(GLO)- Hôm ấy, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm đến mua 3 phần cơm ở quán Yên Vui (giá 2.000 đồng/suất) về cho cha mẹ. Theo chân chị, tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Trương (SN 1940) và bà Phạm Thị Đào (SN 1943) tại căn nhà nằm sâu trong hẻm 233/3 Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Bên bậu cửa hẹp của căn nhà vách ván, mái lợp tôn, ông bà ngồi đón đợi con.
Bà Đào chia sẻ: Vợ chồng ông bà lên Gia Lai lập nghiệp từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Họ có 9 người con, sinh sống ở các tỉnh: Gia Lai, Đak Lak và TP. Hồ Chí Minh.
Bà tâm sự: "Hồi trẻ, ông nhà là thợ may, làm tại các cửa hiệu may lớn ở Pleiku và nhận hàng về may gia công tại nhà. Sau đó, ông đi làm thuê ở 1 xưởng gỗ, bị gỗ đè gãy nát xương chân phải, may còn giữ được chân nhưng phải đi nạng, thành người tàn phế hơn 20 năm qua. Lúc còn trẻ, tôi hết buôn bán ở chợ Pleiku rồi bán dầu nhớt trước Cửa hàng xăng dầu số 01 Trần Phú (TP. Pleiku) đắp đổi nuôi chồng con. Nhà nghèo, lại đông con nên chúng chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Con gái thì làm thuê, chạy chợ; con trai thì lao động phổ thông đụng gì làm nấy. Sống chung với vợ chồng tôi còn có đứa con trai Nguyễn Ngọc Trung (SN 1969). Trung nát rượu từ ngày vợ bỏ, chẳng làm được việc gì. Hơn 3 tháng trước, tôi lại bị xe đụng gãy tay, hiện còn phải bó bột. Không có thu nhập, vợ chồng tôi và cháu Trung sống nhờ vào món tiền ít ỏi các con gửi cho, cơm nước do chúng mang đến”.
Vợ chồng ông Nguyễn Trương. Ảnh: Đình Phê |
Bà Đào đưa tôi dạo bước trong căn nhà nền tráng xi măng, diện tích chừng 40 m2, vật dụng chẳng có gì đáng giá. Nơi góc hẹp cạnh gian bếp, anh Trung nằm thiêm thiếp như người ốm trên chếc giường con, chăn màn xốc xếch.
Người mẹ già nhìn con nén tiếng thở dài rồi khẩn khoản nói: “Chúng tôi rất muốn có khoản tiền xây công trình phụ, làm hệ thống nước sinh hoạt chứ phải đi vệ sinh nhờ, nước sinh hoạt nhờ nhà con gái bị động lắm”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hữu-Tổ trưởng tổ dân phố 1 (phường Hội Phú) cho biết: “Gia đình ông Trương thuộc diện hộ cận nghèo. Các con đều khó khăn, chật vật mưu sinh nên cũng chẳng giúp được gì nhiều cho cha mẹ. Ngày bà bị ngã, họ luân phiên đưa cơm về, chăm sóc. Bây giờ, việc cơm nước phần nhiều nhờ vào 2 người con gái đang sinh sống ở Pleiku. Nguyện vọng xây công trình phụ, hệ thống nước sinh hoạt của ông bà là rất thiết thực. Rất mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ gia đình ông Trương”.
Mọi sự hỗ trợ gia đình ông Trương xin gửi về Tòa soạn Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số ĐT: 0943065095).
ĐÌNH PHÊ