Trong khi hàng loạt dự án đường sắt triển khai cách đây cả chục năm chưa biết lúc nào xong và đội vốn cả trăm ngàn tỉ đồng, Bộ GTVT lại nghiên cứu để xin đầu tư dự án đường sắt mới lên đến gần 100.000 tỉ đồng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hải Dương về dự án đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (Quảng Ninh) đã triển khai 15 năm nhưng đang dừng thi công, gây nhiều hệ lụy. Cử tri Hải Dương đề nghị sớm khôi phục dự án để hoàn thành trong thời gian sớm nhất hoặc nếu dừng thì hoàn trả mặt bằng để người dân ổn định cuộc sống.
Đã tiêu 4.322 tỉ đồng
Trả lời kiến nghị trên, Bộ GTVT cho biết dự án tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (Quảng Ninh) được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ năm 2004 và được chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập. Trong đó, các tiểu dự án Lim - Phả Lại và Phả Lại - Hạ Long (trên địa bàn tỉnh Hải Dương) đã cơ bản đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công phần nền đường, các công trình trên tuyến (cầu, cống, hầm chui...).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, dự án bị tạm dừng, giãn tiến độ nên đến nay chưa hoàn thành.
Theo Bộ GTVT, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư khó khăn như hiện nay, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho một số dự án cấp bách trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM hiện có. Vì vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng xem xét nghiên cứu, kêu gọi để tiếp tục đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với các hạng mục còn lại.
"Khi có nhà đầu tư quan tâm hoặc được cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai, Bộ GTVT sẽ phối hợp với địa phương để tiếp tục thực hiện dự án" - Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin.
Được biết, dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có tổng chiều dài 131 km (trong đó có 43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp đường cũ).
Vào tháng 5-2005, Bộ GTVT khởi công dự án với tổng kinh phí đầu tư 7.663 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Điểm đầu dự án từ tim ga Yên Viên và điểm cuối là bãi xếp dỡ của cảng Cái Lân, đi qua 4 địa phương, gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh.
Dự án được chia thành 4 tiểu dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư trước đây của dự án (Cục Đường sắt Việt Nam) đã triển khai ký hợp đồng với các nhà thầu để cung cấp vật tư thiết bị từ năm 2007-2009. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án phải dừng, giãn tiến độ do thiếu vốn nên các vật tư thiết bị đã mua sắm nêu trên chưa được sử dụng, lắp đặt hết vào công trình.
Trong số chiều dài gần 130 km toàn tuyến, hiện mới chỉ có đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân - cầu vượt Bàn Cờ (đều trên địa bàn Quảng Ninh) chiều dài khoảng 6 km với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng được xây dựng hoàn thiện, còn lại hơn 120 km bỏ dở dang từ năm 2011.
Tình trạng này khiến nhiều nhà ga đầu tư cả trăm tỉ đồng ở Quảng Ninh mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng luôn vắng bóng tàu vì thiếu khách.
Hiện trên tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ duy trì 1 đôi tàu/ngày nhưng rất vắng khách. Bộ GTVT đang khiến nghị nhà nước bù lỗ để chạy đôi tàu an sinh này vào khoảng 4 tỉ đồng/năm.
Như vậy, trong khi chưa sinh lợi để góp phần hoàn vốn gốc, lãi của hơn 4.322 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã giải ngân cho dự án này, tính toán mới nhất của Bộ GTVT cho thấy nếu tiếp tục hoàn thành thì phải bố trí thêm 6.000 tỉ đồng từ nay đến năm 2022 nhằm làm xong 3 tiểu dự án còn lại.
Dự án Đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên khởi công tháng 8-2012, dự kiến năm 2017 khánh thành nhưng khối lượng thi công hiện mới đạt 67%. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Năm dự án chậm tiến độ, đội vốn "khủng"
Trong Báo cáo số 9477 (báo cáo về kết quả thực hiện kiến nghị của đại biểu Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước) của Bộ GTVT gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết có 5 dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư. Trong đó, 3 dự án do TP Hà Nội và TP HCM làm chủ đầu tư.
Cụ thể, dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương do UBND TP HCM làm chủ đầu tư; dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Hai dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư là Cát Linh - Hà Đông và tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (đều tại TP Hà Nội).
Điều đáng nói là cả 5 dự án đường sắt trọng điểm nêu trên không những chậm tiến độ mà còn đội vốn "khủng". Điển hình là dự án Cát Linh - Hà Đông, khởi công cách đây 10 năm với tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD (gần 8.770 tỉ đồng), sau đó được điều chỉnh lên hơn 868 triệu USD (hơn 18.000 tỉ đồng), dự kiến hoàn thành năm 2015. Đến nay, sau gần 10 lần sai hẹn về đích nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.
Tuyến Bến Thành - Suối Tiên khởi công tháng 8-2012, dự kiến năm 2017 khánh thành nhưng khối lượng thi công hiện nay mới đạt 67%. Đây cũng là tuyến metro đội vốn "khủng" từ 17.400 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng. Còn tuyến Bến Thành - Tham Lương, dự toán được phê duyệt ban đầu là 26.116 tỉ đồng cũng đội vốn lên 47.891 tỉ đồng. Đến thời điểm này, dự án mới hoàn thành gói CP1 (xây dựng tòa nhà văn phòng, khu depot) đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; các gói thầu còn lại đang lựa chọn nhà thầu.
Tương tự, tuyến Nhổn - ga Hà Nội khởi công từ tháng 10-2010 và dự kiến năm 2018 hoàn thành, đến nay mới đạt tổng tiến độ chung trên 55% và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022. Dự án này cũng đội vốn 14.502 tỉ đồng so với phê duyệt ban đầu (từ 18.408 tỉ đồng lên 32.910 tỉ đồng).
Dù chưa thể triển khai thi công sau hơn 10 năm nhưng đến nay, dự án đường sắt đô thị tuyến Ngọc Hồi - Yên Viên đã được tính toán tăng tổng mức đầu tư gấp 9 lần so với ban đầu (81.537 tỉ đồng so với 9.197 tỉ đồng).
Do chưa có kinh nghiệm Lý giải về việc tăng tổng mức đầu tư dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng bên cạnh các nguyên nhân chủ quan thì nguyên nhân chính là do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư. Đặc biệt, đối với các dự án đường sắt đô thị, do chưa có kinh nghiệm với loại hình mới này nên tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu (như điều chỉnh mặt bằng và kết cấu nhà ga ngầm; kết cấu nhịp cầu cạn của đoạn tuyến đi trên cao; bổ sung kết cấu nhà ga ngầm...), ngoài ra là yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án. |
Phải quy được trách nhiệm cá nhân, tập thể TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng trong thời gian tới, việc quản lý các dự án đường sắt đô thị cần xây dựng chi tiết cụ thể để khi xảy ra vấn đề đội vốn, chất lượng kém, thời hạn hoàn thành không đúng tiến độ thì phải quy được trách nhiệm cá nhân, tập thể. Bên cạnh đó, đối với những nhà thầu trong cũng như ngoài nước có dự án chậm tiến độ, đội vốn thì cương quyết xếp vào danh sách những nhà thầu không cho tham gia các dự án tiếp theo của ngành giao thông. Khi xây dựng các dự án đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP HCM, phải nhận thức rằng đây là một ngành mới. Vì thế, về nhân sự, phải tìm kiếm được những người giỏi có kinh nghiệm, thậm chí phải có tổng công trình sư cho các dự án đường sắt đô thị nói chung. Đại biểu Quốc hội Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết ông nhất trí với quan điểm của nhiều chuyên gia rằng Việt Nam chưa cần thiết xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Lý giải, ông Lê Công Nhường nhắc lại góp ý của chính ông cho Luật Đầu tư hôm 20-11, rằng đừng để đất nước ta nghèo đi vì không biết tiêu tiền; chúng ta phải giàu lên nhờ biết dùng tiền, nhất là tiền đầu tư. Ban soạn thảo nên lưu ý tỉ lệ 80/20 của quy luật Pareto. Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này phải đồng bộ với các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Đất đai... Định hướng đầu tư vào những ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn sao cho đầu tư 20% nguồn lực nhưng đem lại 80% hiệu quả nhằm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Tránh xây dựng Luật Đầu tư và các nghị định dàn trải; quy định thủ tục rườm rà, chồng chéo làm tiêu tốn 80% nguồn lực của xã hội như các dự án đầu tư trước đây, suất đầu tư cao hơn các nước nhưng hiệu quả thấp hơn khiến nước ta không những không đuổi kịp các nước tiên tiến mà khoảng cách ngày càng xa và bị một số nước phía sau vượt mặt. Do đó, trong khi nguồn lực nhà nước có hạn thì chúng ta phải sử dụng nguồn lực tập trung vào những việc nào mang lại hiệu quả cao nhất cho đất nước, giúp ích cho xã hội, tránh gây lãng phí nguồn lực của đất nước. |
Văn Duẩn (NLĐO)