Du lịch

Hành trang lữ hành

Dự báo về một miền du lịch hấp dẫn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cao nguyên mùa khô, hầu như đi đâu cũng gặp sắc vàng của dã quỳ. Lòng lại chợt nhớ đến đôi câu của một người bạn ở phố biển Quy Nhơn trong một lần đến Pleiku rồi có chuyến thưởng ngoạn mùa hoa dã quỳ ở núi Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) mà tức cảnh sinh tình: “Sắc vàng ai nhuộm sơn khê/Nắng vàng ai trải đê mê đất trời/Mùa vui gió hát rong chơi/Bướm vàng ai thả lả lơi bên đồi”.

Bạn tôi kể, bạn đã từng đến xứ sở Kim chi và đến đảo Jeju, chiêm ngưỡng các ngọn núi lửa đã tắt ở đó, như Hallasan, được mệnh danh là nóc nhà của xứ Hàn và ngọn Seongsan nằm phía Đông đảo Jeju-khu công viên tự nhiên, được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Nếu đem so với Pleiku và vùng ngoại ô của thành phố này thì không cách biệt nhiều về cảnh sắc thiên nhiên và không gian đa sắc. Đặc biệt, vùng núi lửa xứ Hàn có hoa tuyết trắng mùa đông, còn ở cao nguyên Pleiku, đầu mùa khô các triền núi lửa rực vàng một màu dã quỳ… Chỉ có điều, người Hàn Quốc đã sớm nhận ra vẻ đẹp và nguồn lợi từ cảnh sắc của đất trời ấy mà quy hoạch và đầu tư trong lĩnh vực “công nghiệp không khói” này một cách bài bản.

Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2023 thu hút trên 100 ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2023 thu hút trên 100 ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Hoàng Ngọc

Vùng đất Tây Nguyên, theo các nhà khảo sát địa chất thì không hiếm các miệng núi lửa âm và dương, trong đó có những ngọn núi lửa trẻ và nhiều ngọn núi lửa đã tắt cách nay hàng triệu năm. Gần đây, người ta phát hiện những núi lửa trong khu Công viên địa chất toàn cầu ở Đak Nông, như cụm núi lửa Nâm Kar, Chư Bluk, Nâm Gle.

Cao nguyên Pleiku có nhiều ngọn núi lửa “già”, âm-dương nằm trong lòng thành phố nổi tiếng, trở thành biểu tượng của vùng đất này như: Chư Hdrung (Hàm Rồng), hồ Ia Nueng (Biển Hồ), thung lũng làng Ốp… Và, những năm gần đây, núi lửa Chư Đang Ya được nhiều du khách biết đến khi gắn liền với lễ hội hoa dã quỳ diễn ra hàng năm vào tháng 11. Đây là những báu vật của thiên nhiên ban tặng, cần biết tận dụng và khai thác để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Nhiều người bạn của tôi từng trải qua những vùng du lịch khác nhau đã có nhận xét chân tình rằng: Về địa lý, Gia Lai sở hữu 2 cao nguyên rất kỳ thú, một thuộc Đông Trường Sơn (cao nguyên Kon Hà Nừng, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2021) và cao nguyên Pleiku nằm phía Tây Trường Sơn, vùng đất bazan xinh đẹp, hữu tình với nhiều ngọn núi lửa “già” tạo nên cảnh sắc đa dạng, nên thơ, là vùng khí hậu khá mát mẻ thích hợp cho du lịch và nghỉ dưỡng.

Nhưng có một nghịch lý là, tại sao một nơi được thiên nhiên ưu đãi như thế mà ngành du lịch vẫn chưa phát triển đúng tầm, chưa thu hút được nhiều du khách như một số danh thắng khác? Điều đó cũng dễ nhìn thấy trong thực tại như hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch ở địa phương chưa được quy hoạch, đầu tư một cách bài bản; giao thông đường bộ đến các địa chỉ tham quan, thưởng ngoạn chưa thuận lợi; công tác thông tin quảng bá, kết nối chưa thực sự hấp dẫn và phổ quát…

Hôm ấy, nhóm bạn của tôi đã đóng góp một hướng mở rất chí tình cho việc phát triển du lịch từ Công viên sinh thái Biển Hồ đến vùng núi Chư Đang Ya với ý tưởng biến nơi đây thành một chuỗi công viên theo quy hoạch thống nhất và được đầu tư bài bản để lưu giữ du khách theo mùa. Tạm thời, có thể quy hoạch theo 4 phân khu: phân khu Công viên sinh thái Biển Hồ nước; phân khu Biển Hồ trà và Biển Hồ cạn (vùng Tiên Sơn); phân khu hồ thủy lợi Tân Sơn, cánh đồng Ngô Sơn và núi Chư Nâm; phân khu cuối cùng là vùng núi lửa Chư Đang Ya và các làng dân tộc Jrai dưới chân núi. Nhưng điểm nhấn vẫn là hai đầu núi lửa âm-dương: Biển Hồ và Chư Đang Ya. Từ các phân khu này, chúng ta cần quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư các hạng mục công trình phục vụ cho du lịch. Nhưng trước mắt là ưu tiên xây dựng đường giao thông, cơ sở điện, nước sinh hoạt…

Quy hoạch lại các làng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bảo tồn văn hóa bản địa, từ kiến trúc nhà cửa đến các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể khác. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc trong đầu tư xây dựng đối với các danh thắng tự nhiên là giữ nguyên vẹn địa hình địa mạo, không cải tạo làm thay đổi hiện trạng quang cảnh vốn có như sông suối, đồng ruộng, vườn tược. Và đặc biệt, đời sống, phong tục, tập quán, nghề nghiệp cổ truyền của người dân cần được bảo vệ, duy trì, phát huy.

Chúng ta đã có không gian tự nhiên tuyệt vời của vùng liên kết Đông Bắc Pleiku, từ Biển Hồ nước cho đến núi lửa Chư Đang Ya với những điểm nhấn đầy tiềm năng đang được du khách rất thích thú; đó là khu vui chơi thoáng mát ở Biển Hồ, rồi vùng Biển Hồ trà, hàng thông trăm tuổi và chùa Bửu Minh; đến vùng Tiên Sơn với Biển Hồ cạn hay bãi bồi Tiên Sơn, cùng nhà thờ Tiên Sơn 100 tuổi; cánh đồng Ngô Sơn và núi Chư Nâm; cuối cùng là núi lửa Chư Đang Ya và mùa hoa dã quỳ.

Những địa chỉ này bên cạnh một Pleiku xinh đẹp đang nỗ lực xây dựng trong tương lai trở thành “đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe” thì chắc chắn rằng vùng đất này sẽ là địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Có thể bạn quan tâm