TN - Đất & Người

Dự án 72 tỷ vỡ đường ống 13 lần ở Đắk Lắk: Do thiết kế hay thi công chọn vật liệu kém chất lượng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lãnh đạo Sở Xây dựng Đắk Lắk đặt nghi vấn về việc thiết kế và chất lượng vật liệu liên quan đến các hư hỏng tại dự án cấp nước thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar.
Thiết kế có vấn đề hay vật liệu kém chất lượng?
Ông Phạm Văn Lập, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã xin tỉnh gia hạn thêm 1 tháng nữa để có đủ thời gian đánh giá tiểu Dự án cấp nước tưới cho cây cà phê theo phương thức đối tác công tư tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M'Gar (tiểu dự án Cư M'gar DL 05, Đắk Lắk).

Tiểu dự án Cư M'gar DL 05 được xây dựng xong cách đây hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Ảnh: Duy Hậu
Tiểu dự án Cư M'gar DL 05 được xây dựng xong cách đây hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Ảnh: Duy Hậu
Trước đó, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk chủ trì làm rõ những sai sót khiến tiểu dự án Cư M'gar DL 05 liên tục xảy ra sự cố vỡ ống.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng báo cáo kết quả cho tỉnh vào 31/12/2021. Tuy nhiên, theo ông Lập, để có kết quả đánh giá chính xác nhất thì cần phải nghiên cứu nhiều tài liệu. Khó khăn khác đó là công trình chôn dưới đất nên rất khó để kiểm tra. Do đó, Sở đã có văn  bản xin gia hạn.
"Tôi có xem qua hồ sơ và có một dấu hỏi lớn đặt ra đó là liệu thiết kế có ổn không? Nếu thiết kế ổn thì phải chăng là do việc chọn vật liệu chưa đảm bảo (ống kém chất lượng, giả...)"- ông Lập nói.
Cùng ngày, trả lời PV Dân Việt, bà Lưu Thị Ngụ, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kỳ Nguyên (đơn vị thi công đường ống chính của công trình) cho biết, do áp lực tiến độ công trình nên đơn vị thi công có một số sai sót.

Đường ống chính dẫn nước từ hồ Buôn Yông về tưới cho cà phê, tiêu tại thôn Tiến Cường là ống nhựa uPVC. Ảnh: Duy Hậu
Đường ống chính dẫn nước từ hồ Buôn Yông về tưới cho cà phê, tiêu tại thôn Tiến Cường là ống nhựa uPVC. Ảnh: Duy Hậu
Tuy nhiên, theo bà Ngụ, nguyên nhân vỡ ống chủ yếu là do việc lựa chọn vật liệu của đơn vị thiết kế không phù hợp. Ống nhựa uPVC là loại giòn, rẻ, không phù hợp với địa hình đồi dốc. Một số vị trí trong thiết kế không đúng với địa hình thực tế ngoài thực địa.
Thiết kế mố neo cũng bất ổn, khi các vị trí chuyển hướng không có mố neo mà lại thiết kế trên đường ống thẳng. Đồng thời, hồ sơ thiết kế chưa có các van thu khí, thiếu thiết bị giảm áp, giếng tiêu năng, chưa có biện pháp đề phòng hiện tượng nước va…
Bà Ngụ cũng cho biết, khi nhận công trình, do áp lực về tiến độ nên đơn vị không nhận ra những thiếu sót này. "Ban đầu không đơn vị nào nhận ra. Sau này, khi xảy ra sự cố mới thấy có những bất ổn trong thiết kế. Chúng tôi đã kiến nghị thay đổi vật liệu nhưng chủ đầu tư không đồng ý"- bà Ngụ nói.
Cũng theo bà Ngụ, nếu muốn khắc phục thì cần phải thay đổi toàn bộ hệ thống, thay vật liệu đường ống chính từ ống nhựa uPVC sang một loại ống khác tốt hơn. Tuy nhiên, nếu thay đường ống thì cũng phải thay đổi gần như toàn bộ thiết kế, chi phí sẽ tăng lên rất nhiều.
Nhiều sai sót từ khi lập dự án
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 5/2021, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) ban hành Kết luận thanh tra số 215, chỉ ra nhiều sai sót bất thường tại tiểu dự án Cư M'gar DL 05. Đáng chú ý, Thanh tra Bộ NNPTNT xác định nhà thầu tư vấn công trình là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng CENCO (CECO) chưa đủ điều kiện năng lực theo quy định. 

Sau khi xây dựng xong, tiểu dự án Cư M'gar DL 05 đã xảy ra 13 lần vỡ ống đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Ảnh: Duy Hậu
Sau khi xây dựng xong, tiểu dự án Cư M'gar DL 05 đã xảy ra 13 lần vỡ ống đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Ảnh: Duy Hậu
CENCO chưa có chứng chỉ năng lực của tổ chức, không có hợp đồng nào trong 5 năm gần đây có hợp phần về xây dựng mô hình thể chế, không có hồ sơ tài liệu chứng minh doanh thu từ các dịch vụ tư vấn tối thiểu bình quân hàng năm trong 3 năm vừa qua, không có xác nhận của chủ đầu tư về uy tín của nhà thầu...
Ngoài ra, Thanh tra Bộ NNPTNT cũng chỉ ra nhiều sai sót trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, dự toán, nghiệm thu, thanh toán giai đoạn dự án đầu tư và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán.
Việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư khi thuyết minh thiết kế cơ sở chưa đầy đủ theo quy định của Luật xây dựng; thiết kế chiều dày lớp đất đắp trên tuyến ống chính nhỏ hơn theo quy định (một số tuyến ống chiều dày đất đắp nhỏ hơn 0,7m), chưa có biện pháp đề phòng hiện tượng nước và thủy lực...
Theo Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trách nhiệm với những tồn tại, thiếu sót trên thuộc về nhà thầu tư vấn, tổ chuyên gia đấu thầu, nhà thầu tư vấn thẩm tra, đơn vị thẩm định, Ban quản lý dự án tỉnh và chủ đầu tư.
Như Dân Việt đã phản ánh, tiểu dự án Cư M'gar DL 05 (thuộc dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên) được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2019. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 72 tỷ đồng, phục vụ nước tưới cho khoảng 400 ha cà phê, tiêu tại thôn Tiến Cường (xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk).
Tiểu dự án do Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng CENCO lập thiết kế bản vẽ thi công. Nhà thầu thi công xây lắp là Liên danh Phát triển nông thôn - Kỳ Nguyên - Bình Nguyên (gồm Tổng công ty Xây dựng NNPTNT Thanh Hóa - Công ty Cổ phần, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên và Công ty TNHH Kỹ nghệ Bình Nguyên). Đơn vị giám sát là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng và Chuyển giao công nghệ...
Sau khi hoàn thành, công trình này đã 13 lần xảy ra sự cố vỡ ống nhưng đến nay chưa thể khắc phục để đưa vào sử dụng.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)
https://danviet.vn/du-an-72-ty-vo-duong-ong-13-lan-o-dak-lak-do-thiet-ke-hay-thi-cong-chon-vat-lieu-kem-chat-luong-2022010518140776.htm

Có thể bạn quan tâm