Kinh tế

Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy hoạt động trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế nhưng nhiều doanh nghiệp Gia Lai vẫn sản xuất kinh doanh hiệu quả. Những kinh nghiệm được đúc rút trong thời kỳ này là nền tảng vững chắc để họ xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp trong thời kỳ hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.

Nhà máy Đường An Khê:
Đầu tư chiều sâu, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn


Đến nay, diện tích vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê đạt 26.000 ha. Năm qua, Nhà máy luôn chú trọng công tác đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu bằng nhiều biện pháp: du nhập, khảo nghiệm và chuyển giao giống mía mới phù hợp từng vùng đất; trả lại chất hữu cơ cho đất bằng nhiều biện pháp như hỗ trợ bã bùn, băm, tủ rác mía với công nghệ băm vùi rác hiện đại của nước ngoài, sử dụng phân bón có chất lượng cao, bón phân cân đối hợp lý trên từng chân đất, đặc biệt là đầu tư phương tiện máy móc có công suất lớn để làm đất-trồng-chăm sóc-bón phân… và thu hoạch mía bằng máy liên hợp, nâng cao năng suất, chất lượng mía trên đơn vị diện tích canh tác.

 

Trạm thu phí BOT DLG. Ảnh: P.L
Trạm thu phí BOT DLG. Ảnh: P.L

Trong xu thế ngành đường hội nhập sâu rộng trong khu vực và thế giới, Nhà máy Đường An Khê-Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã đầu tư trên 150 máy cày có công suất lớn và gần 1.000 thiết bị máy nông nghiệp, 4 máy thu hoạch mía liên hợp để làm đất-trồng-chăm sóc-bón phân cho mía trên vùng nguyên liệu 4 huyện, thị xã phía Đông Gia Lai, từng bước chuyên môn hóa trong sản xuất nông nghiệp, hạ giá thành sản xuất, đem lại lợi nhuận cao cho người trồng mía với việc đầu tư chiều sâu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao cho người dân trồng mía, năng suất mía bình quân 50 tấn/ha, tăng lên 70 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Hòe-Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết: “Trong năm 2015, hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy đạt kết quả tốt. Nhà máy tập trung đầu tư trang-thiết bị, cải tiến kỹ thuật dây chuyền sản xuất để kinh doanh hiệu quả. Sản lượng mía ép đạt gần 1,4 triệu tấn, sản lượng đường đạt trên 141 ngàn tấn, doanh thu đạt gần 2.100 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trên 70 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước gần 130 tỷ đồng”.

Năm 2015, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên đạt 7,5 triệu đồng/tháng. Hàng năm, Nhà máy tuyển thêm khoảng 300 công nhân hợp đồng thời vụ.

Công ty Cổ phần Thương mại Gia Lai:
Tiên phong trong lĩnh vực cung ứng hàng tiêu dùng


Những năm qua, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai (Comexim Gia Lai) tập trung đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện vận tải và nguồn nhân lực cho thương mại tiêu dùng. Hợp tác với rất nhiều đối tác lớn có uy tín trên thị trường như: Tập đoàn Unilever, Tập đoàn Masan, Vinamilk, Kimberly-Clark, Vedan,… Comexim Gia Lai hiện có 6 chi nhánh trực tiếp thực hiện việc phân phối hàng hóa đến tận tay các khách hàng.

Comexim Gia Lai là doanh nghiệp có thời gian hoạt động lâu nhất, quy mô lớn và chủng loại hàng hóa đa dạng nhất; tỷ trọng doanh thu của ngành hàng tiêu dùng tăng trưởng rõ rệt qua các năm. Bình quân trong 5 năm (2008-2012), doanh thu của lĩnh vực này chiếm 61,48% và tăng trưởng bình quân hàng năm xấp xỉ gần 30%. Ngoài ra, Comexim Gia Lai còn phân phối sản phẩm xe máy SYM và kinh doanh phân bón với 2 chi nhánh tại TP. Pleiku (Gia Lai) và TP. Quy Nhơn (Bình Định). Uy tín của Comexim Gia Lai trên thị trường ngày càng nâng cao, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Kể từ năm 2008, doanh thu đã vượt mức 1.000 tỷ đồng đóng góp nguồn ngân sách địa phương khoảng 3,3 tỷ đồng (năm 2015). Liên tục trong 7 năm, Công ty đã được Vietnam Net bình chọn top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Đề cập định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Huỳnh Văn Phong-Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: “Trong điều kiện nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay, Công ty sẽ tập trung đầu tư để duy trì, nâng cao năng lực hoạt động đối với các lĩnh vực kinh doanh hiện có, phấn đấu trở thành nhà cung cấp dịch vụ phân phối hàng hóa chuyên nghiệp, tăng trưởng hàng năm từ 10% trở lên”.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG):
Bứt phá từ những lĩnh vực kinh doanh mới


Kết thúc năm 2015, DLG đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: doanh thu năm 2015 đạt 1.645 tỷ đồng, tăng 63,6% so với năm 2014; lợi nhuận trước thuế 82,8 tỷ đồng, tăng 57,4% so với năm 2014. Chiến lược tái cấu trúc với 4 lĩnh vực trọng điểm gặt hái được nhiều thành công, chứng minh bước đi đúng đắn và phù hợp. Trên lĩnh vực tài chính, thông qua thương vụ M&A với Công ty Mass Noble (Mỹ), DLG không chỉ sở hữu nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử quy mô lớn tại TP. Đông Quản (Quảng Đông, Trung Quốc) mà còn chính thức trở thành đơn vị tiên phong trong hoạt động M&A với doanh nghiệp nước ngoài bằng hình thức hoán đổi cổ phiếu.

Trên lĩnh vực năng lượng, ngoài một số nhà máy thủy điện đang hoạt động, DLG đã chính thức khởi công dự án thủy điện Đak Pô Cô (huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum) với tổng công suất 18 MW, vốn đầu tư 525 tỷ đồng. Tại Đại hội cổ đông năm nay, DLG chính thức bổ sung bất động sản vào chiến lược tái cấu trúc. Đại diện DLG cho biết: Từ nay đến tháng 6-2016 Tập đoàn sẽ khởi công đầu tư xây dựng 3 dự án tại quận 7, quận 8 và quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) với trên 2.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, dự kiến năm 2016 sẽ thu về 700-800 tỷ đồng.

Hà Duy-Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm