Bạn đọc

Dự án cấp đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số: Bất cập từ đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 10 năm sau khi nhận đất cấp theo Quyết định 132, 134 của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2005, 1.309 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện được cấp đất theo chương trình trên ở TP. Pleiku bất ngờ bị thu hồi lại đất. Xung quanh việc cấp và thu hồi đất này đang bộc lộ nhiều bất cập cần có giải pháp thỏa đáng hơn…

Năm 2005, thực hiện Quyết định số 132 và 134/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tỉnh ta đã tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 60 ha cho 1.309 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện thiếu đất sản xuất trên địa bàn 5 xã, phường của TP. Pleiku, gồm: Chư Á, Biển Hồ, Tân Sơn, phường Hoa Lư và Thắng Lợi. Diện tích đất được cấp 300-900 m2/hộ.

 

Người dân không đồng tình với việc thu không đất đã cấp. Ảnh: L.H

Đất cấp không thể sản xuất?

Năm 2005, 103 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất ở xã Tân Sơn (TP. Pleiku) được xem xét cấp đất với diện tích 300 m2/hộ. Sau 1-2 vụ canh tác không đem lại hiệu quả, người dân đành bỏ hoang và một lần nữa rơi vào tình trạng không có đất sản xuất. Bà Siu Hiệp (làng Têng 1, xã Tân Sơn) được giao gần 500 m2 đất, cho biết: “Đất rất xấu. Khi nhận đất, tôi đã trồng mì. Đầu tiên mì lên khá đẹp nhưng 1-2 tháng sau thì tự nhiên vàng úa rồi chết dần. Gia đình tôi chuyển qua trồng bời lời, làm hàng rào hẳn hoi nhưng chỉ được vài bữa hàng rào bị phá hết, bời lời không lên nổi. Dân làng thấy vậy họ cũng không trồng luôn. Từ đó tới nay chúng tôi đã bỏ hoang đất”.

Ông Phạm Phụng-nguyên Chủ tịch UBND xã Biển Hồ (hiện là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Sơn-TP. Pleiku-P.V) cho biết, khu đất hơn 60 ha mà TP. Pleiku cấp cho người dân theo Quyết định 132, 134 vốn dĩ là đất trồng tràm và keo từ hàng chục năm trước nên đã bạc màu. Trong khi đó, khu đất này đường điện chưa tới nơi, nguồn nước lại rất xa nên việc canh tác rất khó. Năm 2005, chính quyền xã Biển Hồ hỗ trợ kinh phí, mua 10.000 cây xoan đào-một loại cây chịu hạn tốt, dễ trồng, dễ sinh trưởng về cấp phát cho người dân canh tác nhưng cũng thất bại. Ông Phụng chia sẻ: “Mặc dù đã cố gắng trong việc hỗ trợ người dân canh tác trên diện tích đất được cấp nhưng ngay đến cây xoan đào cũng chỉ sống thoi thóp. 2 năm sau, toàn bộ 10.000 cây xoan này đã bị chết hết. Đất ở đây hết sức cằn cỗi, mùa mưa thì cây sống, mùa nắng thì chậm phát triển, trong khi suối lại cách đó tới 3 km”.

Tương tự, năm 2005, hơn 190 hộ dân thuộc diện thiếu đất sản xuất ở làng Mơ Nú (xã Chư Á) được TP. Pleiku cấp đất theo Quyết định 132, 134 của Chính phủ với diện tích đất 300-900 m2/hộ. Ông A Khít-Trưởng thôn Mơ Nú cho biết: “Thực tế cán bộ địa chính không giao tận tay nhân dân, người dân không biết đất mình ở đâu để làm. Dân thiếu đất canh tác nhưng chỉ biết chờ vậy thôi”. Để xảy ra tình trạng này là do sau khi giao sổ đỏ cho bà con, UBND xã “thương lượng” với người dân để cho doanh nghiệp thuê toàn bộ diện tích đất này trong 2 năm. Đổi lại, mỗi năm xã trích 2 triệu đồng cho quỹ an ninh quốc phòng của các thôn, làng. Theo phản ánh của người dân trong làng, sau khi hết thời hạn 2 năm cho doanh nghiệp thuê đất cho tới nay, cán bộ địa chính xã vẫn không tiến hành làm công tác bàn giao thực địa cho các hộ dân trên để sản xuất. Nhiều người trong số đó đã bán sổ đỏ, lấy tiền mua bò, mua xe máy…

 

“Những người đã mua sổ đỏ bằng giấy viết tay, không có xác nhận của cơ quan chức năng thì phải tự chịu thiệt hại bởi đây là những trường hợp sang nhượng đất trái phép. Khi hết thời hạn thu hồi, toàn bộ bìa đỏ đó sẽ bị hủy và không còn giá trị”-ông Nguyễn Bá Trường-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku nói.

Hơn 747/1.309 hộ đã bán đất cấp

Tháng 3-2015, TP. Pleiku ra quyết định thu hồi toàn bộ 60 ha cấp theo Quyết định 132, 134 để phục vụ việc mở rộng Khu Công nghiệp Trà Đa. Quyết định này không đề cập tới việc đền bù cho người dân sau khi thu hồi đất, mặc dù đất đã được cấp cho người dân. Điều này đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân, đồng thời cũng khiến chính quyền ở các xã, phường lâm vào tình thế khó xử khi tiến hành thu hồi bìa đỏ của người dân. Theo thống kê của các địa phương, 747/1.300 hộ dân chuyển nhượng đất bất hợp pháp. Trong đó, chỉ tính riêng xã Tân Sơn, có đến 31/103 hộ tiến hành sang nhượng bằng giấy viết tay, xã Biển Hồ có 84/250 hộ đã bán đất. Cá biệt, xã Chư Á có đến 555/725 hộ bán sổ đỏ... Theo tìm hiểu của P.V, với ngần ấy đất, người dân sang nhượng chỉ với mức giá 3-5 triệu đồng!

Cũng chính bởi tình trạng sang nhượng chui mà trong nội bộ những người được cấp đất đã phát sinh mâu thuẫn lợi ích vì người đã bán thì được tiền, trong khi người giữ đất giờ lại bị thu đất không đi kèm cam kết hỗ trợ sau thu đất. “Bây giờ người đã bán thì được chút tiền nhưng những người tuân thủ đúng quy định, giữ lại không bán giờ lại bị thu đất thì không công bằng. Nguyện vọng của người dân ở đây một là cấp lại cho dân chỗ đất khác, hai là hỗ trợ một phần tiền để người dân bớt thiệt thòi”-Trưởng thôn Mơ Nú-ông A Khít bày tỏ quan điểm.

“Nói chung về mặt chủ trương để mở rộng khu công nghiệp, phục vụ cho lợi ích chung thì người dân đồng tình thôi. Tuy nhiên, cái khiến họ phản ứng là bởi, tỉnh thu hồi không đi kèm chính sách hỗ trợ, bồi thường cho người dân. Đề nghị tỉnh và thành phố xem xét có chính sách hỗ trợ cho người dân”-ông Phạm Phụng nêu quan điểm.

Ngành chức năng nói gì?

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Bá Trường-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku, cho biết: Không có chuyện đất cấp không thể sản xuất vì đất tại khu Trà Đa rất tốt. Việc người dân bỏ hoang, không canh tác được có thể là do trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số không cao hoặc thiếu vốn để đầu tư canh tác. Còn về việc người dân không biết đất mình được cấp nằm ở đâu là do sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và người dân trong khâu bàn giao đất cấp chưa thực sự tốt.

Còn về vấn đề thu hồi đất, ông Trường khẳng định: “Quyết định cấp đất đã nêu rõ, trong vòng 10 năm người dân không được phép chuyển nhượng. Theo quy định, đất cấp nhận trong 18 tháng mà người dân không canh tác thì Nhà nước có quyền thu hồi lại mà không bồi thường. Đối với các hộ đã chuyển nhượng bìa đỏ, tỉnh yêu cầu địa phương nghiêm túc tổ chức kiểm điểm các cá nhân trên”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm