Ngày 21-9, đường hầm vượt sông Sài Gòn hoàn toàn kết nối hai bờ đường dẫn. Giấc mơ về một con đường ngắn nhất tiến về khu đô thị mới, khang trang, hiện đại phía Đông Sài Gòn đang hiện ra. Nhưng điều quan trọng nhất là qua công trình này, đội ngũ cán bộ và chuyên gia kỹ thuật Việt Nam đã thực sự trưởng thành.
Là hạng mục quan trọng nhất của dự án đại lộ Đông Tây, hầm vượt sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1.490m, bao gồm 585m hầm dẫn phía Khánh Hội, 535m hầm dẫn phía Thủ Thiêm, 4 đốt hầm dìm và đốt hợp long với tổng chiều dài 370m.
Đo quan trắc tại vị trí hợp long (giáp đốt hầm dìm số 4 và đường dẫn vào hầm phía bờ quận 1). |
Hầm có quy mô mặt cắt ngang rộng 33,3m với 2 lối thoát hiểm và 2 hướng lưu thông tổng cộng 6 làn xe, vận tốc thiết kế 60km/giờ, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tạo ra con đường ngắn nhất nối trung tâm TP với khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo bước đột phá trong quy hoạch giao thông đô thị, mở ra cánh cửa tiến về phía Đông TP, đẩy nhanh tốc độ hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đây cũng là hầm dìm vượt sông có quy mô lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện nay.
Tháng 2-2005 khởi công xây dựng 2 đường hầm dẫn. Mẻ bê tông đầu tiên đúc 4 đốt hầm dìm được đổ vào tháng 9-2007 tại bể đúc Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ngày 6-1-2010, tiến hành bơm nước vào khu vực bể đúc để kiểm tra, cân chỉnh các đốt hầm.
Từ tháng 3-2010 đến tháng 6-2010, 4 đốt hầm lần lượt được lai dắt từ bể đúc Nhơn Trạch, Đồng Nai về khu vực dìm Thủ Thiêm và nối kết an toàn với hầm dẫn. Ngày 4-8-2010, đổ mẻ bê tông đầu tiên thi công đốt hợp long nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía Khánh Hội, quận 1, TP HCM và mẻ bê tông cuối cùng của đốt hợp long vào ngày 4-9-2010 vừa qua.
Công tác lai dắt, lắp đặt 4 đốt hầm dìm và thi công đốt hợp long là một công việc vô cùng mới mẻ đối với đội ngũ cán bộ, kỹ sư nước ta. Đây là công trình yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chất lượng cũng như biện pháp thi công.
Việc lai dắt 4 đốt hầm với tổng trọng lượng 110.000 tấn di chuyển trên mặt nước trong điều kiện khí tượng, thủy văn vô cùng phức tạp, luồng sông có nơi chỉ sâu 10m với nhiều khúc quanh nguy hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến hư hỏng toàn bộ đốt hầm.
Ngoài ra, việc dìm và lắp đặt 4 đốt hầm, mỗi đốt có chiều dài 93m, cao 9m, nặng 27.000 tấn ở độ sâu từ 23- 27m dưới đáy sông Sài Gòn trong điều kiện dòng chảy xiết, không gian chật hẹp, nhất là đốt hầm số 4 với chiều dài 93m, sai số cho phép khi nối kết, lắp đặt đốt hầm không được vượt quá 10mm.
Thời gian xử lý các công đoạn phải tính bằng giây, quá trình dìm, lắp đặt mỗi đốt hầm diễn ra liên tục từ 15 giờ đến 20 giờ, với nhiều tình huống kỹ thuật phức tạp cùng với việc thi công đốt hợp long ở độ sâu 23m dưới đáy sông. Đây là một thử thách về khả năng tiếp thu công nghệ từ chuyên gia quốc tế của các kỹ sư và công nhân Việt Nam.
Trong quá trình thi công công trình, vừa thi công vừa triển khai công tác nghiên cứu, học tập công nghệ, huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực. Công việc này được triển khai xuyên suốt quá trình lai dắt, lắp đặt 4 đốt hầm với sự tham gia của các đơn vị như Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật TP HCM, ĐH Kiến trúc TP HCM, ĐH Bách khoa TP HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Kiến trúc Hà Nội, Hội Cầu đường cảng TP HCM và các tỉnh thành bạn, Sở Xây dựng TP HCM, Sở GTVT TP HCM, Sở GTVT Hà Nội, Sở GTVT Hải Phòng cùng với sự tham gia của gần 400 cán bộ, chuyên gia…
Thông qua quá trình này, những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý giá về kỹ thuật, công nghệ lai dắt, thi công lắp đặt hầm dìm… đã được tích lũy, đúc kết và một đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công nhân kỹ thuật trong lĩnh vực thi công hầm dìm đã được hình thành, tạo tiền đề cho sự phát triển ngành xây dựng cầu, hầm và giao thông vận tải của TP HCM nói riêng, cả nước nói chung.
Sau công đoạn thi công đốt hợp long, từ nay đến khi hoàn thành công trình này, một khối lượng công việc không kém phần quan trọng và phức tạp được tiếp tục triển khai bao gồm: Tập trung xử lý các vấn đề kỹ thuật bên trong và ngoài 4 đốt hầm, triển khai gói thầu lắp đặt các thiết bị cơ điện bên trong hầm, hệ thống thông gió, hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều khiển và giám sát, hệ thống thoát nước, các thiết bị an toàn, trung tâm vận hành hệ thống và hoàn tất thi công tuyến đường mới Thủ Thiêm.
Dự kiến công trình hầm vượt sông Sài Gòn và toàn tuyến đại lộ Đông Tây sẽ được đưa vào sử dụng trong quý 2-2011.
Theo SGGP