Kinh tế

Tài chính

Đông Á Bank thiệt hại 3.600 tỷ: Truy trách nhiệm Ngân hàng Nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngày 4/12, TAND TPHCM tiếp tục đưa 26 bị cáo trong vụ án gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á (DAB) ra xét xử. Tại phiên tòa, HĐXX chất vấn trách nhiệm của NHNN trong việc để sai phạm kéo dài suốt 10 năm.
 
Các bị cáo tại tòa hôm 4/12. Ảnh: Văn Minh
“Vũ có biết nguồn gốc 200 tỷ đồng?”
 Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho Phan Văn Anh Vũ , còn gọi là Vũ "nhôm"- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) hỏi ông Trần Phương Bình (cựu tổng giám đốc ngân hàng DAB) về việc Vũ có biết được nguồn gốc số tiền 200 tỷ đồng từ đâu có, ông Bình trả lời: “Trong suy nghĩ của bị cáo thì bị cáo Vũ có biết”.
Cựu lãnh đạo DAB giải thích, quan hệ giữa ông với Vũ ‘nhôm’ là quan hệ công việc. “Khi DAB nâng vốn điều lệ từ 5000 tỷ đồng đến 6000 tỷ đồng, trong đầu bị cáo nghĩ làm sao để tìm một nhà đầu tư có năng lực, đối tác chiến lược. Bị cáo nghĩ Vũ là người có năng lực trên thị trường bất động sản”, bị cáo Bình khai.
Về việc lập chứng từ, phiếu thu khống 200 tỷ đồng, bị cáo Bình thừa nhận có trao đổi với cấp dưới là Nguyễn Đức Vinh (cựu trưởng phòng ngân quỹ Hội sở DAB), chứ không trao đổi trực tiếp với bị cáo Vũ.
“Nhưng lúc trao đổi với Vinh, thực lòng bị cáo muốn gián tiếp để cho Vũ biết tình hình của DAB. Trong thâm tâm bị cáo mong muốn công ty Bắc Nam 79 và Vũ đầu tư mua cổ phần DAB. Do đó bị cáo đã thực hiện các hành vi như vậy”, bị cáo Bình nói.
Là người trực tiếp đưa các chứng từ khống để Phan Văn Anh Vũ ký, bị cáo Nguyễn Đức Vinh (cựu trưởng phòng ngân quỹ Hội sở DAB) khai rằng, có nhận chỉ đạo của bị cáo Bình về việc lập phiếu thu khống 200 tỷ nộp vào tài khoản Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79. “Những giấy tờ đưa cho Vũ ký là trống trơn. Sau khi hướng dẫn Vũ viết vào và ký thì bị cáo cầm 2 chứng từ để đi hoạch toán”, bị cáo Vinh khai.
Thanh tra nhưng không phát hiện ra sai phạm
Cũng tại tòa, HĐXX, đại diện VKSND đã truy trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc để sai phạm xảy ra ở Ngân hàng Đông Á (DAB) suốt 10 năm, gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng tại ngân hàng này.
Theo đó, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đã chất vấn đại diện NHNN về trách nhiệm của Thanh tra giám sát ngân hàng. Đại diện NHNN cho rằng, cơ quan Thanh tra giám sát NHNN đã thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ theo quyết định và kế hoạch đề ra.
Theo đại diện NHNN, việc tăng vốn điều lệ của DAB do NHNN tại TPHCM báo cáo. Sau đó, NHNN xuống kiểm tra về việc tăng vốn điều lệ năm 2007 của DAB.
Đại diện NHNN cho rằng, ở góc độ quản lý đã làm đúng trách nhiệm nhưng vì thủ đoạn của bị cáo Trần Phương Bình và đồng phạm quá tinh vi nên không thể phát hiện ra.
Trong suốt 10 năm (từ năm 2003 đến 2013), NHNN thanh tra DAB theo từng chuyên đề, từng nội dung cụ thể chứ không thanh tra toàn diện. Trong khoảng thời gian này, NHNN đã tổ chức 11 cuộc thanh kiểm tra DAB. Nội dung thanh tra theo kế hoạch đầu năm, đoàn thanh tra sẽ thông báo trước 5 ngày để đơn vị bị thanh tra chuẩn bị nội dung. Trước năm 2014, NHNN không thanh tra về quỹ của DAB. Đến năm 2014-2015, NHNN mới thanh tra toàn diện và phát hiện sai phạm tại DAB.
Lý giải về việc mãi sau này mới phát hiện sai phạm tại DAB, đại diện NHNN cho rằng, khi phát hiện việc điều chuyển tiền và vàng xuống chi nhánh, kiểm tra chi nhánh lại đưa lên Hội sở DAB, khi về hội sở lại bảo do sự cố tin học nên không kiểm tra. Qúa trình điều chuyển vốn từ nơi này qua nơi khác của các bị cáo đã qua mặt cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng.
HĐXX chất vấn trách nhiệm của NHNN trong việc để sai phạm kéo dài suốt 10 năm. Đại diện NHNN cho rằng đã rút ra bài học kinh nghiệm trong việc thanh tra phải thanh tra toàn diện chứ không manh mún nhỏ lẻ nữa.
Để che giấu việc âm quỹ, mỗi đợt thanh tra, bị cáo Bình chỉ đạo phòng ngân quỹ điều chuyển các khoản âm quỹ đến các chi nhánh, phòng giao dịch khác không bị thanh tra. Sau cuộc kiểm tra khoảng 10 ngày, các chi nhánh, phòng giao dịch sẽ chuyển khoản âm quỹ về lại Hội sở DAB. Bị cáo Bình thừa nhận, cách che giấu này đã sử dụng 10 năm nhưng thanh tra NHNN không phát hiện ra.
Vũ "nhôm" khắc phục xong 200 tỷ đồng

Đến chiều tối qua (4/12), theo thông tin Tiền Phong nhận được, gia đình bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm’) đã đến Cục Thi hành án dân sự TPHCM nộp hơn 30 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Trước đó, Vũ ‘nhôm’ đã nộp 173 tỷ đồng trong tổng số 203 tỷ mà bị cáo này bị cáo buộc chiếm đoạt của ngân hàng DAB.

Văn Minh (TP)

Có thể bạn quan tâm