Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Đòi được nghìn tỷ tác quyền âm nhạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cho biết, nhiều nhạc sĩ đòi được cả tỷ đồng tác quyền âm nhạc mỗi năm.

Tác quyền nhạc đỏ đứng đầu

Sau 20 năm thành lập (2002-2022), Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) do Hội Nhạc sĩ Việt Nam sáng lập thu được khoảng 1.063 tỷ đồng phí tác quyền âm nhạc. Ngày 20/9 trong cuộc gặp gỡ đại diện các hội nhạc sĩ và một số nhạc sĩ nổi tiếng, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC cho biết, trung tâm phấn đấu năm 2022 thu về hơn 230 tỷ đồng tác quyền.


 

Đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” tháng 7/2020 tri ân nhạc sĩ Phó Đức Phương trước khi ông mất
Đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” tháng 7/2020 tri ân nhạc sĩ Phó Đức Phương trước khi ông mất.



“Nhạc cách mạng, nhạc truyền thống luôn là dòng nhạc thu được tiền tác quyền nhiều nhất. Nhờ sức sống lâu bền và được sử dụng trong phát thanh, truyền hình, các chương trình chính trị, xã hội... nên mức tác quyền khá ổn định. Tiếp đến là nhạc thị trường, nhạc nhẹ nhưng trồi sụt do có nhiều bài hát được yêu thích rồi mất hút khá nhanh. Nhạc cổ điển gặp khó hơn vì ít người sử dụng”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nêu.

Khi được hỏi về danh tính nhạc sĩ “đòi” được nhiều tiền tác quyền nhất năm qua, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn giải thích đó là thông tin cần được bảo mật. Tuy thế, ông tiết lộ, những nhạc sĩ thuộc nhóm nhận được nhiều tiền nhất lên tới trên 1 tỷ đồng mỗi năm, tiếp đến là các nhóm gần 1 tỷ đồng hoặc vài trăm triệu đồng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không giấu mức thu nhập thuộc nhóm đầu. Anh chia sẻ năm 2021 nhận được khoảng 1,2 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc, còn năm 2006 khi vừa gia nhập VCPMC chỉ nhận được khoảng 9 triệu đồng. “Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của VCPMC. Đối với tôi đây là mái nhà, nơi mang lại cho tôi những lợi ích hợp pháp và khiến tôi tin rằng mình sống được với nghề”, anh nói. Tác giả Vầng trăng khóc còn xúc động vì được bảo vệ danh dự trong vụ kiện Trung Quốc, Thái Lan đạo nhạc của anh, khán giả trong nước khi đó không tin nhạc sĩ. Phán quyết của CISAC (Hiệp hội các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế) trả lại sự trong sạch cho Nguyễn Văn Chung.

Gia đình nhạc sĩ Văn Cao là một trong những gia đình nhạc sĩ đầu tiên giao phó trọng trách “đòi” tác quyền âm nhạc cho VCPMC. Họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao - nhớ lại những ngày đầu thành lập, nhạc sĩ Phó Đức Phương ngồi trong văn phòng 6m2, với những bước đi gập ghềnh. “Nếu không có trung tâm, chắc rằng các nhạc sĩ hầu như không đòi được tác quyền, nếu có cũng bèo bọt, rẻ mạt”, ông nói.

Nhạc sĩ Hoài An tâm sự, số tiền tác quyền thu được đến thời điểm này gấp vài trăm lần so với thời kỳ đầu mới ủy thác. “Điều quan trọng là người làm sáng tạo phải yên tâm với cuộc sống. Đối với nghệ sĩ, việc tự mình phải đi lấy tiền bản quyền, gặp gỡ các trung tâm sử dụng nhạc của mình nhưng họ không có thiện chí thì đau lòng lắm. Tôi từng gặp trường hợp khó chịu đến mức bỏ luôn vì thái độ của họ. Bây giờ tôi không cần phải làm như thế nữa”, nhạc sĩ Hoài An nói.

Nhiều vụ kiện dai dẳng

Nguyễn Văn Chung nhận định, những năm qua có nhiều đơn vị lợi dụng các kẽ hở để ăn chặn tiền bản quyền tác giả, trung tâm thay mặt anh làm các thủ tục pháp lý và bảo vệ tác phẩm cho anh. Nhạc sĩ Thế Hiển nhớ lại 20 năm trước trong một phòng họp nhỏ ở TP. HCM, nhiều thế hệ nhạc sĩ đã tề tựu để nhận quyết định bắt đầu có trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc. Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng chịu trận rất nhiều, bầm dập để thúc đẩy sự nghiệp bảo vệ quyền và lợi ích của tác giả âm nhạc.

Mặc dù nước ta đạt được bước tiến dài về bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, nạn vi phạm bản quyền âm nhạc chưa hết nóng bỏng. Hàng loạt nhạc sĩ như Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Hoàng Sông Hương… mới đây gửi đơn kiến nghị tới Trung tâm về việc họ bị xâm phạm bản quyền. Ông Cẩn cho biết, trung tâm tham gia 18 vụ việc, đã thắng ba vụ. “Tuy nhiên nhiều đơn vị chây ì, lách luật bởi sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, đơn vị vi phạm chậm trễ thực hiện quyết định, hoặc giải tán công ty để thành lập công ty mới để không trả tiền. Nếu coi chặng đường 20 năm là một dấu mốc, con đường phía trước còn ngổn ngang”, ông Cẩn chia sẻ với PV Tiền Phong.

Là người kế cận nhạc sĩ Phó Đức Phương, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn đánh giá, thành công lớn nhất trong 20 năm qua là niềm tin của tác giả, từ con số khoảng 240 người lên đến hơn 5.300 người hợp tác với VCPMC. “Tác giả có niềm tin nên họ hợp tác. Ở mảng quốc tế cũng có hơn trên 5 triệu tác giả ủy quyền cho trung tâm. Chúng tôi ký các hợp đồng song phương với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tiền của các tác giả quốc tế thu được ở Việt Nam cuối năm đều được chuyển lại cho họ theo đúng quy trình”, ông nói. Quyền lợi của nhạc sĩ được đảm bảo hơn nhờ vào công nghệ và số hóa để đo đếm, quản lý việc sử dụng tác phẩm.

Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam kỳ vọng VCPMC tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm đưa ra cảnh báo vi phạm để hạn chế tối đa xâm phạm quyền tác giả âm nhạc. “Các quốc gia đều thừa nhận lĩnh vực sở hữu trí tuệ là sản phẩm đồng thời là một trong những công cụ đắc lực thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa một cách bền vững”, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nói.

 


Nghệ sĩ phải sống được bằng nghề

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội lấy ví dụ thực tế ở Anh - có nhiều trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc và cạnh tranh với nhau. Ông nhận ra đó là cách văn minh để bảo vệ nền âm nhạc, bảo vệ các nhạc sĩ và đạt được ngành công nghiệp âm nhạc phủ sóng khắp thế giới.

Trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, hạt nhân quan trọng nhất là bản quyền tác giả. “Chúng ta cần tập trung vào khâu then chốt nhất chính là tài năng, sáng tạo. Đó là lí do khi xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, chúng tôi mong muốn có nhiều hơn các trung tâm bảo vệ bản quyền trong tất cả các lĩnh vực. Nghệ sĩ phải thực sự sống được bằng nghề, tiếp tục tạo ra tác phẩm truyền cảm hứng cho xã hội. Chúng ta đang đi theo xu hướng của thế giới: trí tuệ, tài năng, sự sáng tạo cần được bảo vệ”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nói.


Theo NGUYÊN KHÁNH (TPO)

 

Có thể bạn quan tâm