Kinh tế

Đổi thay ở xã anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm kháng chiến, xã Kông Pla (huyện Kbang, Gia Lai) được biết đến với cái tên xã Bắc Anh hùng. Sau ngày giải phóng, xã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống cách mạng, Kông Pla ngày nay đang nỗ lực biến những tiềm năng, lợi thế vốn có thành động lực để xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ông Trịnh Xuân Thông-Phó Bí thư Đảng ủy xã Kông Pla-cho biết: Năm 2011, để xây dựng thành công chương trình NTM, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể của xã đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu. Nội dung và phương pháp tuyên truyền được xã liên tục đổi mới theo hướng phù hợp với trình độ, tập quán của nhân dân.
 Diện mạo nông thôn mới xã Kông Pla đang dần khởi sắc. Ảnh: N.S
Diện mạo nông thôn mới xã Kông Pla đang dần khởi sắc. Ảnh: N.S
Theo ông Thông, trong quá trình thực hiện, xã luôn minh bạch mọi nguồn lực, nhất là nguồn tài chính để người dân yên tâm, tin tưởng. Mặt khác, xác định nguồn vốn xây dựng NTM là rất lớn, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước còn phải huy động nguồn lực từ nhân dân nên xã không đầu tư dàn trải mà ưu tiên lựa chọn các công trình, hạng mục quan trọng, cấp thiết tập trung làm trước.
Ông Đinh Thể-Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn 3-chia sẻ: Từ khi xã phát động phong trào xây dựng NTM, người dân trong thôn đã hưởng ứng tích cực. Đơn cử, từ năm 2013 đến năm 2018, người dân đã đóng góp tiền của, vật chất, ngày công lao động để làm đường giao thông mới, nhà rông văn hóa... Đặc biệt, để kéo đường điện về cho thôn, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, còn nhân dân đóng góp 16,8 triệu đồng. Sau khi có đường điện, người dân lại góp tiền để mắc điện đường thắp sáng.
Một trong những tiêu chí mà lãnh đạo xã Kông Pla lo lắng nhất là công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi khi triển khai chương trình xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm đến 72,52%, sản xuất còn manh mún, chủ yếu canh tác theo lối truyền thống... Vì vậy, địa phương xác định cần phải có bước “tạo đà” ngay từ đầu. Cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã đã vận động nhân dân đầu tư vốn xây dựng các mô hình: trồng dâu nuôi tằm; trồng cây ăn quả; cánh đồng mía lớn; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... nên hiệu quả sản xuất ngày một cao hơn. Nhiều mô hình kinh tế thu nhập cao được triển khai nhân rộng, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Trần Văn Tiếng (thôn 1, xã Kông Pla). Ảnh: N.S
Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Trần Văn Tiếng (thôn 1, xã Kông Pla). Ảnh: N.S
Xã Kông Pla có 6 thôn, làng với 839 hộ, 3.422 khẩu. Từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động được gần 30 tỷ đồng để triển khai xây dựng NTM. Trong đó, ngoài ngân sách hỗ trợ, nguồn vốn lồng ghép của các chương trình, dự án thì người dân đã tích cực tham gia đóng góp hơn 2,5 tỷ đồng để thực hiện các công trình, phần việc.

Điển hình trong chuyển đổi cây trồng là gia đình anh Trần Văn Tiếng (thôn 1). Đầu năm 2018, nhận thấy diện tích mía của gia đình kém hiệu quả, anh đã chuyển đổi 3 ha sang trồng dâu nuôi tằm. Theo anh Tiếng, 1 ha dâu sau khoảng 6 tháng trồng sẽ nuôi được 9 hộp trứng tằm, sau 20 ngày thu hoạch khoảng 460 kg kén (mỗi hộp cho thu hơn 50 kg kén). Với giá bán trung bình 160-165 ngàn đồng/kg, mỗi lứa anh thu về trên 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Mô hình này cho thu nhập cao gấp 7-10 lần so với trồng mía. “Hiện tôi đã mở rộng diện tích trồng dâu của gia đình lên hơn 11 ha. Từ nay đến cuối năm, tôi sẽ thành lập Hợp tác xã Trồng dâu nuôi tằm để mọi người trong thôn có thể tham gia, qua đó cải thiện thu nhập”-anh Tiếng tự tin cho biết.
Đến nay, qua 9 năm triển khai thực hiện, xã Kông Pla đã có 11/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM. Theo kế hoạch, xã sẽ đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Trong số 8 tiêu chí còn lại có 3 tiêu chí khó gồm thu nhập, hộ nghèo và giao thông. Phó Bí thư Đảng ủy xã Kông Pla cho hay: Để hoàn thành 3 tiêu chí trên và củng cố vững chắc những tiêu chí đã đạt được là thách thức không nhỏ, đòi hỏi Kông Pla phải tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đưa ra những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Trong đó, giải pháp quan trọng hàng đầu vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng NTM, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận của toàn dân; tập trung nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc hiến đất, góp công, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi... “Với truyền thống của một xã anh hùng, chúng tôi tin rằng Kông Pla sẽ huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư, từng bước hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM”-ông Thông kỳ vọng.
 NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm