Năm 2024, một trong những vùng du lịch trọng điểm của cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long tích cực phát triển sản phẩm, tăng cường quảng bá, tiếp tục đạt nhiều kết quả ấn tượng về lượng khách và doanh thu ngành du lịch, dịch vụ.
Khẳng định vị thế
Các địa phương có thế mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển đa dạng sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển, đảo, di tích lịch sử, văn hóa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện thông tin năm 2024, lượng khách đến Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 52 triệu lượt, tổng thu từ du lịch của các địa phương trong toàn vùng ước đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng.
Riêng thành phố Cần Thơ - đô thị trung tâm vùng, ước tính năm 2024, tổng lượng khách đến tham quan, du lịch là 6,3 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 6.226 tỷ đồng.
Với 640 cơ sở lưu trú, 11.000 phòng, trên 70 cơ sở doanh nghiệp hoạt động lữ hành, hơn 50 cơ sở khu, điểm tham quan du lịch, Cần Thơ tiếp tục khẳng định sức hút du lịch với nhiều điểm đến du lịch sinh thái miệt vườn, chợ nổi, sông nước, di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội.
Tỉnh Kiên Giang với địa hình đa dạng cả đồng bằng, rừng núi, biển và hải đảo, nhiều danh lam thắng cảnh cùng bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc có bứt phá trong thu hút du khách.
Năm 2024, du lịch Kiên Giang đón hơn 9,8 triệu lượt khách, tăng 15,6% so cùng kỳ năm 2023, tổng thu từ du lịch đạt trên 25.000 tỷ đồng, tăng gần 44% so với năm 2023.
Trong niềm vui những ngày cuối năm 2024 khi Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam ở thành phố Châu Đốc được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh An Giang ghi nhận kết quả phát triển du lịch nổi bật gắn với các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái.
Năm 2024, khoảng 9 triệu lượt khách đã đến du lịch tại An Giang. Trong đó, các khu du lịch trọng điểm như: Khu Du lịch quốc gia núi Sam, Khu Du lịch núi Cấm, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu du lịch sinh thái Rừng Tràm Trà Sư, miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, điểm du lịch Cồn Én, điểm du lịch đồi Tức Dụp, làng Chăm Châu Phong tiếp tục có sức hút đặc biệt với du khách.
Ở Cà Mau vùng đất địa đầu phía Nam đất nước, lĩnh vực du lịch tiếp đà phát triển tích cực, với khoảng 2,15 triệu lượt khách trong năm 2024, tổng doanh thu du lịch ước đạt 3.080 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2023.
Trong khi đó, với thế mạnh du lịch sinh thái của địa phương thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười, có nhiều vùng canh tác chuyên canh đặc sản như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, hoa Sa Đéc, sen Tháp Mười..., tỉnh Đồng Tháp thu hút 4,2 triệu lượt khách, đạt tổng doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đổi mới và nâng tầm
Phát huy kết quả đạt được, năm 2025, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long sớm đề ra giải pháp nâng tầm du lịch bằng cách tích cực làm mới sản phẩm, tăng thêm trải nghiệm cho du khách từ thế mạnh hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển, đảo, di tích lịch sử, văn hóa.
Đồng thời các địa phương thuộc vùng tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: An Giang-Đồng Tháp-Long An; Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh-Sóc Trăng; Kiên Giang-Cà Mau.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho hay, các tỉnh, thành phố trong vùng đẩy mạnh hợp tác, liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh - thị trường du lịch sôi động hàng đầu cả nước, địa phương vùng Đông Nam Bộ, các nước Campuchia, Thái Lan theo hành lang ven biển phía Nam (Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau).
Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương tăng cường quảng bá điểm đến với những sản phẩm du lịch, trải nghiệm đặc sắc ở từng địa phương, nhất là 50 điểm đến du lịch hấp dẫn của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long vừa được bình chọn, công bố đầu tháng 12/2024.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, nằm ở vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố có lợi thế về vị trí địa lý kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh trong vùng từ đường bộ, đường thủy đến đường hàng không với Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Năm 2025, tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế này, phát triển du lịch gắn với các chiến lược: Điểm sinh thái độc đáo, trung tâm văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp kinh doanh. Đồng thời, thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao, hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ hoàn thiện nhiều thiết chế, hạ tầng văn hóa-du lịch, phục vụ người dân và du khách.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết du lịch Kiên Giang đặt mục tiêu trong năm 2025 thu hút trên 10,4 triệu lượt khách.
Kiên Giang tập trung đổi mới, phát triển du lịch theo hướng chú trọng sản phẩm đặc thù, tạo bước đột phá, đó là du lịch thiên nhiên gắn với Vườn quốc gia Phú Quốc và Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (huyện Giang Thành); du lịch khám phá Hà Tiên thập cảnh; du lịch cộng đồng; du lịch trải nghiệm văn hóa “đất rừng phương Nam” gắn với Vườn quốc gia U Minh Thượng.
Đồng thời, tỉnh bổ sung sản phẩm du lịch tạo sức hấp dẫn như, du lịch thương mại tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên; du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh tín ngưỡng, khảo cổ văn hóa Óc Eo; du lịch đô thị, giải trí sang trọng tại thành phố Phú Quốc, phát triển du lịch MICE mang đẳng cấp quốc tế; du lịch nông nghiệp gắn với chương trình OCOP và làng nghề truyền thống ở các địa phương có tiềm năng, góp phần phát triển du lịch vùng và cả nước.
Còn theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, tỉnh tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, miệt vườn, văn hóa, nông nghiệp, nông thôn, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, chú trọng tăng trải nghiệm, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, đưa Đồng Tháp trở thành một trong những trung tâm du lịch vùng sinh thái nước ngọt của Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo TTXVN/Vietnam+