Trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ giải Hạng Nhất Quốc gia lại sôi động như mùa giải 2024-2025, kể cả khi bóng chưa lăn. Sự ồn ào bắt nguồn từ những biến động kỳ quặc của một số câu lạc bộ mới nổi. Mùa giải chưa bắt đầu nhưng màn "chơi trội" trên thị trường chuyển nhượng giúp các đội bóng này nhận được sự chú ý.
Chuyển nhượng kỳ quặc
Nhắc đến chuyển nhượng bóng đá Việt Nam giai đoạn hưng thịnh (2018-2022), người hâm mộ nói nhiều đến chuyện các ngôi sao xuất ngoại. Bây giờ, năm 2024, xu hướng chuyển nhượng trong nước là các tuyển thủ, cựu tuyển thủ quốc gia lũ lượt bỏ V.League xuống... giải Hạng Nhất.
Nguyễn Công Phượng - người cuối cùng trong số các ngôi sao "thế hệ vàng" xuất ngoại trở về - mới gia nhập câu lạc bộ Bình Phước. PVF-CAND đón Trần Ngọc Sơn, Nguyễn Huy Hùng, Lê Ngọc Bảo, Martin Lo... Họ là những cầu thủ từng khoác áo đội tuyển quốc gia, U23 Việt Nam tham dự các giải đấu lớn, khẳng định được tên tuổi ở V.League và phần lớn chưa qua tuổi 30.
CLB Ninh Bình trả cho Thể Công Viettel hàng tỷ đồng để mua Nguyễn Hoàng Đức khi hợp đồng của đương kim Quả bóng vàng Việt Nam chỉ còn 3 tháng.
Bóng đá Việt Nam từng có thủ môn Dương Hồng Sơn giành Quả bóng vàng khi chơi cho đội Hạng Nhất Hà Nội T&T. Tuy nhiên, việc đương kim Quả bóng vàng rời V.League xuống hạng đấu thấp hơn là điều chưa từng xảy ra.
Trước đó, Đặng Văn Lâm cũng chọn CLB Trẻ TP.HCM ở giải Hạng Nhất làm bến đỗ. Tuy nhiên, đội bóng mới của thủ môn đội tuyển Việt Nam lại tạo ra câu chuyện phức tạp đến kỳ quặc. Họ bỏ nhiều tỷ đồng chiêu mộ Đặng Văn Lâm, sau đó đem cho đối thủ cùng hạng đấu là Phù Đổng Ninh Bình mượn.
Thủ môn sinh năm 1993 chỉ là một trong số các thành viên của Trẻ TP.HCM chuyển sang Phù Đổng Ninh Bình theo diện cho mượn trước mùa giải. Trong số này có những tuyển thủ, cựu tuyển thủ quốc gia như Đỗ Thanh Thịnh, Nguyễn Hữu Tuấn, Đỗ Thanh Thịnh và Đinh Thanh Bình.
Làn sóng cầu thủ sao số từ V.League xuống hạng dưới chưa phải chuyện kỳ quặc nhất xảy ra ở thị trường chuyển nhượng bóng đá nội kỳ này. Những cầu thủ còn sót lại của Ninh Bình sau mùa giải 2023-2024 chuyển ngược về Trẻ TP.HCM.
Nền bóng đá thêm dị dạng
Chuyển nhượng cầu thủ cũng là câu chuyện thuận mua, vừa bán giống như mọi thương vụ mua bán ở các lĩnh vực khác. Khó có thể phân tích đầy đủ tác động của những bản hợp đồng này đến sự phát triển vĩ mô của bóng đá Việt Nam trong tương lai.
Dù vậy, những gì diễn ra trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội những tháng gần đây là dấu hiệu phản ánh trạng thái dị dạng của nền bóng đá.
Trên thế giới, các ngôi sao rời bỏ môi trường đỉnh cao đến các giải đấu kém danh tiếng để đổi lấy số tiền khổng lồ không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, những cầu thủ có thâm niên, vị thế ở sân chơi cấp cao nhất lũ lượt chuyển xuống hạng thấp hơn thuộc cùng hệ thống giải thì chưa có ở đâu nhắc đến.
Không chỉ một câu lạc bộ thuộc giải hạng dưới tạo "bom tấn" chuyển nhượng bằng hợp đồng hàng tỷ đồng - trong bối cảnh hầu hết các đội V.League không sẵn lòng làm điều đó - cũng khiến những người quan tâm đến bóng đá phải đặt dấu hỏi.
Liệu giá trị về kinh tế và danh tiếng của giải Hạng Nhất tăng lên, hay V.League tụt xuống?
Một hệ thống giải chuyên nghiệp mà hạng cao hơn lại có sức hút về danh tiếng, tiền bạc không cao hơn hạng dưới rõ ràng là không bình thường. Đó là chưa kể tới chuyện 2 câu lạc bộ thuộc cùng một giải đấu hoán đổi lực lượng cho nhau lại càng kỳ quặc.
Có một điều chắc chắn là sẽ có ít nhất một câu lạc bộ không thể lên hạng V.League sau khi đầu tư tiền tỷ. Chỉ có đội vô địch thăng hạng, trong khi á quân phải đá thắng trận play-off mới được góp mặt ở sân chơi cấp cao nhất mùa sau.
Bóng đá Việt Nam vốn vẫn còn nhiều vết "lồi lõm" được gọt giũa để gò vào hình hài chuyên nghiệp, nay lại xuất hiện thêm một xu hướng dị dạng khác. Hiệu quả cho từng thành phần liên quan và ảnh hưởng đến nền bóng đá tốt hay xấu thì chưa thể khẳng định, nhưng bất thường là rõ ràng.
Theo Tiểu Minh (vctcnews.vn)