Sống trẻ - Sống đẹp

Hoạt động Đoàn - Hội - Đội

Nặng lòng với trò nghèo vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với học sinh Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), các thầy-cô giáo không chỉ trao tri thức mà còn dành trọn tình yêu thương cho trò nghèo với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Ia O là xã biên giới của huyện Ia Grai. Toàn xã có 2.677 hộ với 11.132 khẩu. Cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Hình ảnh những học trò nghèo cứ đến mùa gặt tháng 11 lại vắng mặt, không đến lớp vì gia cảnh; hay khi đi học chỉ với chiếc áo cũ mèm, đầu trần không đội mũ dưới cái nắng gắt của miền biên viễn luôn là nỗi trăn trở của các thầy-cô giáo Trường THCS Chu Văn An. Năm 2019, ý tưởng gây quỹ thiện nguyện giúp đỡ học sinh đã được triển khai thực hiện.

Cô Lê Thị Nhơn (giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1) chính là người khởi xướng các chương trình thiện nguyện của trường. Cô tâm sự: “Nhìn học trò đi học với bộ quần áo cũ sờn, cặp sách rách tả tơi, chúng tôi thấy xót xa. Nhưng một mình tôi không thể giúp đỡ toàn bộ các em khó khăn cùng một lúc mà cần sự đoàn kết, chung lòng và sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau.

Thời điểm ấy, tôi cũng sợ mọi người phản đối vì hoạt động thiện nguyện khá nhạy cảm. Nhưng vì tình thương dành cho học trò, tôi đã mạnh dạn đề xuất và nhận được sự đồng thuận từ Ban Giám hiệu cùng đồng nghiệp”.

Hưởng ứng phong trào, Chi Đoàn và Liên Đội Trường THCS Chu Văn An đã triển khai xây dựng các mô hình, chương trình thiện nguyện và vận động sự hỗ trợ từ nhiều nguồn. Bắt đầu từ những việc làm nhỏ như quyên góp sách vở, quần áo cho đến những mô hình sáng tạo hơn như “nuôi heo đất” với sự chung tay của tất cả giáo viên và học sinh trong trường.

Sau đó, Liên Đội mở rộng đối tượng, kêu gọi hỗ trợ từ các bậc phụ huynh và cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

“Những năm gần đây, chúng tôi còn tham gia gian hàng gây quỹ “Nâng bước em đến trường” tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng. Sản phẩm bày bán là những mặt hàng đặc trưng của địa phương. Không chỉ là vật chất, chúng tôi mong muốn qua sự hỗ trợ này, các em sẽ cảm thấy rằng mình không cô đơn trong cuộc hành trình vượt khó tới trường”-cô Trần Thị Mỹ Hằng-Bí thư Chi Đoàn Trường THCS Chu Văn An-chia sẻ.

Tại Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024, gian hàng gây quỹ của Chi Đoàn Trường THCS Chu Văn An đã thu hút nhiều du khách tham quan, ủng hộ.

Bên cạnh các mặt hàng đặc sản địa phương như: cá cơm khô, bánh tráng cá, hạt điều, măng khô, gian hàng còn phục vụ những thức ăn nhanh như: bò khô, khô gà lá chanh, xoài lắc, trà tắc, kem tươi và các loại nước giải khát.

thay-nguyen-quoc-nguyen-mot-trong-nhung-doan-vien-tich-cuc-tham-gia-gay-quy-cho-chi-doan-anh-hoang-hoai.jpg
Thầy Nguyễn Quốc Nguyên là một trong những giáo viên tích cực tham gia gây quỹ để hỗ trợ học sinh nghèo của Trường THCS Chu Văn An. Ảnh: Hoàng Hoài

Nổi bật trong số đó là món cá cơm rim-một sản phẩm do chính các giáo viên của trường tự tay chế biến. “Kết quả, chúng tôi đã hoàn thành được 125 hũ cá cơm rim và được du khách ủng hộ 75 hũ cùng nhiều mặt hàng khác tại ngày hội. Ai nấy đều rất vui”-thầy Nguyễn Quốc Nguyên cho hay.

Cũng theo Bí thư Chi Đoàn Trường THCS Chu Văn An, sau 3 ngày tham gia bán hàng tại lễ hội, Chi Đoàn nhà trường đã thu về được 6 triệu đồng và tiến hành trao tặng cho 6 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em 1 phần quà trị giá 1 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng đã góp phần tiếp thêm động lực để các em an tâm đến trường.

gian-hang-gay-quy-cua-truong-thcs-chu-van-an-xa-ia-o-huyen-ia-grai-tham-gia-ngay-hoi-dua-thuyen-doc-moc-tren-song-po-co-nam-2022-anh-dvcc.jpg
Gian hàng gây quỹ của Trường THCS Chu Văn An (xã Ia O, huyện Ia Grai) tham gia Ngày Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô năm 2022. Ảnh: ĐVCC

Thầy Nguyễn Duy Tân-Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An: “Hàng năm, với số tiền thu được từ gian hàng gây quỹ, Chi Đoàn nhà trường đã kịp thời hỗ trợ cho 4-5 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hy vọng tình thương của thầy cô sẽ giúp các em vững bước hơn trên con đường học vấn”.

Em Lục Minh Nhật (lớp 6A4) xúc động nói: “Em biết ơn các thầy cô rất nhiều. Nhà của em cách trường gần 20 km, em chỉ có thể đi xe buýt đi học và đã có lúc em muốn bỏ học vì không có tiền đóng tiền xe.

Giờ đây, khi được nhận số tiền hỗ trợ này, em không phải lo khoản phí tiền xe đến trường nữa. Em sẽ cố gắng học tốt để không phụ lòng các thầy cô”.

Ngoài hoạt động tham gia gian hàng gây quỹ thường niên của Chi Đoàn nhà trường, cô giáo Lê Thị Nhơn còn kết nối với các nhà tài trợ, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện để hỗ trợ gạo, sách vở, bút viết, mì tôm, quần áo cũ, xe đạp cho các em học sinh vào đầu năm học mới hay mỗi dịp lễ, Tết.

“Vì tôi kết nối với tư cách cá nhân nên số lượng hỗ trợ vẫn đang còn ít, quy mô các chương trình chưa được mở rộng. Trong khi đó, toàn trường có hơn 80% học sinh dân tộc thiểu số trong tổng hơn 860 học sinh. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều em khó khăn cần hỗ trợ”-cô Nhơn bộc bạch.

Có thể bạn quan tâm