Chị Y Hlạng, Người có uy tín của làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) là người tiên phong đưa cây sâm dây về trồng tại vườn nhà. Đồng thời, chị vận động người dân cùng tham gia trồng loài cây có giá trị kinh tế cao này. Nhờ đó đã giúp dân làng Pu Tá tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo.
Giúp người dân thay đổi
Chị Hlạng là một trong số ít người ở làng Pu Tá được học hết lớp 9, nên được chính quyền địa phương phân công giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, kiêm công tác Mặt trận thôn. Hiện chị còn được dân làng tin tưởng bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Người có uy tín đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Theo chị Y Hlạng, nhiều đời nay, đồng bào Xơ đăng làng Pu Tá quen sống trên núi cao, dù thường xuyên gặp phải rủi ro, thiên tai. Đặc biệt là năm 1993, cả làng bị hỏa hoạn cháy hết nhà cửa, tài sản, người dân phải vào các hốc đá để sống trong cảnh đói, rét, cuộc sống khó khăn vô cùng.
Chị Y Hlạng tiên phong trồng sâm dây ở Măng Ri.
Chính quyền địa phương quyết định thành lập khu tái định cư, đưa bà con xuống núi, nhưng bà con vẫn không chịu dời đi. Với vai trò Phó Bí thư Chi bộ, chị Hlạng đã nhiều lần phối hợp với chính quyền để đi vận động bà con đến nơi ở mới.
“Nhiều lần thuyết phục dân làng không thành, mình đã mang rượu đến uống cùng bà con, rồi từ đó tâm tình, thủ thỉ, để bà con thay đổi suy nghĩ. Để dân làng tin, tôi nhiều lần dẫn bà con đi thăm ruộng lúa, thăm trường học và nói dân làng nghe những đãi ngộ của chính quyền dành cho bà con. Nhờ vậy, các hộ dân làng Pu Tá đã đồng ý di dân”, chị Hlạng cho biết.
Đến nơi ở mới, chị Hlạng đã cùng bà con khai hoang vùng lòng chảo Măng Ri để có đất sản xuất. Dẫn nước suối từ trên núi chảy theo các con kênh, tạo những ô ruộng bậc thang để giữ nước, giúp bà con canh tác được lúa hai vụ. Nhờ vậy, người dân làng Pu Tá đã biết cách trồng lúa để ăn, trẻ con được đến trường học cái chữ. Cuộc sống của người dân Măng Ri nhờ vậy mà từng bước khởi sắc.
Già A Nít, nguyên Bí thư xã Măng Ri, chia sẻ: “Trong việc di dời dân làng về nơi ở mới, Hlạng có công rất lớn. Nó còn chỉ dân mình cách trồng lúa, trồng sâm, nhờ vậy mà dân mình đã bớt nghèo khổ hơn rồi”.
Tiên phong trồng sâm dây
Năm 2006, người dân xã Măng Ri đều lên rừng đi tìm những sản vật như sâm dây, sâm Ngọc Linh…để mang đi bán tăng thu nhập. Nhận thấy tiềm năng của những cây sâm dây, chị Hlạng vận động người dân đưa loại sâm dây từ rừng về nhà trồng. Khi nào cần tiền thì có thể nhổ bán.
Để dân làng tin tưởng, năm 2009, chị đã trồng 1ha cây sâm dây. Đến năm 2012, lần đầu tiên chị đã thu 1,5 tạ sâm tươi, bán với giá 70.000 - 100.000 đồng/kg. Củ sâm khô, tùy từng thời điểm, giá chênh từ 350.000 - 500.000 đồng/kg.
Năm 2012, chị thu được trên 100 triệu đồng từ sâm dây. Thấy vậy, người dân nơi đây cũng theo chị trồng sâm, vì công chăm sóc ít mà giá trị lại cao hơn lúa. Bây giờ, 100% người dân xã Măng Ri đều trồng sâm dây. Không chỉ vậy, chị Hlạng còn xây dựng 1 tổ để bảo tồn nghề diệt thổ cẩm của người Xơ-đăng. Những năm gần đây, chị đã đứng ra thu mua các sản phẩm nông sản, dược liệu cho bà con.
Với những đóng góp cho địa phương trong nhưng năm qua, chị Y Hlạng đã vinh dự được nhận nhiều Bằng khen của chính quyền các cấp; 2 lần được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen. Trong ngày hội Đại đoàn kết toàn quốc năm 2015, chị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. |
Dân Việt (Theo Thùy Dung-Lê Hường/Báo Dân tộc)