TN - Đất & Người

Đổi thay ở Ia Khươl

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ia Khươl (huyện Chư Pah, Gia Lai) là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Địa bàn xã có nhiều núi non hiểm trở, nổi tiếng nhất là núi Chư Pao nằm bên phía Tây quốc lộ 14. Chư Pao là điểm cao chiến lược đặc biệt quan trọng nên trước năm 1975 từng là vùng chiến sự vô cùng ác liệt. Nhà thơ Lâm Hảo Dũng đã từng thốt lên: “Chư Pao ai oán hờn trong gió/Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường”. Ngày nay, cả khu vực rộng lớn này có vai trò là vùng động lực phát triển kinh tế-xã hội của huyện và tỉnh. 
 Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Ia Khươl, huyện Chư Pah. Ảnh: H.C
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Ia Khươl, huyện Chư Pah. Ảnh: H.C
Sau chiến tranh, người Jrai nơi đây và nhân dân từ các tỉnh khác đến lập nghiệp đã đoàn kết, tích cực giúp đỡ lẫn nhau san lấp hố bom, lập nên các thôn làng, khai hoang cánh đồng, ruộng rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ đó mà vùng đất chiến trường năm xưa đã trở thành những khu dân cư trù phú với 1.679 hộ, hơn 7.400 khẩu (trong đó có hơn 70% dân số là người Jrai) sinh sống ở 12 thôn làng. Họ đã và đang tương thân tương ái, chăm chỉ làm ăn, chung tay xây dựng nông thôn mới. Các tỷ phú người bản địa như Ksor Lủi, Rơ Châm Queh, Rơ Châm Hlin (làng Pok), Rơ Châm Kil (làng Grút), Ksor Ril (làng Tơ Ver 1)... đã trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Ia Khươl Rơ Châm Liếu phấn khởi: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm giúp đỡ, đồng bào người Jrai mình học hỏi tiếp thu cái mới nên làm ăn khấm khá dần, nhiều hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo và vươn lên làm giàu. Mừng nhất là bà con đã biết sử dụng đất đai sản xuất hiệu quả, không còn bán đất, không cho người ngoài xã vào thuê mướn đất. Bà con lại thường xuyên học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, hồ tiêu, bời lời...”.
Cùng với cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm được quan tâm đầu tư xây dựng, bộ mặt Ia Khươl còn đổi thay nhiều mặt nhờ vào sự phát triển ổn định về kinh tế. Những ngôi nhà khang trang, cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Các cơ sở sản xuất kinh doanh như Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh, Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp Chư Pah, các công ty TNHH một thành viên Mười Sương, Vương Công Minh (làng Tơ Ver 1), Hoài Phương (làng Kách), Bột nhang Trường Thịnh (thôn Tân Lập), các cửa hàng dịch vụ khu vực ngã ba Trà Huỳnh, ngã ba làng Tơ Ver 1... hoạt động sôi nổi, đã và đang thu hút hàng ngàn lao động trong vùng. Đặc biệt năm nay, xã Ia Khươl và huyện Chư Pah đã tổ chức mời gọi, thu hút được nhiều dự án đầu tư vào Cụm Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp huyện như: Dự án Khu sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của Công ty TNHH Biophap, Dự án Nhà máy điện mặt trời của Công ty cổ phần Năng lượng và Tái tạo Hà Linh Gia Lai, Dự án đầu tư khai thác mỏ cát xây dựng của Công ty TNHH một thành viên Vĩnh Anh Gia Lai...  
Kinh tế phát triển, văn hóa-xã hội, giáo dục-y tế cũng phát triển theo. Thôn Tân Lập đã được UBND huyện Chư Pah công nhận là thôn văn hóa 3 năm liền (2015-2017); 8 thôn, làng đã làm hồ sơ đăng ký xây dựng thôn làng văn hóa cấp huyện. Năm học 2017-2018, sĩ số học sinh ở các cấp học đều đạt 99%, kể cả các làng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, năm học vừa qua, lần đầu tiên xã Ia Khươl có 8 học sinh giỏi cấp huyện. Các chương trình y tế quốc gia như: phòng-chống sốt rét, phòng-chống suy dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, tiêm chủng mở rộng... luôn được chú trọng; các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được giải quyết kịp thời và đạt hiệu quả cao. “Nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ cùng nhiều doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn mà Ia Khươl có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, thu nhập của người dân cũng từ đó dần được cải thiện”-bà Trần Thị Yến Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khươl, phấn khởi cho biết.
Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm