Kinh tế

Giá cả thị trường

Dự kiến tăng giá điện: Sẽ có chính sách giảm gánh nặng cho hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc tăng giá điện ở mức 8,36% sẽ góp phần giải tỏa gánh nặng cho ngành điện khi những áp lực chi phí đầu vào liên tục tăng suốt thời gian qua. Tuy nhiên, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, giá điện tăng, cộng hưởng mức tăng của giá xăng sẽ tạo gánh nặng chi phí trên vai doanh nghiệp và người dân.
Điện “nhảy” giá do chi phí sản xuất tăng cao?
Bộ Công Thương mới đây đã lên phương án tăng giá điện 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng 1 kWh (chưa gồm thuế VAT) sau khoảng 2 năm giữ ổn định giá điện. Phương án tăng này dự kiến sẽ điều chỉnh ngay trong tháng 3.2019.
Trước đó, Bộ Công Thương đã phải nhiều lần xin điều chỉnh tăng giá điện khi những áp lực về tăng giá nguyên liệu, các chi phí đầu vào sản xuất, phân phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng mạnh trong thời gian qua.
 
Người sử dụng điện sẽ phải trả một khoản tiền điện hàng tháng nhiều hơn sau khi giá điện tăng 8,36% (ảnh minh hoạ).

Thống kê giá điện 25 nước năm 2018 do Bộ Công Thương công bố trên website: moit.gov.vn, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có các nước trong khu vực như Lào, Philippines, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy, giá điện của Việt Nam năm 2018 đang ở mức 0,074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê. Nếu giá điện lần này được Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng ở mức 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0,080 USD/kWh (tỷ giá ngày 5.3.2019), mức giá này tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ.


Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, việc điều chỉnh giá điện là biện pháp để lành mạnh hóa tài chính của ngành điện. Từ năm 2010 tới nay đã có 7 đợt tăng giá điện và lần gần nhất vào cuối năm 2017.
"Giá điện tăng làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 tăng thêm 0,29%, tác động rất trực tiếp đến nền kinh tế của chúng ta. Giá cả mặt hàng nào lên cũng ảnh hưởng đến CPI, ít nhiều ảnh hưởng đến GDP cả. Về lâu dài, chúng ta cần có ngành điện với năng lực tài chính lành mạnh để đủ sức đầu tư vào các dự án điện, để có điện cho các ngành kinh tế khác phát triển”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.
Theo ông Vượng, nếu không có điện, ảnh hưởng của nó còn lớn hơn việc tăng giá điện. Tăng giá điện làm GDP giảm 0,22% nhưng nếu không có điện thì GDP có thể giảm khoảng vài phần trăm.
Đại diện Bộ Công Thương lý giải thêm, hiện mức tiêu thụ tăng 10%, trong khi các dự án điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, ngành điện phải huy động các nguồn điện có giá cao từ khí, dầu, than. Ngoài ra, các tác động từ phí bảo vệ môi trường, tỉ giá… đã làm EVN tăng chi phí hàng ngàn tỷ đồng.
Bộ Công Thương cho rằng phương án giá điện năm 2019 đã bao gồm các chi phí đầu vào có tác động đến giá điện. Cụ thể, giá than nội địa điều chỉnh bước 1 với mức tăng bình quân 5% khiến chi phí mua điện tăng thêm khoảng 3.183 tỷ đồng. Giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước từ ngày 16.1.2019 có giá cao hơn giá than nội địa làm tăng chi phí mua điện khoảng 1.921 tỷ đồng. Thuế bảo vệ môi trường đối với than và xăng dầu tăng cũng làm tăng chi phí mua điện khoảng 450 tỷ đồng.
Trong kịch bản điều hành giá điện năm 2019, Bộ Công Thương cho biết sẽ tính đến ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách. Theo đó, cơ quan này tiếp tục duy trì việc hỗ trợ các đối tượng này với mức 30 KWh/hộ/tháng.
Gánh nặng chi phí
Trước đề xuất điều chỉnh giá điện tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3.2019, một số chuyên gia cho rằng, giá điện tăng, cộng hưởng mức tăng của giá xăng sau đó sẽ tạo gánh nặng chi phí trên vai doanh nghiệp và người dân.
Theo PGS - TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, việc tăng giá điện tác động đến chỉ số CPI cũng như tăng trưởng GDP ở mức bao nhiêu đã được ngành điện cũng như Bộ Công Thương nêu rõ khi đề xuất tăng giá điện. Song cần phải có một cơ quan tư vấn độc lập xem xét những yếu tố tác động này, không hoàn toàn nghe báo cáo một chiều từ phía ngành điện.
“Ngành điện cho rằng tác động của đợt tăng giá điện đến CPI chỉ khoảng 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25% và khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15-0,19%, song tất cả những tính toán này không hề có một cơ quan độc lập nào xem xét, như vậy chưa hoàn toàn thuyết phục”,  ông Long nêu ý kiến.
PGS- TS Ngô Trí Long đánh giá, giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng đối với tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, nên giá điện tăng chắc chắn tác động toàn bộ các ngành kinh tế, đặc biệt là tới hoạt động của DN. Người tiêu dùng sắp tới cũng sẽ chịu tăng thêm chi phí do giá điện sinh hoạt tăng và giá sản phẩm hàng hóa tăng theo giá điện. Điều đó đòi hỏi thời gian tới Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để GDP tăng từ 6,8% trở lên.
Một vấn đề khác được ông Long nêu ra chính là tác động của việc tăng giá điện tới hoạt động tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN.
Ông Ngô Trí Long nói: “DN sẽ phải tăng chi phí sản xuất, gây áp lực lên giá thành sản phẩm. Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của DN chúng ta chưa cao, nếu tăng giá điện ở mức không hợp lý thì tạo gánh nặng lên chi phí đầu vào, đặc biệt là đối với các ngành trực tiếp sử dụng điện lớn như sắt, thép, xi-măng”.
TS Bùi Trinh - chuyên gia kinh tế: Băn khoăn cách tính lạm phát của Bộ Công Thương
Bộ Công Thương cho biết Bộ đã phối hợp với Tổng cục Thống kê tính toán cho thấy việc tăng giá điện 8,36% sẽ làm giảm GDP 0,22% và làm CPI tăng thêm 0,29%. Tính toán của tôi cũng cho ra kết quả gần như vậy, GDP giảm 0,25% và CPI tăng 0,24%.
Tuy nhiên, cách tính này mới chỉ ra ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và giá cả, vì khi thu nhập giảm đi giá cả tăng lên sẽ dẫn tới cầu tiêu dùng giảm, khi cầu tiêu dùng giảm kéo theo giá trị sản xuất của nền kinh tế giảm và tổng giá trị tăng thêm và GDP tiếp tục giảm, giá tiêu dùng tăng trong những chu kỳ sản xuất tiếp theo.Thông thường, khoảng từ 1,5 đến 2 năm mới tạo ra mặt bằng giá mới và không còn chịu tác động nữa.
ThS Đinh Tuấn Minh - chuyên gia kinh tế:  “Giá điện có phản ánh đúng giá thị trường?”
Tôi băn khoăn việc tăng giá điện lần này có phản ánh đúng giá trị thực tế trên thị trường hay không? Nếu giá trị các nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng, dẫn tới giá bán điện thực tế trên thị trường tăng thì việc điều chỉnh tăng giá điện lần này là điều hiển nhiên, phản ánh đúng gía trị của sản phẩm trên thị trường.
Những hiệu ứng xảy ra như mặt bằng gía cả chung tăng lên do chịu tác động từ các chi phí đẩy là điều chúng ta phải chấp nhận. Để giữ mức lạm phát chung thấp, chúng ta cần có chính sách điều chỉnh cung tiền hợp lý. Nhưng điều chỉnh cung tiền lại gây tác động tới đà tăng trưởng kinh tế, phải lựa chọn giữa đánh đổi tăng trưởng kinh tế hay duy trì mức lạm phát thấp. Vậy nên, vấn đề này phụ thuộc nhiều vào hoạt động điều hành tiền tệ của NHNN và sự chấp nhận việc hy sinh tăng trưởng.

Nguyên Phương (ghi)

Nguyên Phương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm