Các hạt vật chất được giải phóng khi đốt một khoanh nhang muỗi tương đương với việc bạn bị "hun khói" bởi 75-137 điếu thuốc lá.
Trong một bài viết vừa công bố trên tạp chí The Conversation, Tiến sĩ Cameron Webb - giảng viên Đại học Sydney, nhà nghiên cứu y học của Khoa Y học – Bệnh học côn trùng, Bệnh viện NSW Health Pathology & Westmead (Úc) - đã phân tích về vai trò thật sự và mặt trái của những khoanh nhanh muỗi.
Nhang muỗi chỉ phù hợp dùng ngoài trời nếu bạn không muốn "hít" cả trăm điếu thuốc cộng lại |
Theo tiến sĩ Webb, nhang muỗi là một phát minh của Nhật Bản từ những năm 1900, dựa trên nền tảng những phương pháp đốt thảo dược, nhang thơm để xua muỗi phổ biến trong nhiều nền văn hóa. Nhang muỗi hoạt động dựa trên hai nguyên tắc: giết muỗi bằng các thuốc trừ muỗi được giải phóng khi đốt và xua muỗi tránh xa bằng mùi hương.
Tuy nhiên, dường như chỉ một số loài muỗi nhất định bị tác động bởi phương pháp này. Tổng hợp kết quả từ 15 nghiên cứu ở các vùng dịch tễ sốt rét, những khoanh nhang muỗi dường như vô tác dụng. Trong khi đó, các nghiên cứu khác thì chứng minh nó khá hiệu quả trong việc mắc sốt xuất huyết.
Việc dùng nhang muỗi ở đâu mới thực sự là vấn đề. Tiến sĩ Webb cho biết khá nhiều nghiên cứu cho thấy nhang muỗi tốt nhất là được sử dụng ngoài trời. Nó đặc biệt hữu ích nếu bạn đi cắm trại, có buổi tiệc tối ngoài vườn.
Nhiều người cho rằng nhang muỗi hiệu quả hơn trong phòng vì phòng kín giúp các hóa chất được lưu giữ lâu. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã đo lường các hạt vật chất được giải phóng khi đốt một khoanh nhang muỗi: nó tương đương với việc bạn bị "hun khói" bởi 75-137 điếu thuốc lá!
Tuy chưa có bằng chứng rõ ràng rằng nhang muỗi liên quan đến ung thư phổi nhưng tiến sĩ Webb cho rằng mối nghi hoặc chưa chắc chắn đó cũng đủ để chúng ta nên tránh tiếp xúc lâu với khói nhang muỗi trong phòng kín. Nên thay thế nhang muỗi bằng các biện pháp trừ, bắt muỗi không khói.
Các biện pháp "truyền thống" như mặc quần áo dài tay, ngủ mùng… vẫn được các chuyên gia ủng hộ nhiều nhất vì nó an toàn và luôn luôn có hiệu quả cao nhất.
A. Thư (The Conversation/NLĐO)