Ai cũng muốn thoát nghèo
Đó là khẳng định của ông Roi-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Bông Phun. 62 năm sinh sống tại làng, trong đó có 26 năm đảm nhận vai trò Trưởng thôn, Công an viên và Trưởng ban Công tác Mặt trận nên ông Roi hiểu rõ những đổi thay của ngôi làng này.
Ông Roi kể: Làng Bông Phun trước đây khó khăn chồng chất. Đường sá chật chội, lầy lội, nhà cửa lụp xụp, dân làng chỉ trồng lúa 1 vụ. Bây giờ, bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên đời sống cải thiện rõ rệt. Nhiều gia đình chủ động đào ao, đào giếng lấy nước tưới rau màu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Gia đình ông Roi là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi 3 sào đất trồng lúa kém năng suất do thiếu nước sang trồng bắp và rau. Ông còn tận dụng diện tích đất trống bên hông nhà trồng hơn 100 cây cà phê và rau lang. Ông Roi bộc bạch: “Hầu hết các hộ dân trong làng đều có đất sản xuất nhưng không nhiều và không tập trung. Mình lựa chọn cây trồng phù hợp để vừa phục vụ nhu cầu hàng ngày vừa có thêm thu nhập. Mình còn nuôi 3 con bò, 3 con heo sinh sản. Mỗi năm, đàn vật nuôi mang lại nguồn thu nhập 20-25 triệu đồng”.
Gia đình ông Um có thâm niên trồng rau xanh trên diện tích đất lúa kém năng suất. Ông cho biết: 1 sào đất trồng lúa 1 vụ thu chỉ 4-5 bao. Nhà nước quan tâm đào mương thoát nước, hướng dẫn kỹ thuật, bà con chuyển sang trồng 1 vụ lúa, 1 vụ bắp, trồng rau, thu nhập nhờ đó được cải thiện. Với 3 sào đất sau nhà, gia đình ông trồng nhiều loại rau.
“Cây trồng nào cũng phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ. Mình canh tác theo mùa vụ, phù hợp với từng loại ràu màu. Thu hoạch xong, mình cho đất nghỉ một thời gian rồi xuống giống loại rau khác. Vất vả là ngày nào cũng ra vườn nhưng đổi lại thu nhập ổn định”-ông Um cười nói.
Làng Bông Phun có 300 hộ, trong đó có 216 hộ đồng bào Jrai. Các hộ dân canh tác gần 200 ha cây trồng các loại; chủ lực là cây cà phê, lúa và rau màu. Không chỉ cần cù trồng trọt, chăn nuôi, vài năm trở lại đây, dân làng còn chủ động xin vào làm công nhân tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua thống kê sơ bộ, làng có hơn 200 lao động đang làm công nhân. Hiện làng chỉ còn 1 hộ nghèo.
Chung tay xây dựng làng nông thôn mới
Mới đây, Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia TP. Pleiku giai đoạn 2021-2025 thống nhất công nhận 3 thôn, làng gồm: thôn 2 (xã Diên Phú), làng Mơ Nú (xã Ia Kênh), làng Bông Phun (xã Chư Á) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2024.
Cùng chúng tôi đi trên con đường nội đồng vừa hoàn thiện, bà Lý Thị Vỵ-Bí thư Chi bộ làng Bông Phun-cho hay: “Dân làng tự nguyện hiến đất làm đường để đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản được thuận lợi. Bà con còn tích cực đóng góp kinh phí, ngày công lao động để các công trình sớm hoàn thành”.
Cũng theo bà Vỵ, dân làng luôn đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Cách đây vài năm, bà con góp tôn, góp ngày công dựng nhà tạm cho gia đình bà H’Thoát. Hiện nay, gia đình bà H’Thoát được hỗ trợ kinh phí để xóa nhà tạm. Qua tuyên truyền, vận động, bà con đóng góp thêm ngày công để ngôi nhà sớm hoàn thiện, đưa vào sử dụng.
Phấn khởi trước ngày khởi công xây dựng nhà, bà H’Thoát chia sẻ: “Trước đây, mình cũng có ruộng nhưng do con trai út làm ăn thua lỗ, nợ nần nên phải bán để trả nợ. Không còn đất, vợ chồng mình trở thành hộ khó khăn. Người làng giúp dựng ngôi nhà tạm, chính quyền địa phương hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Được địa phương quan tâm giúp đỡ xây dựng nhà, bà con giúp đỡ ngày công, mình vui lắm”.
Trao đổi với P.V, ông Trương Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Chư Á-thông tin: Tổng kinh phí đầu tư xây dựng làng NTM năm 2024 là 16,38 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương hơn 9,7 tỷ đồng, nguồn vốn lồng ghép hơn 5,9 tỷ đồng và người dân đóng góp hơn 780 triệu đồng. Nguồn ngân sách xã đầu tư làm đường giao thông nông thôn, kiên cố kênh mương thủy lợi, kéo điện sản xuất tại cánh đồng Ia Krue, làm tường rào xung quanh nghĩa địa. Nguồn vốn lồng ghép đầu tư hạ tầng tại khu vực cánh đồng Ia Chanh...
Đến nay, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân. 97% hộ dân trong làng sử dụng nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 76% hộ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và không có hộ chăn nuôi dưới sàn nhà.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; thu nhập bình quân đạt 48,98 triệu đồng/người/năm. Xã có 3/10 thôn, làng được công nhận đạt chuẩn NTM. Làng Bông Phun đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đang chờ UBND thành phố công nhận.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” đã tạo nên sự đổi thay mạnh mẽ, diện mạo buôn làng ngày càng khang trang, hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư cải tạo, nâng cấp; người dân không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại mà chủ động sản xuất, vươn lên thoát nghèo; môi trường, cảnh quan nông thôn ngày càng xanh-sạch-đẹp.
“Sau làng Bông Phun, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư nguồn lực để làng Bông Bao về đích NTM năm 2025”-Chủ tịch UBND xã Chư Á nhấn mạnh.