Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch đường bộ 'soán ngôi' đường không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vé máy bay đắt đỏ cùng tình trạng trễ chuyến xảy ra thường xuyên khiến nhiều gia đình chuyển sang du lịch bằng đường bộ. Xu hướng này bắt đầu nở rộ từ mùa cao điểm 30.4 - 1.5 và đang được định hình rõ nét trong dịp lễ 2.9 năm nay.

Sân bay vắng vẻ, cao tốc ùn ứ

Sáng 31.8, gia đình chị Thanh Thủy (TX.Sơn Tây, TP.Hà Nội) chuẩn bị ra sân bay Tân Sơn Nhất để về Hà Nội, kết thúc kỳ nghỉ lễ sớm. Dù theo dõi tin tức thấy sân bay rất thoáng vào tối 30.8 nhưng để đề phòng kẹt xe, sân bay đông đúc nên gia đình chị vẫn sắp xếp đi trước

1 giờ 30 phút so với giờ máy bay khởi hành. Quãng đường từ trung tâm thành phố ra sân bay Tân Sơn Nhất thông thoáng, xe đi vèo vèo chỉ mất khoảng 20 phút. Ra tới sân bay, lượng ô tô ra vào đón/trả khách cũng không đông, chỉ như những ngày thường. Vào tới nhà ga quốc nội, chị Thủy càng bất ngờ hơn khi các quầy làm thủ tục đều vắng, mỗi quầy chỉ có khoảng 1 - 2 khách.

"Lúc đầu tôi nghĩ giờ mọi người làm thủ tục trực tuyến hết rồi nên không còn cảnh xếp hàng chờ đợi tại quầy check-in như trước. Thế nhưng xách vali lên trên cổng an ninh soi chiếu mới thấy vắng thật sự. Hàng dây chia làn giăng dài nhưng chỉ có vài người xếp hàng, chia đều từng quầy soi chiếu. Có quầy còn chẳng thấy khách nào. Bình thường xem báo thấy mỗi dịp lễ, tết là sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt, người người chen chúc không có chỗ mà ngồi. Không tin nổi nghỉ lễ 4 ngày mà sân bay lại vắng như thế này", chị Thủy nói.

Dòng xe đông đúc qua QL1 hướng từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây. ẢNH: Cao An Biên

Dòng xe đông đúc qua QL1 hướng từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây. ẢNH: Cao An Biên

Từ ngày đầu tiên của cao điểm lễ (30.8), Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã tăng cường nhân lực, điều tiết linh hoạt phương án khai thác trong các khung giờ cao điểm để tránh ùn ứ trong trường hợp khách tăng đột biến. Lịch bay, công tác phục vụ mặt đất cũng liên tục được cập nhật nhằm đảm bảo trật tự. Thế nhưng, hình ảnh cập nhật liên tục tại khu vực sảnh đến trong nước, đảo check-in của các hãng cũng như cửa boarding sảnh A… cho đến hôm qua (1.9) vẫn rất thông thoáng, không hề có tình trạng ùn ứ. Đại diện Cảng Tân Sơn Nhất cho biết giai đoạn cao điểm lễ từ 30.8 - 3.9, dự kiến ban đầu mỗi ngày có khoảng 120.000 khách đi và đến sân bay. Mức này tăng khoảng 8% so với lượng khách bình quân ngày thường là 110.000 người, nhưng giảm chừng 2% so với dịp lễ năm ngoái.

Tương tự, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài tuy ghi nhận khá đông đúc vào chiều thứ sáu (30.8) nhưng các cửa soi chiếu an ninh vẫn chưa phải mở hết công suất. Hành khách cũng không phải chờ đợi quá lâu ở quầy làm thủ tục check-in hay qua khâu soi chiếu an ninh.

Trong khi đó, từ 16 giờ ngày 30.8, hàng dài xe đã nối đuôi nhau xuất bến từ cổng số 3 Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân, TP.HCM). Người dân hối hả đến bến xe mua vé về quê nghỉ lễ nên các lối ra vào bến xe chật kín người. Gần đó, nút giao An Lạc cách Bến xe Miền Tây gần 3 km, xe cộ chen chúc nhau. Từ đầu giờ chiều, lực lượng chức năng đã có mặt để điều tiết giao thông, tránh hiện tượng ùn ứ cục bộ. Tại QL1 hướng từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây (đoạn qua H.Bình Chánh), dòng xe máy, xe khách đông đúc. Nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe máy về quê nghỉ lễ. Một số đoạn trên QL1 có thời điểm ùn ứ trong thời gian ngắn khi càng về chiều, dòng xe càng đông hơn.

Còn tại cửa ngõ phía đông, lượng xe từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung, Nam Trung bộ bắt đầu tăng cao từ sáng 31.8, khiến các tuyến cao tốc ùn ứ nghiêm trọng, lực lượng chức năng phải liên tục điều tiết đóng/mở cao tốc TP.HCM - Long Thành. Cho tới sáng 1.9, tuyến cao tốc này vẫn kẹt cứng. Dòng xe xếp hàng dài từ đường dẫn cao tốc, nhiều phương tiện phải quay đầu về nút giao An Phú (TP.Thủ Đức) tìm lộ trình khác để di chuyển.

Khu vực phía bắc, các tuyến cao tốc nối dài từ Hà Nội vào đến Nghệ An cũng ghi nhận lượng phương tiện tăng đột biến, nhiều đoạn tuyến ùn tắc kéo dài.

"Chia lửa", nhưng khó thay thế đường không

Ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết bắt đầu từ dịp lễ 30.4 - 1.5 năm nay, tâm lý khách du lịch đã có những cân nhắc và lo ngại về tài chính trong việc đặt dịch vụ cho các chuyến đi. Kỳ nghỉ lễ 2.9 khá ngắn, chỉ gói gọn trong 4 ngày, lại vừa kết thúc cao điểm hè nên lượng khách không tăng đột biến. Các tour đường bay tập trung vào tuyến từ TP.HCM đi Hà Nội và các tỉnh phía bắc, miền Trung. Còn tour đi Quy Nhơn, Phú Quốc, Côn Đảo khách đăng ký không nhiều. Mặt khác, tour đường bộ vẫn ghi nhận ổn định, tăng nhẹ khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước.

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng “lạ” sáng 31.8. ẢNH: N.LINH

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng “lạ” sáng 31.8. ẢNH: N.LINH

Ông Phạm Anh Vũ nhận xét: Hạ tầng giao thông phát triển, nhất là hệ thống đường bộ cao tốc đã được nối dài, giúp hoạt động du lịch bằng ô tô từ TP.HCM trở nên dễ dàng hơn. Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành có dư địa mở thêm nhiều tuyến tour sử dụng phương tiện ô tô, giảm tải cho đường không mùa cao điểm. Tuy nhiên, tour đi bằng xe sẽ dài hơn 1 ngày và điều mà các công ty lo ngại nhất là nhu cầu tăng cao sẽ tạo áp lực lớn lên một số tuyến cao tốc "đinh" như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Các tuyến khác nhau nhưng cung đường đi bắt buộc qua 2 cao tốc này và thường các xe sẽ có thời gian khởi hành và trở về gần sát nhau. Nhìn chung, đường bộ hay đường sắt thì cũng chỉ có thể "chia lửa" phần nào cho đường không. Nếu giá vé máy bay không ổn định, tình trạng delay không cải thiện thì khách sẽ có xu hướng giảm đi du lịch hoặc chuyển sang tour nước ngoài, du lịch nội địa sẽ gặp khó.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị truyền thông Vietluxtour, cho rằng các tuyến đường bộ kẹt xe đa phần là khách về quê chứ không hẳn là khách du lịch nội địa chuyển từ đường bay sang đi đường bộ. Trừ những điểm gần như Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt..., đa phần khách vẫn chọn máy bay làm phương tiện di chuyển đối với các tuyến có 2 lựa chọn đường bay và đường bộ như Nha Trang, Phú Yên... Lý do là kỳ nghỉ chỉ 3 - 4 ngày, đi máy bay vẫn là nhanh nhất để sử dụng được trọn vẹn thời gian nghỉ lễ.

"Nói hàng không delay nhưng phần lớn các bạn phụ trách bán hàng luôn được biết trước lịch bay để phối hợp với điều hành điều chỉnh chương trình (có thể đổi lịch trình tham quan, giờ check-in, giờ ăn...), cố gắng làm sao để không bị ảnh hưởng tour của khách. Còn đường bộ bị động hơn nhiều. Như em gái tôi hôm qua lái xe về quê ở miền Tây mà kẹt xe kinh hoàng. Đi từ 5 giờ sáng, đến gần 1 giờ chiều mới về đến nhà, trong khi bình thường chỉ đi khoảng 3 tiếng rưỡi. Đi tour mà như vậy thì chết dở rồi. Các ngày khác thư thả thì còn có thể đi xe, thong dong ngắm cảnh nhưng dịp lễ, tết, thường khách vẫn ưu tiên phương tiện nhanh và an toàn hơn", bà Trần Thị Bảo Thu phân tích.

Khách chọn tuyến đường bộ chủ yếu là các nhóm gia đình, các doanh nghiệp và tập trung vào các tuyến tour đi Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt (Lâm Đồng), đi miền Tây như Cần Thơ, Cà Mau hay lên các tỉnh Tây nguyên. Khách hàng chọn đi xe thì giá tour giảm gần một nửa so với đi máy bay. Đơn cử, tour Nha Trang 4 ngày 3 đêm giá chỉ từ 3,8 triệu đồng/người; đi Quy Nhơn 4 ngày 3 đêm chỉ từ 4,5 triệu đồng, giảm gần 3 triệu đồng so với đi bằng máy bay mặc dù các điểm tham quan hai chương trình là như nhau.

Ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt

Theo Hà Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm