Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Dự án khoa học Việt Nam được tổ chức quốc tế tài trợ 1 triệu bảng Anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Farm2Vet, một dự án khoa học Việt Nam nhằm giúp người dân trong nước được ăn thịt an toàn đã đạt giải nhất trong cuộc thi giải pháp khoa học quy mô toàn cầu, được tổ chức quốc tế tài trợ 1 triệu bảng Anh.

Tổ chức The Trinity Challenge (Thử thách Trinity) vừa công bố 4 đội chiến thắng trong cuộc thi năm 2024 nhằm giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng về tình trạng kháng kháng sinh (AMR). Dự án khoa học giành được giải thưởng lớn (GRAND PRIZE) được nhận khoản tài trợ trị giá 1 triệu bảng Anh (khoảng hơn 32,5 tỉ đồng) là dự án do các nhà khoa học Việt Nam đồng thực hiện, dự án Farm2Vet.

Farm2Vet được trao giải nhất trong cuộc thi The Trinity Challenge 2024, phần thưởng là khoản tài trợ 1 triệu bảng Anh để triển khai dự án khoa học. THE TRINITY CHALLENGE

Farm2Vet được trao giải nhất trong cuộc thi The Trinity Challenge 2024, phần thưởng là khoản tài trợ 1 triệu bảng Anh để triển khai dự án khoa học. THE TRINITY CHALLENGE

Các đồng trưởng nhóm của dự án Farm2Vetlà TS Phí Thị Linh Giang, Viện Kinh doanh Quản trị Trường ĐH VinUni, và GS Helen Nguyễn, ĐH Illinois Urbana Champaign (Mỹ).

Tham gia dự án có các nhà khoa học của Viện Khoa học sức khỏe, khoa Khoa học máy tính (đều thuộc Trường ĐH VinUni), ĐH Illinois Urbana Champaign, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Công ty CP thú y Vettech.

Ngoài ra, có 2 dự án khác (đều của Ấn Độ) được trao giải nhì, với khoản tài trợ 600.000 bảng Anh/dự án; một dự án của Nam Phi được trao giải ba, với khoản tài trợ 500.000 bảng Anh.

Như vậy, tổng số tiền các đội thi đoạt giải thưởng cuộc thi The Trinity Challenge 2024 được nhận tài trợ để thực hiện các dự án của mình là 2,7 triệu bảng Anh. Cả 4 dự án được giải đều sử dụng các công nghệ mới giúp nông dân và nhân viên y tế chống lại tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng và các quốc gia có thu nhập thấp.

Lễ trao giải đã được tổ chức bằng hình thức trực tuyến ngày 6.6.

Theo giới thiệu của The Trinity Challenge, dự án Farm2Vet đặt mục tiêu tạo ra một nền tảng mới khuyến khích nông dân sử dụng kháng sinh có trách nhiệm với gia súc, gia cầm được nuôi lấy thịt bằng cách cung cấp cho nông dân khả năng tiếp cận ngay lập tức với chi phí thấp tới các dịch vụ thú y đáng tin cậy để họ được chẩn đoán và tư vấn điều trị bệnh.

Cùng với việc hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, dữ liệu được nền tảng mà dự án Farm2Vet thập được sẽ cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách bằng cách xác định các điểm nóng về kháng kháng sinh, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Trong bản thuyết trình về mục tiêu thực hiện dự án, nhóm nhà khoa học Farm2Vet cho biết: "Nhóm dự án mong muốn xây dựng một nền tảng thú y ảo đáng tin cậy cung cấp cho tất cả nông dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình quyền truy cập tức thì, chi phí thấp đến kiến thức và dịch vụ thú y chất lượng.

Nền tảng nhằm giúp người nông dân đưa ra quyết định đúng đắn về việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh trong chăn nuôi. Đồng thời, về lâu dài, nền tảng là giải pháp giúp thu thập dữ liệu nhằm cung cấp thông tin về phòng ngừa dịch bệnh ở động vật theo địa lý, các điểm nóng kháng kháng sinh và các tuyến điểm sẵn sàng cho việc chuyển đổi ít sử dụng kháng sinh hơn".

Theo TS Phí Thị Linh Giang, đồng trưởng nhóm dự án Farm2Vet, điểm khác biệt nhất của Farm2Vet là dự án này không chỉ là một sáng kiến nghiên cứu đơn thuần, mà đây là một dự án sáng tạo thực, có tiềm năng mang lại những tác động đáng kể trong thế giới thực. Một cách hết sức thiết thực và cụ thể, Farm2Vet tập trung vào nhu cầu của hàng triệu nông dân và cả trăm triệu người tiêu dùng tại Việt Nam, những người mong muốn có thịt an toàn.

"Với Farm2Vet các nhà khoa học đang giải quyết một vấn đề quan trọng có thể thay đổi diện mạo nông nghiệp của Việt Nam. Trong tương lai, các giải pháp như Farm2Vet có thể được mở rộng ở các quốc gia khác, từ đó mang lại lợi ích cho cộng đồng rộng hơn trên toàn cầu", TS Phí Thị Linh Giang chia sẻ.

The Trinity Challenge là một tổ chức phi lợi nhuận đăng ký hoạt động tại Anh và xứ Wales, được lập ra để hỗ trợ việc tạo ra các giải pháp dựa trên dữ liệu nhằm giúp bảo vệ chống lại các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.

Nguồn lực của tổ chức được huy động từ các thành viên sáng lập và các tổ chức mọi lĩnh vực: xã hội dân sự, tổ chức công, tư nhân…

Trong số các thành viên sáng lập của tổ chức này có ĐH Cambridge, Imperial, LSE, HKUMed; Quỹ Bill và Melinda Gates; Google, Facebook, Microsoft; Aviva, McKinsey & Company, Legal and General, GSK và Reckitt Benckiser. Chủ tịch của The Trinity Challenge là GS Dame Sally Davies, Hiệu trưởng Trường Trinity College, ĐH Cambridge, Vương quốc Anh.

The Trinity Challenge được lập ra ban đầu nhằm hỗ trợ các giải pháp khẩn cấp bảo vệ sức khỏe ứng phó với đại dịch Covid-19, về sau mở rộng hỗ trợ các giải pháp dựa trên dữ liệu giúp thế giới chuẩn bị và ứng phó với các đợt bùng phát toàn cầu.

Việc tìm kiếm dự án khoa học để hỗ trợ thông qua các cuộc thi. Các dự án được trao giải sẽ là những dự án được nhận các khoản hỗ trợ hậu hĩnh để triển khai dự án.

Cuộc thi đầu tiên được tổ chức năm 2021. Cuộc thi thứ 2 là cuộc thi năm nay, với sự tham gia của 285 dự án khoa học đến từ 57 quốc gia, chung cuộc có 4 đội chiến thắng, trong đó dự án Farm2Vet của Việt Nam được giải nhất.

Có thể bạn quan tâm