(GLO)- Đồng chí Trần Văn Bình, tên thường gọi là Đẳng; sinh ngày 5-9-1922, tại xã Nhơn Hậu; trú quán xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Xuất thân từ gia đình nghèo, dưới thời Pháp thuộc, anh học hết lớp nhất thì nghỉ học. Anh tham gia cách mạng ngày 28-4-1945, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 9-11-1946. Sau khi vào Đảng, anh được trên chỉ định làm Bí thư chi bộ dự bị, kiêm Chính trị viên Xã đội Nhơn Hưng. Năm 1947, anh được rút lên làm Huyện đội trưởng. Năm 1948, anh trúng cử Huyện ủy viên, năm 1950 là Ủy viên Thường vụ huyện An Nhơn.
Đồng chí Trần Văn Bình phát biểu chỉ đạo công tác tuyên truyền về Hiệp định Paris năm 1973. Ảnh: Lý Vĩnh Hoa |
Do nhu cầu của chiến trường địch hậu, tháng 8-1950, anh được điều lên tỉnh Gia Kon làm Huyện ủy viên huyện Kon Plông, phụ trách công tác chính quyền. Năm 1951, anh là Ủy viên Thường vụ huyện Kon Plông. Năm 1952, anh là Ủy viên Thường vụ huyện Vĩnh Thạnh (lúc bấy giờ huyện Vĩnh Thạnh thuộc tỉnh Gia Kon).
Sau Hiệp định Genève 1954, anh là một trong số 134 cán bộ ở lại tỉnh Gia Lai. Anh được tỉnh phân công theo dõi công tác thị trấn, thị xã. Tháng 8-1955, anh Lê Phi Hùng-Bí thư Huyện ủy An Khê bị địch bắt. Tỉnh ủy phân công anh làm Bí thư Huyện ủy An Khê. Tình hình An Khê lúc bấy giờ đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách. Trong Ban cán sự huyện có 3 người thì một đầu hàng địch là Huỳnh Kỳ An, một bị địch bắt là Lê Phi Hùng, một địch bắn bị thương là Mai Xuân Cảnh. Cơ sở có nhiều người bị bắt do An khai báo. Vùng bàn đạp đứng chân để hoạt động bị địch phá, người dân tránh gặp cán bộ cách mạng vì sợ liên lụy.
Đồng chí Trần Văn Bình vẫn kiên định vững vàng trước khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng cán bộ huyện bám dân, xây dựng củng cố lại cơ sở. Liên hệ với 2 huyện Nam-Bắc An Khê là khu 2 và khu 7 để xây dựng bàn đạp đứng chân và phối hợp đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị để chống địch. Là Bí thư Huyện ủy, đồng chí thường xuyên sâu sát quần chúng, có lúc cải trang mặc khố, mang gùi để đi sát từng nhà cơ sở. Nhờ vậy, sau 2 năm, cơ sở cách mạng ở An Khê được khôi phục và phát triển, trở thành một huyện vùng Kinh có phong trào cách mạng ở Gia Lai.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất năm 1959, đồng chí Bình được bầu là Tỉnh ủy viên. Năm 1961 là Ủy viên Thường vụ tỉnh. Năm 1963 là Phó Bí thư Tỉnh ủy. Năm 1964, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy, thay cho đồng chí Phạm Chánh.
Từ năm 1964 đến năm 1974 (khi đồng chí qua đời), qua 10 năm làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí cùng Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, gian khổ, ác liệt, đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch. Bằng việc vận dụng linh hoạt sáng tạo phương châm 2 chân 3 mũi giáp công, phong trào cách mạng đã làm thất bại kế hoạch Staley-Taylor của Mỹ trong chiến lược chiến tranh đặc biệt. Cuối năm 1965, toàn bộ vùng nông thôn trong tỉnh đã được giải phóng, kể cả một số dinh điền và vùng Kinh nông thôn. Cuối năm 1965, chiến lược chiến tranh đặc biệt của địch thất bại, chuyển thành chiến tranh cục bộ. Lúc đầu, có người không tin là ta sẽ đánh thắng quân Mỹ. Với quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, quân và dân Gia Lai đã đánh thắng Mỹ ở Plei Me, thung lũng Ia Drăng, giữ được dân vùng giải phóng nên củng cố được niềm tin tất thắng. Đế quốc Mỹ cố tung hết lực lượng để đánh thắng “Việt cộng” trong 2 mùa khô năm 1966 và 1967 nhưng ngược lại chúng bị thảm bại trên cả miền Nam và chiến trường Gia Lai.
Từ năm 1969 trở đi, thế và lực quân ta càng lấn áp địch, thế chủ động trên chiến trường thuộc về ta. Ta đã giành được nhiều thắng lợi trong đánh địch, giành và giữ dân, góp phần vào thắng lợi Hiệp định Paris năm 1973. Ở Gia Lai, thị trấn Dân Chủ được thành lập, minh chứng cho thắng lợi của thời kỳ này.
Mùa xuân năm 1975, tỉnh Gia Lai được hoàn toàn giải phóng. Tuy lúc này đồng chí Trần Văn Bình không còn, nhưng sự nghiệp của đồng chí để lại sau 10 năm làm Bí thư Tỉnh ủy là nhân tố của thắng lợi.
Những thắng lợi đạt được là thành quả chung của Đảng bộ, quân và dân Gia Lai, trong đó có công rất lớn của đồng chí Trần Văn Bình với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy. Đồng chí Trần Văn Bình được Đảng bộ tín nhiệm, cán bộ đảng viên tin tưởng, nhân dân yếu mến. Bởi lẽ, đồng chí là cán bộ lãnh đạo có năng lực, nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và vận dụng linh hoạt sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Đồng chí có đạo đức tốt, trung thành, tận tụy, sống giản dị, liêm khiết, gương mẫu vì mọi người. Có trách nhiệm cao, tích cực, tận tụy với công việc, quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Tác phong năng động, nhạy bén, sâu sát, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Một trong những điểm mạnh của đồng chí là tôn trọng dân chủ, giữ vững đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, nhất là những lúc khó khăn, tạo nên sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng chí Trần Văn Bình có vợ và 4 con tập kết ở miền Bắc, qua 20 năm xa cách, chưa một lần gặp lại nhau. Đồng chí sẵn sàng gác lại việc gia đình để lo việc xã hội của một cán bộ đảng viên. Ngày đồng chí qua đời, vợ con chẳng ai có mặt.
Đồng chí Trần Văn Bình lâm bệnh, mặc dù được y-bác sĩ của tỉnh, của Khu ủy V tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi, đồng chí qua đời ngày 18-4-1974 tại căn cứ địa cách mạng Krong khu 10 (nay là huyện Kbang). Đồng chí mất đi trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gần đến ngày thắng lợi, đã để lại cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh Gia Lai và bạn bè gần xa bao nỗi tiếc thương vô hạn. Đồng chí Bình được công nhận là liệt sĩ, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tôi viết bài này như một nén hương lòng thắp lên trong ngày giỗ lần thứ 43 của đồng chí, để tưởng nhớ và tri ân.
Ngô Thành (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy)