Bạn đọc

Dự án kè suối Hội Phú tạo diện mạo mới cho Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau một thời gian dài nỗ lực thi công, Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú đã thành hình, đem lại một dáng vẻ mới khang trang cho bộ mặt đô thị Pleiku. Chạy xe một vòng từ bờ kè đầu đường Nguyễn Trung Trực đến khu đô thị Hoa Lư-Phù Đổng cũng có thể quan sát toàn bộ công trình với cảm giác trải nghiệm thú vị. Lòng suối đoạn đầu đường Nguyễn Trung Trực đang tích nước trông mát mắt. Nhiều người chọn nơi đây tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe và thư giãn.

Từ nhiều năm qua, hai bên bờ kè từ đường Hùng Vương nối với Nguyễn Tất Thành sau khi hoàn thành đã được tận dụng đưa vào khai thác dịch vụ. Nhà cửa, cơ sở kinh doanh, hàng quán mọc lên càng nhiều, nhất là mặt trước đoạn song song với đường Bà Triệu. Đêm đêm, đoạn đường này điện giăng mắc cửi, nhạc nhã xập xình, là nơi tập trung hàng quán đặc sản ăn đêm, thư giãn quen thuộc của giới trẻ. Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giờ đây, khu vực này vẫn là nơi chốn đông vui nhất Phố núi vào mỗi tối. Tới đây, không gian 2 bên bờ suối đoạn từ đường Hùng Vương đến Nguyễn Trung Trực rồi cũng sẽ nhộn nhịp, sầm uất không kém. Nếu thực hiện đúng quy hoạch, đầu tư bài bản, chắc chắn dự án sẽ trở thành trung tâm thu hút hoạt động thương mại, dịch vụ bậc nhất Pleiku cả đêm lẫn ngày, cũng là nơi có cảnh quan hữu tình, xinh đẹp bậc nhất thành phố.

 Khu vực suối Hội Phú nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn
Khu vực suối Hội Phú nhìn từ trên cao. Ảnh: Quang Tấn


Dòng suối mềm mại uốn lượn cùng con đường hai bên bờ suối phẳng phiu, khang trang, mặt bằng phong quang rộng rãi đang thai nghén cho các hạng mục, nhiệm vụ tiếp theo của dự án. Đó là các công trình thuộc vật kiến trúc trên đất và hệ thống hạ tầng cây xanh, cấp nước, tiểu cảnh, điện chiếu sáng... Làm sao để quy hoạch chi tiết dự án đảm bảo “Thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe” được thực hiện một cách nghiêm túc nhưng sáng tạo, hài hòa, phát huy không gian cảnh quan trong thực tế là yêu cầu “khó nhằn” nhưng có tính bắt buộc. Trước mắt, tôi nghĩ đến mảng xanh ở khu vực này. Tốc độ đô thị hóa Pleiku nhanh chóng đã làm thành phố mất đi nhiều mảng xanh đáng tiếc và dự án này quyết không lặp lại sai lầm đó. Nghĩa là phải dành quỹ đất để kiến tạo mảng xanh cỏ cây, hoa lá.

Vậy dọc con suối Hội Phú này sẽ trồng cây gì, quy hoạch, thiết kế các hạng mục như thế nào? Phải dành đất để trồng cây xanh dọc bờ kè ra sao... đều phải được cân nhắc, tính toán cẩn thận. Chúng ta đã có nhiều bài học trồng rồi lại bỏ với bài toán cây xanh Pleiku. Dĩ nhiên phù hợp với khí hậu, đất đai là yếu tố hàng đầu. Sau đó, cũng nghĩ đến bản sắc riêng, vẻ độc đáo cho đô thị. Tôi cảm nhận được tâm huyết của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh khi tham vấn giúp lãnh đạo thành phố về tập đoàn cây xanh đô thị. Chúng tôi cũng dẫn ra đây những mô hình, cách làm hiệu quả của một số đô thị, như: cây dương liễu/phi lao trên tuyến đường Hoàng Sa ở TP. Đà Nẵng, cây tra, bàng vuông ở tuyến đường dọc biển ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), phượng đỏ ở TP. Hải Phòng... Đà Nẵng lấy sông Hàn chảy giữa lòng thành phố làm điểm nhấn, từ dòng sông của những cây cầu theo quan niệm trước đây, giờ bổ sung thêm dự án “dòng sông ánh sáng” nổi bật hơn, ấn tượng hơn, mới mẻ hơn. Ngoài hệ thống cây xanh, quy hoạch các loại và thiết kế hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng nghệ thuật suối Hội Phú, vì vậy, cũng phải tính đến ngay từ bây giờ.

Mới đây khi thăm Khu du lịch sinh thái Măng Đen (tỉnh Kon Tum), người viết ấn tượng “đặc sản” mai anh đào không kém khu vực hồ Tuyền Lâm của TP. Đà Lạt. Dọc đường vào khu du lịch, các biệt thự, xuống thác Pa Sỹ, quảng trường chính... mai anh đào thắm sắc hồng xuất hiện khắp nơi, chan hòa trong nắng xuân và mưa bụi đặc trưng bởi độ cao. “Úp” mấy kiểu hình lên Zalo là lập tức anh em nhiều nơi “đứng ngồi không yên” muốn xách ba lô lên đường tham quan, trải nghiệm, hoặc liên tục chia sẻ, bình luận thích thú. Giờ đây có thể nói, Măng Đen đã thành công với mai anh đào, là nơi chốn thư giãn, nghỉ dưỡng lý tưởng trên cao nguyên, không chỉ riêng Đà Lạt. Đó là do địa phương biết khai thác tiềm năng thế mạnh, khảo sát, quy hoạch bài bản và quản lý quy hoạch chặt chẽ, rồi chăm chút, kiên trì đầu tư, kiến tạo lần hồi mà thành, mà “đơm hoa kết trái”.

Cũng trên tinh thần đó, Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú còn là thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, một trong các trụ cột kinh tế chính theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đó là ngành du lịch-dịch vụ (cùng với nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến). Và Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú là niềm hy vọng đi đầu trong việc tạo ra diện mạo mới, bộ mặt mới đô thị Pleiku trong hiện tại cũng như tương lai.  

 

 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm