(GLO)- Đội cồng chiêng làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) còn được gọi với một cái tên khác, có “thương hiệu” hơn, đó là đội cồng chiêng Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Với hơn 40 thành viên đủ mọi lứa tuổi, hoạt động của đội cồng chiêng đang ngày càng “chuyên nghiệp hóa”.
Anh Đinh Doa là đội trưởng đội chiêng làng Stơr, chịu trách nhiệm dẫn dắt, truyền dạy và vận động thanh-thiếu niên trong làng học đánh cồng chiêng. Biết đánh chiêng từ năm 14 tuổi, cứ thế tình yêu với cái cồng, cái chiêng lớn lên trong anh từng ngày. Và rồi tình yêu ấy đã được anh truyền lại cho thế hệ trẻ. Phải thật kiên trì và tâm huyết mới đủ kiên nhẫn truyền dạy cồng chiêng, phần vì thời gian rỗi không nhiều, phần vì từng âm sắc, nhịp điệu cồng chiêng rất đa dạng, đòi hỏi các em nhỏ phải thật tập trung và yêu thích.
Đội cồng chiêng làng Stơr biểu diễn tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Ảnh: internet |
Vậy nên, để trở thành một thành viên trong đội thì không dễ dàng chút nào. Nhưng khi đã tham gia thì ai cũng rất nhiệt tình. Anh Doa bảo: “Khi chuẩn bị biểu diễn hay tham dự các cuộc thi là cả đội tập luyện rất hăng say với trách nhiệm rất cao. Khi ấy, không gian quanh làng rộn ràng hẳn lên, người tập, người xem, ai ai cũng phấn khởi”.
Cứ 2 năm một lần, huyện Kbang lại tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng. Đây là dịp để các đội chiêng trong huyện cũng như đội chiêng làng Stơr có cơ hội trình diễn, qua đó bồi dưỡng tình yêu cồng chiêng trong mỗi người dân. Trong các hội thi cấp tỉnh hay những sự kiện lớn của tỉnh, đội đều tham gia nhiệt tình, tập luyện bài bản để phục vụ du khách đến với Tây Nguyên.
Em Đinh Thao (11 tuổi) là một trong những thành viên được anh Đinh Doa đánh giá cao. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng khả năng thẩm thấu và nhớ bài của em rất tốt, đã vậy em còn rất chịu khó và siêng năng tập luyện nên tiến bộ rất nhanh. Em chia sẻ: “Ngay từ lúc còn rất nhỏ, em đã say sưa ngồi nghe các ông, các bác đánh chiêng. Ngày này sang ngày khác, những âm thanh ấy cứ thôi thúc em làm quen và tập đánh những bài chiêng truyền thống. Giờ đây, em đã dần thành thục và sẽ tiếp tục học để nâng cao khả năng biểu diễn cồng chiêng của mình”. Em Đinh Thị Sơi (11 tuổi), cũng là thành viên trong đội, hào hứng: “Ban ngày em đi học, những khi nào rảnh rỗi lại theo các bà, các chị trong làng học múa xoang. Trong làng, hầu như các chị em gái đều mê múa xoang từ nhỏ”.
Được tận mắt chứng kiến một buổi trình diễn cồng chiêng của đội, anh Lương Quý Châu-hướng dẫn viên Công ty Du lịch Saigontourist, nhận xét: “Ấn tượng nhất phải kể đến là trang phục, rất lạ và đẹp mắt. Cả nam và nữ hài hòa trong từng nhịp chiêng, điệu xoang. Giữa không gian núi rừng, âm thanh cồng chiêng vang vọng hòa cùng những điệu xoang thật tuyệt vời biết bao. Đây là tài sản vô giá cần được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng dân tộc”.
Làng kháng chiến Stơr đang là điểm thu hút du khách bởi mang trong mình nhiều câu chuyện về người Anh hùng của đại ngàn Tây Nguyên, về bao điều thú vị khi được trải nghiệm tại đây để tìm hiểu về phong tục, nơi ăn, chốn ở, sinh hoạt thường nhật của người dân bản địa. Đây là yếu tố thuận lợi để đội chiêng làng Stơr có thêm cơ hội phục vụ du khách.
Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang, chia sẻ: “Vài năm gần đây, các thành viên trong đội chiêng rất tích cực tập luyện, phần vì ý thức được nét đẹp của văn hóa dân tộc, phần vì có thêm thu nhập khi biểu diễn phục vụ du khách nên càng có thêm động lực. Mỗi đêm diễn, đội chiêng có thể nhận được mức thù lao khoảng 2 triệu đồng. Huyện sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác kêu gọi đầu tư, kêu gọi người dân giữ gìn và bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng-Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Võ Thanh Thảo