạt động ngoại khóa cùng bạn bè đến từ nhiều vùng miền, được sống như một người nông dân thực thụ, đón nhận tình cảm chân chất, dào dạt mà một gia đình chủ homestay (ở nhà dân) tại Quảng Nam dành cho..., tôi đã có những thay đổi đáng kể. Một con người mới được đánh thức trong tôi” - Như Quỳnh nói.

Bạn hiện đã yêu con đường đang đi hơn và nhất là tự tin, hiểu rõ rằng ở bất kỳ ai cũng có những điểm cộng bên cạnh điểm trừ.

Hay như Võ Kim Lê (24 tuổi, cựu sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM) chia sẻ bạn từng là một thiếu nữ sống khá vô cảm, nhút nhát do được cha mẹ cưng chiều, bảo bọc. “Ngày xưa, khi muốn làm điều gì đó thì tôi cứ làm và để cha mẹ tự hiểu chứ bản thân không chia sẻ nhiều. Nhưng khi tham gia ICHA thì tôi đã học được cách trò chuyện, lắng nghe và thuyết phục người lớn. Hiện giờ cha mẹ đã tin tưởng tôi hơn” - Kim Lê nói.

Niềm vui của Anh Thư mỗi lúc một lớn khi những mùa ICHA sau này rất nhiều cựu thành viên đã tự nguyện quay về tham gia hỗ trợ chương trình, đàn em. “Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là nhiều bạn trẻ sau khi tham gia ICHA về đã nói “tôi có thể” thay vì “tôi không thể” như trước đây” - Anh Thư đúc kết.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm