Giáo dục

Đổi mới phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bám sát thực tiễn địa phương kết hợp với đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng sinh động, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các trường học tại Gia Lai đang góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh.

Nhằm hình thành thói quen chấp hành pháp luật cho học sinh, Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) đặc biệt chú trọng công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Theo đó, nhà trường đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ thực hành.

Cô giáo Lưu Thị Thanh Loan cho biết: "Trong các giờ ngoại khóa, cô và trò cùng tham gia các trò chơi tập thể, hoạt động nhóm hay xem video qua màn hình ti vi, xem tranh ảnh xoay quanh các nội dung về giao thông đường bộ, bình đẳng giới, bạo lực học đường...

Những hình thức tổ chức giáo dục này nhằm tạo điều kiện để học sinh được hoạt động nhiều hơn, kích thích tư duy nhanh nhạy của trẻ. Từ đó, các em mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình”.

Em Bùi Khánh Ngọc (lớp 2/1) chia sẻ: “Những hình ảnh, video tuyên truyền về pháp luật giúp chúng em nhanh hiểu và nhớ lâu hơn”.

co-luu-thi-thanh-loan-giao-vien-truong-tieu-hoc-ho-tung-mau-xa-bien-ho-tp-pleiku-tuyen-truyen-ve-phap-luat-cho-hoc-sinh-thong-qua-tranh-anh-sinh-dong-a-td.jpg
Cô Lưu Thị Thanh Loan-giáo viên Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) tuyên truyền pháp luật cho học sinh thông qua tranh ảnh sinh động. Ảnh: T.D

Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) với Ban An toàn giao thông tỉnh chọn triển khai mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học.

Theo đó, Ban Giám hiệu nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và Công an thị trấn Ia Ly đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác đảm bảo TTATGT trong trường học, đặc biệt là không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông.

Em Hoàng Thủy Nhật Linh-Thành viên Đội bảo đảm TTATGT của Trường THPT Ya Ly-cho hay: Chúng em được tiếp cận các nội dung tuyên truyền ngắn gọn, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Ngoài việc được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, dễ nắm bắt như: khi điều khiển xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, đi đúng phần đường quy định; không chạy quá tốc độ, không chở quá số người quy định… chúng em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, các chương trình sân khấu hóa về phổ biến pháp luật trong trường học.

Thầy Nguyễn Đình Dương-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ya Ly-cho hay: “Toàn trường có 800 học sinh, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 57,8%. Chính vì vậy, nhà trường đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật, trong đó có kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Trên cơ sở đó, cán bộ, giáo viên, học sinh tuyên truyền lại cho các thành viên trong gia đình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về tham gia giao thông an toàn. Đặc biệt, nhà trường đã thành lập Đội bảo đảm TTATGT với 30 thành viên để triển khai mô hình sát sao, có hiệu quả”.

hoc-sinh-truong-thpt-ya-ly-huyen-chu-pah-tiep-can-cac-noi-dung-tuyen-truyen-ngan-gon-phu-hop-voi-lua-tuoi-hoc-sinha-td.jpg
Học sinh Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) tiếp cận các nội dung tuyên truyền ngắn gọn về ATGT, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ảnh: T.D

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường là một phần của chương trình giáo dục tại Trường THCS Chu Văn An (huyện Chư Sê). Cô Tạ Thị Nguyệt Hà-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường được lồng ghép với các buổi sinh hoạt chuyên môn, ngoại khóa, sơ kết, tổng kết năm học; đăng trên Cổng thông tin điện tử của trường; băng rôn, khẩu hiệu…

Nội dung tuyên truyền chủ yếu như: đảm bảo an ninh, trật tự trường học; phòng ngừa tội phạm và phòng-chống vi phạm pháp luật; xây dựng trường học an toàn; phòng-chống tai nạn thương tích...

“Nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn lồng ghép, tích hợp giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức cho học sinh vào các môn học, tiết học phù hợp. Phát động học sinh tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc thi: sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em; tuyên truyền về cải cách hành chính”-cô Hà nêu rõ.

Ông Phạm Văn Hoàng-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê-cho rằng: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường có những chuyển biến tích cực, từng bước đi vào chiều sâu. Nhiều cơ sở giáo dục đã chú trọng việc triển khai công tác tuyên truyền thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Nội dung tuyên truyền được tập trung vào các chủ đề như: an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng-chống tệ nạn xã hội; phòng-chống ma túy; phòng-chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường...

Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, những năm qua, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai có hiệu quả công tác này.

Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật mới ban hành, các cơ sở giáo dục còn cập nhật các quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của đơn vị mình; triển khai các hoạt động tuyên truyền bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định nhấn mạnh: Các đơn vị triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt đã có sự phối hợp với các cấp để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Cùng với đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua dạy học chính khóa và tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật vào kế hoạch dạy học bộ môn.

“Việc tuyên truyền trong các buổi chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt cuối tuần; tủ sách pháp luật; lồng ghép trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; pa nô, áp phích, khẩu hiệu... cũng góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật.

Ngành cũng khuyến khích các đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng các mô hình trực quan, tình huống pháp lý thực tiễn trong giảng dạy; chú trọng giáo dục kỹ năng thực hành, phát huy tính chủ động, sáng tạo cho người học”-Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.

Có thể bạn quan tâm