Chính trị

Tin tức

Đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cần phát huy nội lực để vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại TP. Pleiku, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức hội nghị tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Các đồng chí: Đỗ Văn Chiến-Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trương Thị Ngọc Ánh-Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Cao Thị Xuân-Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh Đức Thụy
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh Đức Thụy

Dự hội nghị về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Hồ Văn Điềm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Ayun HBút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội khóa XV đang sinh sống trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành và 43 già làng, người uy tín tiêu biểu trên các lĩnh vực của 5 tỉnh Tây Nguyên.

Kiến nghị nhiều vấn đề sát sườn

43 đại biểu là già làng, người uy tín tiêu biểu về dự hội nghị đều bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào các DTTS ở khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua. Các chương trình, dự án dành cho đồng bào DTTS phát huy hiệu quả; các chương trình an sinh xã hội giúp đỡ người nghèo, gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn được chú trọng. Nhờ đó, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, nhất là hệ thống điện-đường-trường-trạm; đời sống người dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày một giảm...

Tại hội nghị, các đại biểu đã ý kiến, kiến nghị với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về các vấn đề như: hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay và khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất; bình ổn giá cả các mặt hàng, nhất là phân bón, xăng dầu; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; hỗ trợ kinh phí để phát triển du lịch cộng đồng...

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (thứ 7 từ trái sang) và Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 4 từ trái sang) tặng quà cho các đại biểu. Ảnh: Đức Thụy
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến (thứ 7 từ trái sang) và Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên (thứ 4 từ trái sang) tặng quà cho các đại biểu. Ảnh: Đức Thụy
Dịp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tặng quà cho 43 người uy tín tiêu biểu của 5 tỉnh Tây Nguyên dự hội nghị.

Bà Hbliăk Niê (buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đak Lak) bày tỏ: “Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên hơn nữa đối với những thôn, buôn khó khăn; có chế độ hỗ trợ tương xứng cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở”. Còn ông YJăn (bon Bu Dak, xã Thuận An, huyện Đak Mil, tỉnh Đak Nông) thì nêu kiến nghị: “Hiện nay, giá cả các mặt hàng phân bón, xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của người dân. Do đó, đề nghị các cấp, các ngành có giải pháp bình ổn giá, giúp người dân yên tâm sản xuất. Cùng với đó, quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; có chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình phụ trợ và mua sắm trang-thiết bị bên trong nhà sinh hoạt cộng đồng ở các thôn, buôn”.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, ông Hmrik (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên và đội ngũ già làng, người uy tín. Để phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ này, ông Hmrik đề nghị nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp, cấp thẻ bảo hiểm y tế để họ yên tâm cống hiến. Trong khi đó, bà Triệu Thị Sa (thôn Tân Bình, xã Tân Thành, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) thì đề nghị: “Cần có cơ chế tuyển dụng đặc biệt đối với con em đồng bào DTTS sau đào tạo. Làm được như vậy mới khích lệ thế hệ kế cận trong cộng đồng học tập, vươn lên. Các cấp, các ngành cũng cần quan tâm cân đối ngân sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Sẽ từng bước giải quyết các vấn đề

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên bày tỏ niềm vinh dự khi Gia Lai được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chọn tổ chức hội nghị. Đồng thời, đồng chí mong muốn các đại biểu với uy tín của mình tham gia đóng góp nhiều ý kiến, tiếp tục củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng.

Già Hmrik tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh Đức Thụy
Ông Hmrik (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh Đức Thụy


Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cũng thông tin đến đại biểu về những giải pháp mà tỉnh đã triển khai liên quan đến công tác dân tộc. Theo đó, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS; Chỉ thị số 08 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; mới đây nhất là tiếp tục lãnh đạo triển khai thực hiện Chương trình số 29 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS. Kết quả đạt được trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đóng góp vào kết quả chung rất phấn khởi của tỉnh.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến bày tỏ sự đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ với những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của đại biểu. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Khi nói đến Tây Nguyên là nói đến đại ngàn Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên và lòng dân Tây Nguyên. Do đó, qua hội nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp, trao đổi, thống nhất, phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và Ban Dân vận Trung ương giải quyết từng bước, đáp ứng mong mỏi của bà con. “Đảng, Nhà nước nhất quán chủ trương các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành đã dành sự quan tâm rất đặc biệt đối với vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các DTTS cũng cần phát huy nội lực, nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống”-Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị.

 

 ANH HUY 

Có thể bạn quan tâm