Từ đầu năm 2022 đến nay ngành du lịch dần hồi phục, hướng dẫn viên cũng bắt đầu quay lại nghề. Cuộc sống của họ có những thay đổi như thế nào?
Đổi nghề, làm việc khác chờ du lịch hồi phục
Trong 2 năm qua, nhiều hướng dẫn viên du lịch tạm thời bỏ nghề tìm kế sinh nhai khác để sống qua ngày vì dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch.
Chẳng hạn, hướng dẫn viên du lịch Trần Văn Phát (34 tuổi) cho hay anh đã phải sống trong khủng hoảng khi công việc bị ngưng trệ, không có thu nhập nên phải tạm bỏ nghề.
Phát không đi làm nhân viên bất động sản, chạy xe ôm, bán bảo hiểm, sửa điện lạnh… mà bán quần áo trực tuyến.
Bảo Hân trong một lần được dẫn tour trở lại sau dịch. Ảnh: NVCC |
Dần dần Phát tự gầy dựng một cửa hàng quần áo nhỏ tại nhà. Nhờ tài ăn nói khéo léo, anh vừa làm chủ vừa giới thiệu sản phẩm bằng cách livestream. Nhờ đó, cuộc sống của anh cũng tạm vượt qua được mùa dịch.
Còn Nguyễn Thị Ngọc Hân (32 tuổi, hướng dẫn viên Công ty Sovitour) lại trở thành tình nguyện viên chống dịch, đảm nhận nhiệm vụ tiếp tế, hỗ trợ cho người dân ở những nơi khó khăn.
Cô nói rằng không có việc làm trong thời điểm dịch bùng phát là điều thật đáng buồn. "Lúc đó, mỗi ngày qua là một ngày nhớ nghề da diết. Vì thế, trong những lần đi làm tình nguyện, tôi thường áp dụng những kỹ năng hướng dẫn viên vào công cuộc chống dịch và luôn hy vọng sớm được trở lại chính thức với nghề hướng dẫn viên du lịch", Hân chia sẻ.
Sau dịch, các hướng dẫn viên nội địa đã có đất sống trở lại |
Trong một trường hợp khác, Mai Thùy Dung Dung (25 tuổi) cho biết cô vừa tốt nghiệp ra trường thì dịch bùng phát vào năm 2020. “Tôi làm việc chưa được bao lâu thì dịch bùng phát. Do đó, tôi quyết định về quê, làm việc trực tuyến cho một công ty thời trang, rồi làm nhân viên bán hàng qua điện thoại và phụ việc bán hàng ở nhà”, Dung kể.
Bắt đầu quay lại với công việc
Từ đầu năm đến nay, Dung đã bắt nhịp lại với nghề hướng dẫn viên du lịch. “Từ đầu tháng 4 cao điểm đến nay, tôi cũng được dẫn 3 tour du lịch, chủ yếu là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung… Thu nhập cũng tăng cao hơn mùa dịch. Nói chung cũng đã tạm ổn hơn xưa rất nhiều”, Dung chia sẻ.
Huỳnh Thơ rời ghế văn phòng, lao vào dẫn tour sau dịch |
Bảo Hân cho biết bản thân cảm thấy may mắn khi công ty không giải tán, sa thải nhân viên mà còn được nhận lương cơ bản sống qua mùa dịch. “Đến ngày quay lại làm hướng dẫn tour, tôi rất máu lửa, cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi được đi các tour lớn hơn, thoải mái hơn, thu nhập dần ổn định. Tính từ đầu năm đến nay, tôi cũng dẫn được 7 - 8 tour”, Hân chia sẻ.
Nữ hướng dẫn viên này nhận thấy ngành du lịch đang phục hồi. Ngoài việc dẫn tour, cô còn phải làm việc ở văn phòng. Bảo Hân chia sẻ: "Tôi hy vọng từ giờ đến cuối năm, dịch Covid-19 sẽ không còn, các hướng dẫn viên có thể làm việc ổn định".
Tương tự, giám đốc trẻ của Công ty du lịch Sovitour, cô Hồ Thị Huỳnh Thơ, cho hay cô nhận thấy nhiều tín hiệu lạc quan của ngành du lịch trong thời gian sắp tới và đích thân dẫn tour trong những ngày đầu năm.
“Tôi như được sống lại với nghề du lịch, tôi có cảm giác rất lạ. Ngày đầu dẫn khách trở lại, tôi tay bắt mặt mừng, giống ngày đầu tiên vào nghề vì suốt 2 năm qua phải ở nhà. Tháng 3 vừa qua chỉ là khởi động đối với ngành du lịch. Đến tháng 4 thì du lịch mới thực sự sôi động và chờ đợi những tour đi quốc tế”, cô Thơ chia sẻ.
Anh Phát cho biết hiện tại đang làm song song 2 nghề sau thời điểm ngành du lịch "đóng băng". Ảnh: NVCC |
Trong khi đó, Trần Văn Phát cũng chỉ vừa trở lại với nghề hướng dẫn viên được 2 tháng nay, nhưng anh không còn tập trung nhiều vào nghề này. Bởi lẽ, công việc bán quần áo thời trang của anh đang có hướng chuyển tốt hơn sau mùa dịch.
Phát chia sẻ: “Tôi nhận thấy mọi thứ chưa được đảm bảo cho nghề hướng dẫn viên du lịch trong thời điểm này. Nhiều tổ chức vẫn còn e dè cho nhân viên đi du lịch. Vì vậy, tôi cũng chỉ dẫn vài tour cầm chừng cho đỡ nhớ nghề. Trong tương lai, khi du lịch đang phục hồi, tôi sẽ làm 2 nghề vừa bán quần áo vừa làm hướng dẫn tour”.
Theo Dạ Thảo (TNO)