16 năm qua, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Huỳnh Thị Hạc (42 tuổi) và anh Hà Tư Phước (49 tuổi, ở thôn Ia Rok, xã Chư Hdrong, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) là nơi cư trú của hàng trăm người bệnh tâm thần bị gia đình bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ.
Cưu mang cả trăm người tâm thần
Hôm chúng tôi đến, chị Hạc ở nhà, còn anh Phước đã đi làm. Kể về cơ duyên vợ chồng chị nuôi người tâm thần, chị bảo, năm 2003, kinh tế gia đình rất khó khăn, anh chị vừa chăm lo con nhỏ, vừa lo thuốc thang cho người mẹ già tật nguyền. Hàng ngày, anh Phước đi lái xe thuê kiếm từng đồng, còn chị lên rẫy làm cà phê, ai thuê gì là làm nấy, chỉ mong sao có đủ tiền để lo cho gia đình.
Vợ chồng chị Hạc đang cưu mang gần 100 người tâm thần.
Trong một lần chạy xe thuê, anh Phước tình cờ gặp một thanh niên đi lang thang ngoài đường, một bên chân bị trói, anh sợ xe đụng vào nên liền dừng xe xuống hỏi. Nhưng rồi, đáp lại lời hỏi thăm của anh chỉ là những cái lắc đầu ngơ ngác. Thấy thương, anh Phước cho người thanh niên lạ lên xe, đưa về nhà chăm sóc.
“Hôm đó, thấy anh Phước dìu từ trên xe xuống một người lạ, ăn mặc rách rưới, tóc tai bù xù, miệng liên tục lảm nhảm những câu chuyện vô nghĩa, rồi cả nụ cười ngây ngây… anh nói sẽ nuôi thanh niên này, tôi cứ ngỡ anh đang nói đùa. Nhưng sau câu nói của anh: “Gia đình, xã hội đã quay lưng với họ. Mình không nuôi thì ai nuôi?” thì tôi hiểu đó là câu nói thật lòng nên đồng ý”, chị Hạc kể.
Sợ ảnh hưởng làng xóm nên vợ chồng chị Hạc rời nhà vào trong rẫy để sống.
Rồi cũng từ đó, anh Phước càng dẫn nhiều người điên về nhà. Tiếng lành đồn xa, những người mắc bệnh tâm thần ở khắp nơi như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Thọ… cũng tự tìm đến hoặc được người nhà đưa tới gửi nhờ anh chị chăm sóc giúp.
Càng ngày số lượng người tâm thần đến với ngôi nhà anh chị ngày càng tăng. Đến nay đã có gần 100 người được vợ chồng anh chị cưu mang. Sợ ảnh hưởng làng xóm xung quanh nên anh chị quyết định rời nhà vào trong rẫy để sống tách biệt. Vừa nhằm mục đích tạo không gian thoải mái cho các bệnh nhân điều trị bệnh, vừa đỡ làm phiền hàng xóm, lại tránh được những tai nạn không đáng có cho bệnh nhân và mọi người.
Những người được vợ chồng chị Hạc cưu mang đều có chốn ở ngăn nắp.
Tình thương xoa dịu bệnh tật
Điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ chồng chị Hạc vẫn phải chạy vạy kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Cứ hễ ở đâu có người kêu chạy xe thuê là ngay lập tức anh Phước có mặt. Những chuyến xe không còn đơn thuần mang ý nghĩa công việc, mà nó còn là cả mồ hôi, công sức, tấm chân tình anh Phước gửi đến gần 100 người bạn đặc biệt của mình. Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, các thành viên trong nhà dường như thấu hiểu sự vất vả của vợ chồng chị nên sống vui vẻ, ít đi lang thang, không còn gây gổ đánh nhau.
Họ sống vui vẻ, ít đi lang thang.
Những mảnh đời bất hạnh trước khi đến với “ngôi nhà cổ tích” của vợ chồng chị Hạc đều đã trải qua biết bao sóng gió, bao chuyện buồn trước đó. Trong số gần 100 người bạn, có những người vẫn nhớ, vẫn biết tên tuổi, quê quán, gốc gác quá khứ của mình, nhưng cũng có những người không biết hoặc đã cố quên đi quá khứ đau buồn ấy. Thậm chí, có những người đã gây ra án mạng khiến bản thân điên loạn, để đến giờ họ vẫn luôn mang trong mình những mặc cảm về tội lỗi mình đã gây ra.
Những người tâm thần chung tay làm những công việc nhẹ nhàng.
Dù không học qua một trường lớp nào, thuốc men, ăn uống cũng đơn giản nhưng các bệnh nhân tâm thần nặng hay nhẹ sau một thời gian ở đây đều có dấu hiệu thuyên giảm. Những người được vợ chồng chị Hạc nhận về nuôi đã dần ổn định hơn về mặt tinh thần, có những người đã biết giúp đỡ chị Hạc lo toan các việc nhỏ nhặt trong nhà.
Chị Hạc chia sẻ: “Cũng chẳng có phương pháp gì, vợ chồng tôi xem tất cả bệnh nhân ở đây như những thành viên trong gia đình. Các bệnh nhân với nhau xem như là anh em. Đối với bệnh tâm thần thì vấn đề tâm lý là điều rất quan trọng, chỉ có xây dựng cuộc sống vui vẻ, hòa đồng như một gia đình lớn mới nhanh bình phục được”.
Chị Hạc vui vẻ trò chuyện với người tâm thần.
Để những người bệnh ít có thời gian nghĩ vu vơ về chuyện quá khứ ảnh hưởng đến việc điều trị của họ, vợ chồng chị Hạc phân công cho họ những công việc nhẹ nhàng. Sau mỗi bữa ăn, mọi người tự động cất gọn gàng chén bát của mình vào thau nước, sẽ có những người được phân công rửa chén, lo sắp xếp gọn gàng mọi thứ.
Vợ chồng chị Hạc chăm sóc người tâm thần từng miếng ăn giấc ngủ.
Lúc rảnh rỗi, vợ chồng chị Hạc thường tập trung mọi người lại chơi đàn, ca hát để quên đi mệt mỏi, đau đớn. Bình thường, những người không bị lên cơn vẫn được tự do đi lại quanh khu vực nhà. Trước lúc ngủ, chị mở băng đĩa kinh Phật cho người bệnh nghe và đọc theo để tâm hồn họ có phần thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn.
Tất cả họ đều quý mến những thành viên trong gia đình chị Hạc.
“Nhiều người xa lánh những người tâm thần, nhưng với vợ chồng tôi thì ngược lại, chúng tôi cảm thấy yêu thương và coi họ như người thân của mình. Người ta giàu sang rồi cũng sẽ trở về với cát bụi, nghèo khó rồi cũng như thế, chẳng khác gì. Vậy thì lúc sống mình làm được gì cho đời, cho người khác thì hãy cứ làm đi, đừng lo nghĩ”, chị Hạc chia sẻ.
Theo TGTT