(GLO)- Nếu không có sự giúp sức của cộng đồng, nhiều học trò ở làng Nú (xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã phải sớm nghỉ học giữa chừng. Đằng sau câu chuyện vận động học sinh tới lớp ở làng Nú còn là sự ấm áp sẻ chia đầy tình người của cộng đồng trước những số phận kém may mắn.
Gập ghềnh đường đến trường
Để đến được nhà của 2 nữ sinh Rơ Châm Lưu và Rơ Châm Luyến (học sinh lớp 10, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai), chúng tôi phải đi bộ một quãng đường đất, băng qua một con suối nhỏ, đi tiếp qua một rẫy cà phê. Thấy chúng tôi đến, chị Rơ Châm Kưr (mẹ của Lưu và Luyến) vội vàng trải tấm chiếu giữa nền nhà mời khách. Trong căn nhà trống hoác, chúng tôi để ý không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc giá sách cũ kỹ, bong tróc xếp sách vở học tập. Chị Kưr nói, giá sách đó là của một người hàng xóm cho Lưu và Luyến. Đây cũng là góc học tập của 2 em. Không có ghế ngồi nên mỗi khi học bài, các em phải đứng hoặc trải chiếu xuống nền nhà.
Chị Kưr cho hay, chồng chị là cán bộ văn hóa xã, mất năm 2010 sau một tai nạn. Khi đó, 2 đứa con gái sinh đôi mới vừa vào lớp 1. Một mình chị gồng gánh nuôi 3 con nhỏ. “Đứa con gái lớn thấy Lưu và Luyến ham học, sáng dạ nên nhường “đặc quyền” được đi học cho hai em. Lên lớp 8, nó xin mình cho nghỉ học, đi làm thuê cùng để kiếm tiền phụ mẹ nuôi em”-chị kể.
Hội LHPN xã Ia Sao (huyện Ia Grai) đồng hành cùng học trò nghèo. Ảnh: N.B |
Năm học 2019-2020, Lưu và Luyến cùng vào Trường THPT Phạm Văn Đồng, Lưu học lớp 10A4 còn Luyến học lớp 10A2. Người mẹ nghèo sau khi họp phụ huynh, được thông báo các khoản tiền phải nộp đầu năm học tổng cộng hơn 3 triệu đồng đã rất lo lắng, buồn bã. Số tiền đó quá lớn, ngoài sức lo của chị. Vì vậy, chị buộc phải nói với con rằng một trong 2 đứa phải nghỉ học để nhường cơ hội cho đứa còn lại do chị không thể lo nổi cùng lúc cả hai. “Từ khi chồng mất, tài sản còn lại của mình là 2 sào đất trồng lúa và gần 1 sào cà phê. Lúa thì trồng đủ ăn, còn mỗi năm thu cà phê chỉ được khoảng chục triệu đồng. Lúc cha của Lưu và Luyến mất, nhà nội làm cho 4 mẹ con căn nhà nhỏ này để ở, nhưng cũng vì có nhà xây nên gia đình mình không được xếp vào diện hộ nghèo để được miễn giảm một số khoản thu khi cho con đi học”-chị Kưr nói.
Chung tay hỗ trợ học trò nghèo
Trước hoàn cảnh của 2 nữ sinh nghèo, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Sao đã tới nhà tìm hiểu, động viên các em vượt khó tiếp tục tới lớp. Hội cùng với Ủy ban MTTQ, Hội Khuyến học xã quyên góp tặng 2 em một chiếc xe đạp trị giá 1,2 triệu đồng làm phương tiện đến lớp. Chị Nguyễn Thị Mến-Chủ tịch Hội LHPN nữ xã kể: “Niềm khao khát được đi học ở các em rất lớn. Đó là động lực để dù khó khăn như thế nào, chúng tôi cũng cố gắng kêu gọi, tìm nguồn hỗ trợ cho các em được tiếp tục đến trường. Chúng tôi đã gõ cửa nhiều nơi, từ các tổ chức, cá nhân đến các nhóm thiện nguyện để tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời cho những số phận kém may mắn như Lưu và Luyến”.
Còn chị Rơ Châm Rúi-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Nú thì chia sẻ: “Từ sách giáo khoa, áo dài, dụng cụ học tập… của các em đều được chúng tôi kêu gọi mọi người đóng góp, ai có gì thì cho nấy. Khi Lưu và Luyến vào lớp 10, một người hàng xóm đã cho 2 em mượn chiếc xe đạp cũ để chở nhau tới lớp. Biết hoàn cảnh khó khăn của 2 em, cô giáo chủ nhiệm đã đứng ra nộp giúp các khoản tiền đầu năm học mới cho Luyến, khi nào mẹ em thu cà phê sẽ gửi lại cho cô. Còn tiền học của Lưu, chi hội Phụ nữ làng đang bàn bạc, tìm kiếm sự hỗ trợ để giúp em không phải nghỉ học giữa chừng”-chị Rúi nói.
Không chỉ trường hợp Lưu và Luyến, từ đầu năm học 2019-2020 đến nay, Hội LHPN nữ xã Ia Sao đã vận động một số trường hợp học sinh các cấp ở làng Nú nghỉ học tiếp tục tới lớp. Trong đó, có 2 học sinh lớp 6 và 1 học sinh lớp 4. Các em đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Em Rơ Châm Ơn (học sinh lớp 6, Trường THCS Tôn Đức Thắng) vì hoàn cảnh khó khăn đã nghỉ học khi vừa bước vào năm học đầu cấp. Nhờ sự động viên, giúp đỡ kịp thời của Hội LHPN xã, Ơn đã quay trở lại lớp học. Hội còn vận động quyên góp tặng em chiếc xe đạp mới và đồng phục để tới trường. “Các trường hợp nghỉ học, chúng tôi đều tới tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh, động viên các em và gia đình. Đồng hành với học trò nghèo không chỉ có vai trò của gia đình, nhà trường mà rất cần xã hội chung tay. Các trường hợp nêu trên, nếu không kịp thời hỗ trợ, có thể các em khó có cơ hội đến lớp”-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Sao cho biết.
Dù đã nỗ lực nhưng chị Mến vẫn không khỏi áy náy vì không phải trường hợp nào Hội cũng vận động thành công. Có những trường hợp lỗ hổng kiến thức quá lớn khiến học sinh không còn mặn mà tới lớp, mặc cảm với bạn bè nên dứt khoát xin nghỉ học. Chị Mến chia sẻ: “Có em học lớp 4 nhưng vẫn chưa biết đọc, biết viết, nếu đi học cũng khó theo kịp bạn bè. Động viên, khuyến khích, mua quần áo mới cho em tới lớp thì cũng chỉ vài hôm là em lại nghỉ học. Chúng tôi luôn cố gắng nhưng điều quan trọng nhất là em nào còn niềm khao khát học tập, tiếp nhận tri thức thì khi được hỗ trợ kịp thời, các em sẽ vượt khó tới trường thành công”.
NGUYÊN BÌNH