Dịch bệnh bùng phát liên miên khiến những điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội buồn hiu hắt, hàng quán im ỉm... Để thực hiện "mục tiêu kép" lãnh đạo ngành Thủ đô đang nỗ lực xây dựng nhiều kế hoạch.
Hà Nội về đêm khi dịch bệnh chưa bùng phát. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+) |
Là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, hơn một năm qua Hà Nội cũng đứng chung vòng xoáy đại dịch và phải gánh những tổn thương nặng nề từ COVID-19.
Song, các cấp quản lý ngành “công nghiệp không khói” Thủ đô vẫn trong tâm thế chủ động xây dựng các kịch bản, kế hoạch nhằm ứng phó với diễn biến xấu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế Thủ đô.
Vượt khó mùa COVID
Trong 6 tháng qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã và đang bùng phát, Hà Nội chỉ đón được khoảng 2,9 triệu lượt khách du lịch nội địa, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước.
Thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón du khách quốc tế nên số người nước ngoài đến Hà Nội những tháng vừa qua chủ yếu là chuyên gia, người lao động lưu lại làm việc.
Quả thực, dịch bệnh bùng phát liên miên đã khiến những khu vực buôn bán sầm uất, những khu phố cổ nhộn nhịp vốn là trung tâm ăn uống luôn chật ních khách tây, khách ta… nay đìu hiu, vắng lặng. Thiệt hại là không thể đong đếm.
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tính đến cuối tháng 3/2021, số doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động trên địa bàn ước khoảng 95%; đã có 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh;
Số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương với 12.168 người; khoảng 750/3.587 cơ sở lưu trú du lịch tạm dừng hoạt động tương đương gần 12.600 lao động tạm thời không có việc làm.
Khách sạn phố cổ đóng cửa buồn hiu hắt vì COVID-19. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+) |
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành du lịch Thủ đô đang chú trọng tăng cường kiểm soát các khách sạn được phép sử dụng phục vụ công tác cách ly tập trung cho khách nhập cảnh và tổ bay đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch tại một số điểm đến du lịch và cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.
Gặp không khó khăn do đại dịch như vậy nhưng trong 6 tháng năm 2021, du lịch Thủ đô cũng đã kịp làm được một số việc đáng chú ý. Nổi bật phải kể đến là việc cơ cấu lại các sản phẩm du lịch mới, tập trung thu hút khách nội địa.
Chẳng thế mà nhiều khách Việt từng xúc động rưng rưng khi lần đầu được tham gia các sản phẩm tour du lịch đêm như: du lịch trải nghiệm "Đêm thiêng liêng" tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long; sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học...
Kế hoạch hành động mới
Mặc dù đang phải gồng mình chống dịch nhưng để phục vụ hoạt động du lịch dài hạn, thành phố cũng đang lên ý tưởng, thiết kế hệ thống biển chỉ dẫn du lịch, bộ nhận diện thương hiệu logo du lịch làng nghề và quà tặng lưu niệm du lịch Hà Nội đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, địa phương đang xây dựng kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Hiện Sở Du lịch Hà Nội hiện đã lên kế hoạch hoạt động cho sáu tháng cuối năm 2021.
Cùng hy vọng một ngày vui sớm trở lại với ngành du lịch. Hình ảnh chụp trước khi đại dịch bùng phát. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Theo đó, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai thực hiện Chương trình tuyên truyền quảng bá du lịch Thủ đô trên kênh truyền hình quốc gia VTV (VTV Travel, S Vietnam; Ẩm thực đường phố; chương trình V Việt Nam; Chuyển động 24h) và trên kênh truyền hình HTV; tích cực tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội trên các màn hình LED tại khu vực sân bay Nội Bài, khu vực hồ Hoàn Kiếm, tượng đài Lý Thái Tổ…
Các hoạt động này giúp lan tỏa hình ảnh đẹp, đặc trưng của Thủ đô đến du khách cả nước, trong đó chính những người đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội cũng có cơ hội được tiếp cận.
Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội đang đàm phán, thống nhất các điều khoản để tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ký bổ sung chương trình ghi nhớ hợp tác giai đoạn mới với kênh truyền hình quốc tế CNN năm 2021.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang, thời gian tới, Sở cũng sẽ tập trung cơ cấu toàn diện ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, doanh nghiệp du lịch, môi trường du lịch; đáp ứng những thay đổi căn bản của thị trường du lịch trong tương lai.
Ngành du lịch Thủ đô cũng đã xây dựng ba kịch bản phát triển trong năm 2020, mục tiêu mũi nhọn là khách nội địa với kế hoạch đón lượng khách đạt từ 50-70% so với năm 2019, tương đương đạt từ 11-15 triệu lượt khách.
Mai Mai (Vietnam+)