Du lịch

Hành trang lữ hành

Du khách hứng thú với tết Huế trong Hoàng cung triều Nguyễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những du khách may mắn tham quan di tích cố đô Huế đúng dịp diễn ra chương trình 'Phong vị Tết Huế' đã hào hứng hòa mình cùng không khí tết cổ truyền trong Hoàng cung triều Nguyễn.

Chương trình "Phong vị Tết Huế" được tổ chức sáng 22.1 (23 tháng chạp), tại cung Trường Sanh, Đại nội Huế, với nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật ẩm thực Huế như: trình bày mâm cỗ ngày tết, làm và nấu các món bánh mứt truyền thống đậm đà hương vị tết xưa.

Trình diễn các tiết mục âm nhạc cung đình trong chương trình "Phong vị Tết Huế" ở cố đô Huế
Trình diễn các tiết mục âm nhạc cung đình trong chương trình "Phong vị Tết Huế" ở cố đô Huế

Bên cạnh hoạt động trình diễn văn hóa ẩm thực còn có không gian thư pháp ngày tết, trình diễn thư pháp tặng người dân và du khách, trải nghiệm tết Huế, tham gia các trò chơi cung đình, gói bánh chưng, nấu các món Huế và mời mọi người cùng thưởng thức…

Trình diễn các món bánh mứt ngày tết
Trình diễn các món bánh mứt ngày tết
Các món ẩm thực truyền thống Huế phục vụ du khách
Các món ẩm thực truyền thống Huế phục vụ du khách
Trình diễn nấu bánh tét, bánh chưng
Trình diễn nấu bánh tét, bánh chưng
Trình diễn điệu chầu văn Huế
Trình diễn điệu chầu văn Huế

Những tà áo dài thướt tha, những giai điệu xuân ngân vang trong nắng sớm đã góp phần làm không gian tết Huế thêm tươi vui và ngập tràn sắc xuân.

Mâm cơm ngày tết của người Huế
Mâm cơm ngày tết của người Huế

Sự kiện thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham dự, cùng hòa mình vào không gian tết Huế thanh tao, gần gũi và ấm áp.

Cũng trong sáng 23.1, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ Thướng tiêu, một nghi thức truyền thống của triều Nguyễn, đánh dấu thời khắc bắt đầu cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Trong đời sống cung đình xưa, trước ngày tết thường làm lễ “Thướng tiêu”, tức dựng nêu để báo hiệu ngày tết đã tới. Chữ tiêu (標) trong Thướng tiêu (上標) có nghĩa là “ngọn cây” - nơi cao nhất, dễ nhìn thấy.

Dưới triều Nguyễn, các triều vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, lễ dựng nêu được tiến hành vào ngày 27 tháng chạp hằng năm, kể từ triều vua Tự Đức về sau lễ dựng nêu được bắt đầu vào ngày 30 tháng chạp.

Nghi lễ Thướng tiêu trong cung triều Nguyễn
Nghi lễ Thướng tiêu trong cung triều Nguyễn
Quan cảnh bày thiết mâm lễ cúng Thướng tiêu trong cung
Quan cảnh bày thiết mâm lễ cúng Thướng tiêu trong cung

Lễ dựng cây nêu với mục đích ban đầu, theo truyền thuyết dân gian là nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Tuy nhiên, theo thời gian, theo từng địa phương, theo dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc dựng cây nêu ngày Tết đã trải rộng hơn và mỗi nơi mỗi khác. Tại cung đình Huế, triều đình dựng nêu để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cũng là biểu thị cho vương quyền triều Nguyễn và báo hiệu thời điểm nghỉ ngơi, vui đón tết đã đến.

Cây nêu được dựng trong hoàng cung sẽ treo thêm ấn, tín, văn phòng tứ bảo những vật biểu trưng cho việc phong ấn, đóng cửa kinh thành để nghỉ ngơi ngày tết.

Đội lễ nhạc rước cây nêu đến vị trí dựng nêu
Đội lễ nhạc rước cây nêu đến vị trí dựng nêu
Cây nêu là vây tre lớn và dài hàng chục người khiên được dựng lên để treo ấn tín cùng các vật dựng tứ văn phòng tứ bảo
Cây nêu là vây tre lớn và dài hàng chục người khiên được dựng lên để treo ấn tín cùng các vật dựng tứ văn phòng tứ bảo
Cây nêu chuẩn bị dựng lên
Cây nêu chuẩn bị dựng lên
Các ấn và đồ tứ bảo văn phong được phong ấn treo lên để ngưng mọi công việc để nghỉ tết
Các ấn và đồ tứ bảo văn phong được phong ấn treo lên để ngưng mọi công việc để nghỉ tết

"Mình may mắn đến Huế đúng vào dịp những ngày cuối năm nên được tận hưởng không khí tết qua nhiều sinh hoạt văn hóa của người dân xứ Huế, đặc biệt là các hoạt động tái hiện phong vị ngày tết trong cung đình triều Nguyễn. Dù các hoạt động ở đây đều là tái hiện các sinh hoạt trong cung xưa nhưng cũng đã đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Các hoạt động được tái hiện đã tạo thêm không khí xuân vui tươi, sinh động cho các điểm di tích cổ kính", ông Trần Duy Bình (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ.

Đông đảo du khách tham dự chương trình "Phong vị Tết Huế" tại cung Trường Sanh, Đại nội Huế
Đông đảo du khách tham dự chương trình "Phong vị Tết Huế" tại cung Trường Sanh, Đại nội Huế

Chương trình phong vị tết Huế trong Hoàng cung sau khi tổ chức trình diễn, các sản phẩm bánh, mứt, các món ẩm thực sẽ được chuyển về tặng các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trung tâm bảo trợ xã hội và các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với ý nghĩa "không ai không có niềm vui ngày tết".

Theo Bùi Ngọc Long (TNO)

Có thể bạn quan tâm