Chính trị

Tin tức

Đổi mới hoạt động tư pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 9-4, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã họp phiên thứ 5. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe tờ trình của Đảng ủy Công an Trung ương, Quân ủy Trung ương về các đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra; các cơ quan tư pháp trong quân đội; nghe báo cáo của Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân về việc chuẩn bị thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực; Báo cáo của Bộ tư pháp về việc nghiên cứu giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án. Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Dự thảo báo cáo Bộ Chính trị về kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2006- 2010  và đề xuất phương hướng công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

 

 

Thảo luận về các đề án và báo cáo các đại biểu cho rằng: Đây là các đề án quan trọng được thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Việc xây dựng đề án đã có sự chuẩn bị công phu, có sự tổng kết và tham khảo mô hình của các nước, có tính lý luận và thực tiễn, nhưng cũng còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ như “Đề án về tổ chức lại hệ thống cơ quan điều tra” đã nêu được thực trạng công tác điều tra của các cơ quan điều tra, đưa ra các ưu điểm cơ quan điều tra, nêu đầy đủ mô hình tổ chức, nhưng cần đánh giá khách quan hơn mô hình điều tra hiện nay theo hướng thu gọn đầu mối ra sao.

Về các đề án “Đổi mới tổ chức hoạt động các cơ quan tư pháp trong Quân đội nhân dân Việt Nam” đã khái quát được các giai đoạn, có căn cứ yêu cầu thực tiễn, có tham khảo mô hình của một số nước, nhưng có nhiều ý kiến boăn khoăn đề cập về thẩm quyền của tòa án quân sự nhất là giải quyết các vụ án hành chính, và thi hành án... Về các đề án khác các đại biểu chỉ hạn chế và chưa thống nhất đề nghị cơ quan chủ trì làm rõ và đưa ra các giải pháp để thực hiện.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tầm quan trọng của các đề án và báo cáo được thảo luận tại phiên họp lần này. Đặc biệt là 2 đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan điều tra và đổi mới tổ chức hoạt động các cơ quan tư pháp trong quân đội, các bộ chủ trì xây dựng đã thực hiện khá công phu nhưng cần phân tích rõ ưu nhược điểm để tìm ra giải pháp trong thời gian tới.

Chủ tịch nước đề nghị trong giai đoạn đến năm 2015 cơ bản giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành nhưng được kiện toàn một bước. Tuy nhiên trong giai đoạn này phải chuẩn bị các điều kiện cụ thể về cơ cấu lại tổ chức, khắc phục tình trạng thiếu điều tra viên và đảm bảo các điều kiện vật chất cho cơ quan điều tra của từng ngành, từng cấp. Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luận liên quan đến tổ chức hoạt động của cơ quan điều tra; đề xuất tính phù hợp, đồng bộ tổ chức cơ quan điều tra cấp huyện phù hợp với tổ chức trại tạm giam, nhà tạm giữ, với mô hình của tổ chức của Viện Kiểm sát, Toà án Nhân dân khu vực. Mô hình tổ chức lại cơ quan điều tra sau năm 2015, cần phải đáp ứng đủ các yêu cầu như đề xuất của các thành viên và Thường trực Ban Chỉ đạo. Đi kèm với mô hình trên cần nêu rõ các điều kiện về tổ chức, con người, điều kiện vật chất để chuẩn bị thực hiện theo lộ trình của giai đoạn sau 2015.

Về các đề án đổi mới tổ chức, hoạt động các cơ quan tư pháp trong quân đội, Chủ tịch nước lưu ý xem xét lại kết cấu, đảm bảo tính chặt chẽ và làm rõ phạm vi thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự đối với án hành chính trong quân đội và thi hành án dân sự, cần cân nhắc kỹ; phải làm rõ yêu cầu thực tiễn, số lượng vụ việc, đối tượng, loại quyết định hành chính trong quân đội bị khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án quân sự. Để bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp,

Đối với  báo cáo việc chuẩn bị thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực theo tinh thần kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị, Chủ tịch nước cho rằng việc tổ chức thực hiện thành mô hình tòa án và viện kiểm sát khu vực là một chủ trương đúng đắn và có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong tiến trình cải cách tư pháp. Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao và Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện một số hoạt động cụ thể. Các Tỉnh ủy, Thành ủy đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan Toà án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan khảo sát, xây dựng đề án. Nhiều địa phương đã thực hiện nghiêm túc, đáp ứng được mục đích, yêu cầu của cải cách tư pháp.

Ban cán sự đảng Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần tiếp tục trao đổi với Tỉnh ủy, Thành ủy để tháo gỡ vướng mắc, thống nhất phương án thành lập Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực và Viện kiểm sát nhân dân khu vực đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết đối với cán bộ các cơ quan tư pháp về công tác cải cách tư pháp nói chung và về chủ trương thành lập Toà án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực nói riêng.

Cần nghiên cứu, xây dựng phương án để bảo đảm điều kiện sinh hoạt, chỗ ở của cán bộ các cơ quan tư pháp tại một số địa bàn có diện tích rộng, địa hình phức tạp, nhiều huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, đảm đúng tiến độ xây dựng các đề án chi tiết có liên quan phục vụ cho việc triển khai thực hiện việc thành lập Toà án Nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực đã được xác định trong Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương năm 2012 để Ban Chỉ đạo cho ý kiến làm cơ sở báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo VOV
 

Có thể bạn quan tâm