Đô thị

Dự án BOT giao thông: Nghi ngờ tính minh bạch khi chỉ định thầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã huy động được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 209.347 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án BOT giao thông đều áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư đã dẫn đến những nghi ngại về tính minh bạch của các dự án này.

 
Một trong các yêu cầu khi thanh tra, kiểm tra các công trình đầu tư xây dựng, đặc biệt là dự án BOT giao thông thực hiện thời gian qua là xem xét việc chỉ định thầu có đúng quy định hay không.




Đây là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đặc biệt và dành nhiều câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trong phiên chất vấn đầu tiên của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 4-6-2018.

Nhiều dự án chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về tính minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án BOT giao thông. Chất vấn về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu phản ánh, doanh nghiệp cho biết, ở một số địa phương, có nhà đầu tư được giao rất nhiều dự án thông qua chỉ định thầu hoặc đấu thầu nhưng có hiện tượng dàn xếp mà nhà đầu tư bên ngoài không thể cạnh tranh được. Tình trạng độc quyền này dẫn đến hoạt động cạnh tranh bị vô hiệu; còn dự án đầu tư thì kéo dài; đội vốn đầu tư hàng chục lần, thậm chí tới 36 lần… Vậy có tình trạng này hay không, giải pháp khắc phục như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nghĩa, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian qua Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu các dự án BOT giao thông. Các dự án đều được tổ chức đấu thầu và có công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong thời gian 01 tháng. Trong thời gian này, nhà đầu tư quan tâm sẽ nghiên cứu hồ sơ để tham gia. Ở những dự án có từ 02 nhà đầu tư quan tâm trở lên sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thể, thời gian qua, có thể nhiều nhà đầu tư chưa rõ thủ tục hoặc ít quan tâm... nên dẫn đến có những dự án BOT dù đã kéo dài thời gian thông báo mời thầu nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia. “Việc chỉ định thầu là bắt buộc”, ông Thể lý giải.

Còn việc đấu thầu có hình thức hay không, ông Thể khẳng định: “Luật Đấu thầu có quy định rất chặt chẽ, từ kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu,... Hơn nữa, hiện các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức đấu thầu. Do đó, tất cả các hoạt động liên quan đến việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đều được giám sát chặt chẽ. Nếu phát hiện trường hợp thông thầu hoặc vi phạm Luật Đấu thầu thì sẽ xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể thừa nhận có thực tế một số dự án chậm tiến độ kéo dài gây lãng phí do có nhà đầu tư trúng thầu cùng lúc nhiều dự án rải rác ở các địa phương, dẫn đến không đủ năng lực tài chính để đáp ứng yêu cầu tiến độ theo hợp đồng ký kết… Bộ GTVT sẽ giám sát chặt để đảm bảo dự án đúng tiến độ, tránh lãng phí.

Chất vấn thêm, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chỉ ra, có rất nhiều dự án mà các nhà đầu tư được chỉ định thầu bán lại cho các nhà đầu tư khác để hưởng lợi. Cử tri cho rằng, việc doanh nghiệp được hưởng lợi từ chênh lệch có nghĩa là xã hội đã mất đi một khoản chi phí bất hợp lý từ việc chỉ định thầu. Bộ trưởng Thể giải trình: Tất cả các dự án khi triển khai đều được tổ chức đấu thầu đúng quy định và có thể giám sát qua trang web về đấu thầu của Bộ KH&ĐT. Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Thể, đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng chia sẻ bức xúc của cử tri về việc hiện nay có 17 dự án BOT đặt sai vị trí, trong đó những dự án dân không đi phải trả tiền. 17 dự án BOT này hầu hết là chỉ định thầu.

Xử lý nghiêm các sai phạm

Làm rõ thêm chất vấn của đại biểu Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu thanh tra, kiểm tra tất cả các công trình đầu tư xây dựng, đặc biệt là dự án BOT giao thông nhằm xem xét 3 vấn đề. Thứ nhất là, xem các công trình chỉ định thầu có đúng quy định hay không? Thứ hai là xem xét việc thực hiện đầu tư các công trình đó có đúng quy trình hay không? Và ba là, xem xét có việc thông đồng giữa nhà thầu, nhà tư vấn, nhà thiết kế với các cán bộ cơ quan nhà nước để tăng vống khối lượng gây thất thoát cho Nhà nước hay không? Tất cả sai phạm (nếu có) sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Phó Thủ tướng khẳng định, việc huy động các nguồn lực đầu tư  công trình hạ tầng theo hình thức PPP, hợp đồng BOT là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh nhiều dự án BOT giao thông phát huy hiệu quả tốt cũng xuất hiện không ít dự án có chất lượng đầu tư còn thấp, mức phí cao, thời gian thu phí dài, vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý gây bức xúc trong dư luận… Lập lại trật tự, kỷ cương trong đầu tư nói chung, đầu tư hạ tầng giao thông nói riêng, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại tất cả dự án BOT để xác định đúng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình nhằm xác định chi phí và thời gian thu phí hợp lý…, hài hòa lợi ích của các bên.

Từ tồn tại của các dự án BOT giao thông, tại Phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết những giải pháp căn cơ để hoàn thiện thể chế liên quan đến các dự án BOT. Trả lời chất vấn, ông Thể cho biết, hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn đại biểu Quốc hội sẽ góp ý trong quá trình soạn thảo để Luật có hiệu quả tốt nhất.

Việt Anh (baodauthau)

Có thể bạn quan tâm