Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỉ đồng, với chiều dài 88km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công do liên danh Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.
Triển khai thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn qua huyện Mộ Đức. Ảnh: Ngọc Viên |
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả thông tin, hiện nay, nhà thầu đã triển khai 14/20 mũi thi công với 400 nhân sự và hơn 80 đầu máy móc thiết bị, tập trung tại các hạng mục đường găng như hầm số 1, số 2 và số 3, cầu sông Vệ, cầu TL624, các nút giao… và một số đoạn cần xử lý đất yếu.
Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường 3 điểm đầu ở phía Bắc, huyện Nghĩa Hành; điểm tại huyện Mộ Đức và hầm số 2, tại xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ hiện tốc độ thi công vẫn còn khá chậm, thiết bị, nhân vật lực thi công vẫn còn khá khiêm tốn.
Theo thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả, Quảng Ngãi là một trong các tỉnh có tỷ lệ giải phóng mặt bằng rất cao so với các địa phương khác. Tuy nhiên vẫn còn một số vị trí bị vướng. Phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục chỉ được khoảng 38,88km, hơn 4km đã có mặt bằng nhưng chưa thể thi công.
Đối với các mỏ đất đã được quy hoạch giao cho nhà thầu thi công dự án: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác các mỏ vật liệu, tuy nhiên Bộ TNMT hướng dẫn chưa cụ thể, dẫn tới các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai, trở thành điểm nghẽn của dự án. Ảnh: Ngọc Viên |
Ngoài ra, một số vị trí đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng sạch nhưng chưa có đường tiếp cận, một số đoạn tuyến có đường tiếp cận thì chưa được bàn giao mặt bằng do vướng nhà dân tái định cư chưa di dời, đơn giá đền bù chưa thỏa đáng nên người dân chưa đồng ý cho nhà thầu triển khai thi công, có nơi đã đền bù xong nhưng người dân mong muốn khai thác xong nông sản mới bàn giao.
Đối với nguồn vật liệu, nhu cầu đất đắp toàn tuyến khoảng 12,6 triệu mét khối và nhu cầu cát xây dựng khoảng 1,3 triệu mét khối. Đối với các mỏ đất đã được quy hoạch giao cho nhà thầu thi công dự án: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác các mỏ vật liệu, tuy nhiên Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chưa cụ thể, dẫn tới các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai, trở thành điểm nghẽn của dự án.
Điểm thi công tại hầm số 2, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ. Ảnh: Ngọc Viên |
Trước những khó khăn, vướng mắc tại dự án, tại chuyến kiểm tra thực địa đầu tháng 3.2023, ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nhằm bàn giải pháp tháo gỡ. Ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: “Năm 2023, số vốn giải ngân của Bộ GTVT lên đến hơn 95 nghìn tỉ đồng. Các dự án đang thi công có đủ điều kiện để đẩy nhanh tiến độ vì nguồn lực đã có sẵn. Tiền có sẵn rồi, giờ phải nỗ lực triển khai để đẩy nhanh tiến độ dự án".
Ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trên công trường. Mặt bằng đã có, nguyên vật liệu không thiếu, phải khẩn trương thi công. Tập trung thi công ở các hạng mục có giá trị cao để đẩy nhanh tiến độ, gia tăng sản lượng nhằm đảm bảo tốt kế hoạch giải ngân. Chậm tiến độ thì Ban QLDA2 phải chịu trách nhiệm…