Xã hội

"Đòn bẩy" phát triển lâm nghiệp bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ nguồn kinh phí từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhiều đơn vị chủ rừng đã chi trả kịp thời cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí
Ông Nguyễn Văn Chín-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang) cho biết: Hàng năm, từ nguồn DVMTR chi trả 3,3-3,5 tỷ đồng, Ban ưu tiên giao khoán cho 374 hộ dân thuộc 12 cộng đồng làng và 13 nhóm hộ trên địa bàn các xã có diện tích rừng do đơn vị quản lý. Một phần kinh phí cũng được sử dụng để đầu tư mua sắm trang-thiết bị hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc rừng. Đặc biệt, mô hình cộng đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, không những góp phần hạn chế các hành vi xâm hại rừng mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các hộ dân trong cộng đồng. “Tùy từng nơi, từng khu vực rừng, chúng tôi lựa chọn các thành phần giao khoán bảo vệ rừng như: cựu chiến binh, cộng đồng, hộ hoặc nhóm hộ nhận khoán. Nhờ đó, diện tích rừng giao khoán luôn được gìn giữ, không bị xâm lấn. Tỷ lệ che phủ rừng trên diện tích do đơn vị quản lý hiện đạt hơn 98%”-ông Chín khẳng định.
Mô hình giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng, nhóm hộ, các tổ chức góp phần cải thiện thu nhập, phát triển sinh kế cho người dân sống gần rừng. Ảnh: Minh Phương
Cũng theo Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra, từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã khoán cho các hộ dân thôn Phú Danh và Phú Yên trồng, chăm sóc 44,6 ha rừng trên các phần đất trống với mức chi trả tùy theo giai đoạn (năm đầu tiên từ 30 triệu đồng/ha, năm thứ 2 khoảng 13 triệu đồng/ha). Với một phần nhỏ diện tích đất trống nằm ở vùng sâu không thể khoanh nuôi tái sinh, đơn vị sẽ tiếp tục bố trí kinh phí giao khoán cho dân trồng rừng và chăm sóc trong thời gian tới. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành chi trả tiền DVMTR đợt 1 (khoảng 30% giá trị hợp đồng) cho các hộ nhận khoán với số tiền hơn 578 triệu đồng, qua đó giữ ổn định diện tích rừng giao khoán, giúp các hộ dân có thêm thu nhập, cải thiện sinh kế.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Thắng-Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho hay: Từ nguồn kinh phí chi trả DVMTR, đơn vị tiếp tục thực hiện công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 26 nhóm hộ thuộc cộng đồng thôn, làng người Bahnar sinh sống gần rừng với tổng diện tích 17.950 ha, đơn giá bình quân 350.000 đồng/ha/năm. “Đến nay, đơn vị đã hoàn thành việc chi tiền khoán quản lý, bảo vệ rừng quý I-2021 cho 18 nhóm hộ với hơn 956 triệu đồng. Thu nhập từ việc nhận khoán bảo vệ rừng đã giúp người dân cải thiện đời sống. Nhờ đó, tình trạng phá rừng làm rẫy hầu như không còn”-ông Thắng nhấn mạnh.
Hỗ trợ đắc lực công tác bảo vệ rừng
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nhận định: Việc được chi trả kịp thời nguồn kinh phí DVMTR đã giúp đơn vị chủ động hơn trong công tác khoán quản lý, bảo vệ rừng, chi trả kịp thời cho các hộ nhận khoán. Đồng thời, đơn vị triển khai các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân nhận khoán; xây dựng và kiện toàn lại các tổ giao khoán; bổ sung, thay thế bằng các hộ có tinh thần tích cực, tự giác trong công tác khoán quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, đơn vị cũng chủ động kinh phí triển khai công tác phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức tuần tra, truy quét tại các vùng trọng điểm, vùng giáp ranh. “Giai đoạn 2021-2030, ngoài công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, hỗ trợ cộng đồng vùng đệm, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng làng, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác bảo vệ tài nguyên rừng cho các em học sinh tại các thôn, làng vùng đệm trên địa bàn”-ông Thắng thông tin.
Nhờ nguồn kinh phí từ chính sách chi trả DVMTR, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Mang Yang có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Minh Phương
Theo ông Nguyễn Hồng Linh-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh: 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã tập trung triển khai kế hoạch thu chi tiền DVMTR, trong đó, huy động nguồn thu tiền DVMTR được hơn 80,2 tỷ đồng, đạt 212,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, đơn vị đã thực hiện thanh toán dứt điểm nguồn kinh phí năm 2020 kịp thời theo đúng quy định, tạm ứng tiền DVMTR năm 2021 cho các bên cung ứng để có nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và chi trả cho đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng. “Việc thanh toán kịp thời tiền DVMTR đã giúp các đơn vị chủ rừng chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ theo phương án quản lý rừng bền vững được duyệt, thực hiện đúng tiến độ phương án đơn vị đã lập. Đồng thời, thông báo tiền DVMTR chi tiết theo lịch trình để các đơn vị sử dụng DVMTR nắm được tiến độ chi trả đúng, đủ chính sách cho đối tượng thụ hưởng trên địa bàn”-ông Linh cho biết thêm.
MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm