Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Đồn Biên phòng Ia Pnôn vững vàng nơi phên giậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa nhà rông làng Bua (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), bà Ksor Bluch nắm chặt lấy tay Thiếu tá Nguyễn Quang Công-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Pnôn-nói: “Bà có nuôi được mấy con heo, để dành được ghè rượu ngon, nhất định Tết này bộ đội phải về chung vui với bà con làng mình đấy”.
Chung sức dựng xây biên giới
Đồn Biên phòng Ia Pnôn đứng chân trên địa bàn xã biên giới Ia Pnôn. Đường biên giới của xã tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc 7,2 km đường biên giới, cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã vượt lên gian khó với tình yêu biên giới thiêng liêng.
Thiếu tá Nguyễn Quang Công tâm sự: “Với phương châm xuyên suốt: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ còn có nhiệm vụ chính trị rất cơ bản là hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây”.
Đặc biệt, Ia Pnôn có tới 10 dân tộc anh em cùng sinh sống với 1.165 hộ/5.102 khẩu, chủ yếu là dân tộc Jrai. Đời sống của bà con tuy đã có tiến bộ, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều tập tục lạc hậu vẫn tồn tại, ý thức tự vươn lên dựng xây cuộc sống mới còn hạn chế, phương thức canh tác còn xưa cũ, không hiệu quả là những vấn đề được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn đưa vào chương trình hành động giúp dân trong nhiều năm qua.
Đại úy Nguyễn Thanh Bảo-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Pnôn dẫn chúng tôi đến thăm cháu Rơ Mah Sim. Đây là trường hợp được đơn vị nhận làm con nuôi. Hoàn cảnh của Rơ Mah Sim thật éo le, mẹ đột ngột qua đời, bố thì bỏ đi nơi khác. Sim ở với người bác già yếu lại hay đau ốm. Đầu năm 2019, Đồn nhận Sim làm con nuôi với mong muốn giúp đỡ cháu thêm vững bước trong cuộc sống.
Khi chúng tôi đến thăm, bác ruột của Rơ Mah Sim cứ ôm riết lấy cháu và nắm chặt tay Đại úy Bảo, ông khóc thành tiếng: “Gia đình biết ơn bộ đội đã thương cháu!”. Còn Rơ Mah Sim thì rơm rớm nước mắt rồi nói: “Con biết ơn các bố bộ đội nhiều lắm!”.
Nơi Đồn Biên phòng Ia Pnôn đứng chân là giữa cánh rừng khộp mênh mông, đất đai cằn cỗi, mưa xuống là ngập, nắng lên là hạn. Cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải luôn vượt qua gian khó để vững vàng bám trụ. Kể từ ngày nhận nuôi cậu bé Rơ Mah Sim, mỗi bữa ăn, anh em trong đội lại thêm một khẩu phần và dành ra một chén gạo góp vào “Hũ gạo tình thương” để hàng tháng mang xuống trợ giúp cho bà Rơ Lan Thơm-một người già neo đơn, tật nguyền sống ở làng Chan.
Bữa cơm chiều biên giới của anh em có phần gấp vội nhưng với cách thể hiện tình cảm như thế cũng đủ làm lay động trái tim của nhiều người. Cơm xong, chỉ duy nhất 1 cán bộ ở nhà hướng dẫn kèm cặp cho cậu con nuôi học tập, số còn lại chia nhau xuống 4 làng biên giới, cứ thế dọc dài cho đến khi gà gáy sang canh.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Nguyễn Văn Chiến
Tại làng Ba, làng Chan, làng Đo, làng Triêl… đời sống của bà con còn khó khăn. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn, đời sống người dân từng bước ổn định. Ông Kpuih Cham (già làng Triêl) tâm sự: “Được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng giúp đỡ mọi mặt nên cuộc sống của bà con trong làng đã khá hơn trước rất nhiều, chỉ có Bộ đội Biên phòng mới có cái bụng tốt như vậy thôi”.
Thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn của bà con, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn phân thành 6 tổ công tác thường xuyên trực tại địa bàn thôn và đến từng hộ dân để hướng dẫn bà con mọi việc. Từ dựng nhà, sửa nhà, thu hoạch lúa, cà phê, cải tạo vườn tạp đến trồng rau, hỗ trợ chăn nuôi… đều được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cùng làm với bà con. Đảng ủy Đồn Biên phòng Ia Pnôn còn phân công 32 đảng viên phụ trách các hộ gia đình trên biên giới.
Từ năm 2015 đến nay, Đồn Biên phòng Ia Pnôn tích cực triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, giúp đỡ 3 học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ mỗi em 500 ngàn đồng/tháng. Triển khai và duy trì có hiệu quả mô hình “Tay kéo Biên phòng” cắt tóc miễn phí cho người dân; mô hình “Tủ quần áo từ thiện”; mô hình “Tiếng loa Biên phòng” để tuyên truyền đến từng ngõ, từng nhà, từng người dân trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền được phát bằng cả 2 thứ tiếng Kinh và Jrai. Những chiếc loa di động được các chiến sĩ Biên phòng buộc vào phía sau xe máy chở đi phát trên mọi tuyến đường trong xã. Hoạt động này diễn ra mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng trước khi bà con đi làm rẫy và buổi chiều sau khi người dân lao động trở về.
Ông Rơ Châm Khiêm-Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn-cho biết: Mô hình “Tiếng loa biên phòng” đã góp phần nâng cao nhận thức cho bà con trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung của xã, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xây dựng nông thôn mới.
Vững vàng thế trận lòng dân
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Pnôn tâm sự: “Người dân chính là thành lũy vững chắc nhất. Vì vậy, với chức năng bảo vệ an ninh biên giới, lãnh thổ quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phải phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, xây dựng cho được thế trận lòng dân vững chắc. Muốn làm được điều đó, đơn vị luôn xác định phải gần dân và phải có thật nhiều việc làm hiệu quả giúp dân”.  
Trung úy Rơ Mah Hiệp-nhân viên Đội Vận động quần chúng-thông tin: Đồn duy trì 6 tổ công tác thường xuyên đến từng thôn, từng nhà dân để vận động quần chúng với phương châm 3 bám, 4 cùng là: “Bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số”. Có những thôn cách Đồn hàng chục cây số, anh em đi xe máy băng rừng, lội suối nhưng tuần nào cũng vậy, các tổ công tác không khi nào vắng mặt với bà con các dân tộc nơi đây. Nhiệm vụ cơ bản nhất là tập trung tuyên truyền cho bà con trên địa bàn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Kết quả đã làm thay đổi nhận thức của quần chúng nhân dân trong lao động sản xuất, chấp hành quy chế biên giới.
Thượng tá Đinh Hữu Ninh-Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: Nhờ làm tốt công tác dân vận, người dân ở địa bàn biên giới Ia Pnôn tích cực tham gia các mô hình, cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Khi được người dân tiếp sức, giúp đỡ, ủng hộ thì mọi việc sẽ thuận lợi, thành công.
Đêm trên biên giới gieo vào lòng chúng tôi quá nhiều cảm xúc. Trong men rượu cần nơi đất trời biên giới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ksor H’Biên vít cần rượu thật sâu mời chúng tôi cùng uống. Xong, ông nắm chặt lấy tay Đồn trưởng Công, Chính trị viên Bảo, nói: “Cán bộ à, người dân Ia Pnôn với Bộ đội Biên phòng như anh em một nhà thôi. Cái bụng của bộ đội tốt lắm, mang lại niềm vui cho dân làng mình đó”.
NGUYỄN VĂN CHIẾN

Có thể bạn quan tâm