Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch bằng phương tiện riêng: Xu hướng mới hậu Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đứng trước sự "đóng băng" của ngành du lịch, một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia nhắc tới là du lịch bằng phương tiện riêng, theo nhóm nhỏ có thể sẽ là xu hướng của du lịch Việt Nam hậu Covid-19.
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới ngành Du lịch, dự kiến có thể còn kéo dài nên phục hồi ngành Du lịch trước mắt là du lịch nội địa tiếp tục gặp không ít khó khăn. Ngành Du lịch cũng có nhiều cuộc đánh giá, phân tích tình hình dịch để xây dựng kịch bản cụ thể và chi tiết hơn cho việc phục hồi. Một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia nhắc tới là du lịch bằng phương tiện riêng, theo nhóm nhỏ có thể sẽ là xu hướng của du lịch Việt Nam hậu Covid-19.
Du lịch bằng phương tiện riêng: Khám phá trong an toàn

 
Hình thức du lịch caravan đã được các đơn vị lữ hành thử nghiệm triển khai từ đầu năm 2020, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng tổ chức khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Đây là chuyến đi được tổ chức từ Hà Nội lên Tuyên Quang. Ảnh: Hoàng Bình Phương
Với bối cảnh ngành Du lịch cần xây dựng kịch bản thích ứng với "tình hình mới", nhiều đơn vị kinh doanh du lịch đã có kế hoạch xây dựng sản phẩm mới phù hợp với xu hướng và tâm lý du lịch của người dân. 
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho biết, đơn vị đang thiết kế 5 sản phẩm du lịch mới chuẩn bị cho chiến dịch "du lịch bình thường mới", trong đó công ty tập trung cho sản phẩm du lịch bằng phương tiện riêng theo hình thức caravan (tự lái xe ô tô). "Hình thức du lịch này cho phép du khách có thể tự lái xe riêng nhưng vẫn tổ chức được thành đoàn theo lịch trình được thiết kế riêng, bảo đảm khép kín và giãn cách. 
Đây có thể sẽ là xu hướng du lịch được nhiều đơn vị lữ hành khai thác để tái khởi động hoạt động du lịch nội địa khi dịch được kiểm soát", ông Phùng Quang Thắng nhận định.

Nhiều đơn vị đang xây dựng sản phẩm du lịch khám phá Hà Nội bằng xe đạp, xe máy. Ảnh: Hoàng Bình Phương
Ngoài hình thức du lịch caravan, nhiều đơn vị lữ hành đã thực hiện khảo sát và xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới bằng phương tiện cá nhân nhằm giúp du khách có những trải nghiệm mới mẻ mà vẫn bảo đảm việc giãn cách, an toàn trong phòng, chống dịch. Vào đầu tháng 7 vừa qua, công ty du lịch VietFoot Travel có chuyến khảo sát tại nhiều điểm tham quan ở khu vực ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh, thành trong vùng an toàn để xây dựng sản phẩm du lịch bằng xe đạp và xe máy.
Giám đốc Công ty du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết, du lịch khám phá bằng xe đạp, xe máy là loại hình rất phổ biến và được ưa chuộng ở nước ngoài. Ưu điểm của hình thức du lịch này là giúp du khách vừa tham quan, khám phá vừa thoả mãn sở thích vận động thể thao. "Chúng tôi đang xây dựng sản phẩm du lịch bằng xe máy, xe đạp khám phá các di sản của Hà Nội, một số cảnh quan thiên nhiên ở khu vực ngoại thành như huyện Đông Anh, Gia Lâm. 
Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng chương trình khám phá tại một số tỉnh thành khác như Ninh Bình, Nam Định. Đây sẽ là sản phẩm du lịch phục vụ cả khách nội địa và quốc tế khi dịch được kiểm soát", ông Phạm Duy Nghĩa cho biết.

Hình thức du lịch bằng xe đạp, xe máy giúp du khách vừa tham quan trải nghiệm, vừa thoả mãn sở thích thể thao hứa hẹn mang đến "làn gió mới" cho hoạt động du lịch hậu Covid-19. Ảnh: Hoàng Bình Phương
Hiện trên một số trang du lịch uy tín cũng đăng tải những hình ảnh quảng bá du lịch Việt Nam bằng phương tiện riêng. Cụ thể như trang Amica Travel giới thiệu tour du lịch bằng xe đạp khám phá liên tuyến Ninh Bình – Nam Định;  Piềng Vế (Hoà Bình) - Pù Luông (Thanh Hoá). Đây được xem là sự chuẩn bị của các đơn vị để có thể khởi động lại hoạt động du lịch khi dịch được kiểm soát và bảo đảm an toàn cho du khách.
Du lịch bằng phương tiện riêng: Cẩn trọng trong tổ chức tour

Hiện nay, nhiều đơn vị du lịch vẫn đẩy mảnh quảng bá sản phẩm du lịch bằng xe đạp, xe máy tại một số điểm du lịch như Ninh Bình, Nam Định. Ảnh: Hoàng Bình Phương
Các loại hình du lịch mới được xây dựng trong bối cảnh toàn ngành đang chịu nhiều thiệt hại, thậm chí có lúc "đóng băng" đã tạo ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Chưa kể, nhiều hình thức du lịch mới chưa có thời gian vận hành thử nghiệm trong thực tế nên chưa đánh giá được hết độ rủi ro.
Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty du lịch Hanoitourist Phùng Quang Thắng thừa nhận, mặc dù loại hình du lịch caravan đã được nhiều đơn vị lữ hành của Hà Nội thử nghiệm vào đầu năm 2020 với các hành trình đi Tây Bắc, Đền Hùng (Phú Thọ), Nam Định… nhưng không ít đơn vị vẫn áp lực trong khâu tổ chức, thiết kế lịch trình khép kín, bảo đảm khách thực hiện giãn cách. "Du lịch trong "tình hình mới" đặt vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách lên hàng đầu. 
Điều này đòi hòi các đơn vị tổ chức từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, điểm đến phải có sự liên kết, thông tin chặt chẽ để xây dựng sản phẩm du lịch khép kín và biệt lập", ông Phùng Quang Thắng nói. Còn theo ông Trần Văn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Phong Hà (đơn vị thành viên của Công ty Caravan Việt Nam), khi thực hiện một chuyến caravan, các đơn vị tổ chức cần thận trọng trong công tác chuẩn bị, bảo đảm xe riêng phải đủ tiêu chuẩn đi đường xa cũng như du khách tự lái xe phải được kiểm tra tay lái trước khi tham gia hành trình.
Nói về việc những khó khăn trong việc tổ chức một chuyến đi bằng phương tiện riêng, Giám đốc Công ty du lịch VietFoot Phạm Duy Nghĩa cho biết, sản phẩm du lịch bằng xe đạp và xe máy tuy chưa vận hành chính thức nhưng đơn vị đã phải tính toán phương án an toàn cho du khách bằng cách trang bị hệ thống xe đạt tiêu chuẩn cho hoạt động trải nghiệm ở mọi địa hình. "Cái khó là du khách phải có ý thức hợp tác với đơn vị tổ chức, có tính kỷ luật khi tham gia hành trình cũng như tuân thủ đúng kế hoạch mà đơn vị tổ chức đưa ra. Ngoài ra, du khách phải bảo đảm về sức khoẻ, kỹ năng điều khiển phương tiện khi đi bằng phương tiện riêng", ông Phạm Duy Nghĩa nói.
Hiện nay, hoạt động du lịch nói chung và tình hình du lịch tại Hà Nội vẫn đang trong trạng thái "đóng băng" vì toàn thành phố đang thực hiện nghiêm việc giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với nỗ lực của các đơn vị du lịch trong xây dựng sản phẩm phù hợp với "tình hình mới" đã mang đến hy vọng có thể tạo ra được "làn gió mới" cho du lịch Thủ đô sau dịch Covid-19. Dù vậy, để sản phẩm có thể vận hành tốt, đón đầu khách nội địa và quốc tế, các đơn vị cần thận trọng, tính toán các phương án tổ chức để hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Theo Hoàng Bình Phương (Dân Việt)
https://danviet.vn/du-lich-bang-phuong-tien-riengxu-huong-moihau-covid-19-20210822075956542.htm

Có thể bạn quan tâm