Chính trị

Tin tức

Đồn Biên phòng Ia Mơr điểm sáng công tác dân vận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được giao quản lý địa bàn xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) và đoạn biên giới dài 15 km tiếp giáp với Campuchia, những năm qua, Đồn Biên phòng Ia Mơr đã tăng cường bám nắm địa bàn, làm tốt công tác dân vận nhằm xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Để nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, những năm qua, Đồn Biên phòng Ia Mơr đã bố trí cán bộ tăng cường bám nắm địa bàn, trực tiếp tham gia lao động, giúp dân phát triển kinh tế. Qua việc “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng địa phương), cán bộ của đơn vị đã kịp thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, nhất là các nội quy, quy chế ra vào khu vực biên giới; đồng thời vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành. Thượng úy Rơ Ô Thuy-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơr-cho biết: Đơn vị thường tuyên truyền thông qua sinh hoạt của các chi hội, tổ tự quản; tuyên truyền nhỏ lẻ theo cụm dân cư, dòng họ và người có uy tín trong cộng đồng. Mặt khác, đơn vị cũng cử cán bộ xuống từng gia đình, lên rẫy tuyên truyền, vận động để mọi người nắm vững, hiểu rõ các nội dung về Nghị định số 34/2014/ NĐ-CP, Nghị định số 169/2013/NĐ-CP, công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia...
 Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr tuyên truyền, vận động nhân dân. Ảnh: P.D
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr tuyên truyền, vận động nhân dân. Ảnh: P.D
Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập, duy trì hoạt động các tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng và tổ tự quản đường biên, cột mốc; vận động người dân cam kết thực hiện các nội dung về quy chế khu vực biên giới và an ninh trật tự. Ông Rơ Mah Him-Trưởng thôn Klă-cho hay: “Làng Klă hiện có 126 hộ, trong đó có hơn 90 hộ dân tộc Jrai. Vì vậy, trong các cuộc họp, mình đều nói về ý nghĩa của cột mốc biên giới, nhắc nhở bà con phải bảo vệ, giữ gìn và không được xâm phạm. Mình cũng nhắc bà con phải tuyệt đối chấp hành các quy định của pháp luật, không được tảo hôn, không sử dụng vũ khí trái phép, không tham gia và không tiếp tay cho các đối tượng phá rừng... Người dân trong làng có truyền thống cách mạng nên đều nghiêm túc chấp hành, khi thấy người và phương tiện lạ ra vào khu vực biên giới đều báo ngay cho Bộ đội Biên phòng”.
Theo Thượng úy Rơ Ô Thuy, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của quần chúng nhân dân về chủ quyền an ninh biên giới ngày càng được nâng cao. Người dân đã kịp thời báo với lực lượng chức năng mỗi khi phát hiện người lạ mặt ra vào khu vực biên giới và tự giác giao nộp vũ khí tự chế, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới. Hơn nữa, người dân cũng đã thay đổi tư duy trong sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cùng với tuyên truyền, vận động, cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr còn tích cực tham gia giúp dân thu hoạch mùa màng, xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, hướng dẫn nhân dân trồng lúa nước, trồng rau xanh cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ông Kpă Thìm (làng Klă) bộc bạch: “Nhờ có Bộ đội Biên phòng hướng dẫn mà năng suất các loại cây trồng của gia đình mình đã tăng đáng kể”. Với 1,2 ha lúa, trước đây, gia đình ông Thìm chỉ thu được khoảng 30 bao lúa/năm. Nhưng từ khi được cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơr hướng dẫn cách trồng lúa nước, năng suất đã tăng lên 70 bao/năm. Ngoài ra, 1 ha mì, 2 ha điều của gia đình ông cũng cho thu hàng năm gần 30 triệu đồng.
Với những việc làm cụ thể, người lính Biên phòng Ia Mơr đã và đang góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó quân dân nơi biên giới.
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm