Du lịch

Du lịch Khánh Hòa đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tỉnh Khánh Hòa đang bận rộn với nhiều việc phải làm cho chặng đường phát triển mới của ngành du lịch, tiếp tục xem trọng, chăm chút cho ngành kinh tế mũi nhọn này.

Bãi biển Nha Trang trải dài hút tầm mắt với nước biển xanh trong là nơi thu hút nhiều du khách đến nghỉ dưỡng, vui chơi. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Bãi biển Nha Trang trải dài hút tầm mắt với nước biển xanh trong là nơi thu hút nhiều du khách đến nghỉ dưỡng, vui chơi. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Đến đầu tháng 10/2024, du lịch tỉnh Khánh Hòa đã về đích trong kế hoạch của cả năm 2024, khi đón 9 triệu lượt du khách đến lưu trú, nghỉ dưỡng, tham quan.

Trong số đó, khách quốc tế đạt 3,6 triệu lượt và khách nội địa đạt 5,4 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch 9 tháng của năm ước đạt trên 44.138 tỷ đồng, tăng 61,9% so với cùng kỳ năm 2023; là kết quả cao nhất của ngành du lịch Khánh Hòa từ trước đến nay.

Tạo thêm bước phát triển mới

Ba tháng còn lại trong năm, Khánh Hòa phấn đấu thu hút thêm từ 1-2 triệu lượt du khách đến lưu trú và trải nghiệm, du ngoạn trên địa bàn tỉnh.

Có nhiều cơ sở để nói mục tiêu này nằm trong tầm tay của ngành du lịch Khánh Hòa, khi hiện nay lượng du khách quốc tế đến tỉnh qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh tiếp tục ổn định, duy trì ở mức 40 chuyến bay, hạ cánh mỗi ngày, phần lớn hành khách là đi du lịch.

Đồng thời, ngành du lịch Khánh Hòa phát động đợt kích cầu du lịch với chủ đề “Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, đến để yêu” dành cho du khách trong 3 tháng này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia cũng như các nhà quản lý địa phương, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của trung tâm du lịch biển đảo có nhiều ưu thế nổi trội, cần phải tạo thêm bước phát triển mới trong quá trình xây dựng Khánh Hòa là trung tâm du lịch lớn của cả nước và phải “hiển thị” rõ nét trên bản đồ du lịch quốc tế.

Khánh Hòa là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, có ưu thế rất lớn về tài nguyên du lịch biển và với hệ thống đảo, quần đảo, vịnh ven bờ nổi tiếng (Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang) cùng với các bãi tắm đẹp, vùng biển, đảo với đa dạng sinh học, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển phong phú...

Khánh Hòa còn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế biển, có thể tiếp cận thuận lợi bằng đường bộ, đường không, đường biển, đường sắt.

Hòn Chồng, hòn Vợ là địa điểm thu hút du khách khi đến với Nha Trang. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)
Hòn Chồng, hòn Vợ là địa điểm thu hút du khách khi đến với Nha Trang. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Trong nhiều năm qua, Khánh Hòa đã trở thành trung tâm du lịch biển, đảo tầm cỡ của cả nước và khu vực với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch chất lượng cao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển hiệu quả, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và du lịch cả nước.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa - thẳng thắn thừa nhận Khánh Hòa vẫn chưa tận dụng hết lợi thế tiềm năng để phát triển du lịch đúng mức.

Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị không kịp đáp ứng yêu cầu, nhất là vấn đề về hạ tầng giao thông đô thị.

Công tác phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu.

Tỉnh chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù mang thương hiệu địa phương; việc khai thác quá mức tài nguyên du lịch gây ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Bên cạnh đó, công tác quản lý, giám sát bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch chưa hiệu quả dẫn đến suy thoái, ô nhiễm môi trường; thiếu những định hướng, giải pháp thu hút bền vững thị trường khách quốc tế; việc ứng dụng công nghệ 4.0 cho hoạt động du lịch còn chậm...

Để khắc phục những yếu điểm này, tỉnh đã đặt cơ sở từ định hướng của Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, các quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt, để quyết tâm xây dựng địa phương là một trong những trung tâm du lịch quan trọng của Việt Nam, mang tầm quốc tế. Khánh Hòa kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp du lịch cùng đồng tâm, chung sức để phát triển vững mạnh và bền vững trong tương lai.

Phát triển bền vững và bao trùm

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa - cho biết hiện nay tỉnh có hệ thống, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khá tốt.

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.180 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 64.000 phòng. Trong đó, số lượng phòng của khách sạn 4-5 sao chiếm đến 40%, gắn với những thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng trên thế giới như: InterContinental, Best Western, Six Senses, Radisson, Movenpick, Eastin Grand, Accor Hotels & Resorts...

Đồng thời, tỉnh đã thu hút đầu tư, xây dựng các khu vui chơi giải trí, tham quan, các trung tâm mua sắm cao cấp quy mô lớn, chất lượng cao trên địa bàn. Toàn tỉnh có hơn 230 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó 187 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

Ngoài Festival Biển Nha Trang-Khánh Hòa được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm lẻ, năm 2025 tới đây sẽ là kỳ thứ 11, tỉnh đã “thử nghiệm,” đưa những sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế vào phục vụ du khách và người dân.

Từ kết quả bước đầu, Khánh Hòa dự định sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động này với hy vọng trở thành những "đặc sản" du lịch của địa phương như Liên hoan Du lịch biển Nha Trang diễn ra vào các năm chẵn và hiện đã được tổ chức lần thứ 2.

Cùng với đó là Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang, một cuộc trình diễn, thi đấu ánh sáng bằng thiết bị bay không người lái (drone) được Khánh Hòa dự kiến sẽ tổ chức thường xuyên sau khi đạt kết quả qua lần tổ chức giữa năm nay.

Trình diễn thi đấu ánh sáng tại Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)
Trình diễn thi đấu ánh sáng tại Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Lễ hội trái cây của huyện miền núi Khánh Sơn, Lễ hội tôm hùm của “thủ phủ” tôm hùm Cam Ranh, cùng nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch... thường xuyên khuấy động đời sống du lịch của vùng đất này.

Ngoài ra, Khánh Hòa đang từng bước phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam xây dựng thành phố Nha Trang trở thành thành phố điện ảnh trong tương lai.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hồng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Giải Cánh diều đã chọn Nha Trang là nơi trao giải hằng năm, diễn ra liên tiếp kể từ năm 2022 đến nay có nhiều lý do.

Ông cho rằng: “Nha Trang như một Việt Nam thu nhỏ. Ở đây có biển, đảo, có đồng bằng và cả núi, một môi trường thiên nhiên tuyệt vời và con người Khánh Hòa rất hào sảng. Chúng tôi khát vọng muốn xây dựng Nha Trang trở thành một thành phố điện ảnh, trở thành điểm đến của điện ảnh trong nước và thế giới.”

Tỉnh Khánh Hòa đang bận rộn với nhiều việc phải làm cho chặng đường phát triển mới của ngành du lịch, tiếp tục xem trọng, chăm chút cho ngành kinh tế mũi nhọn này.

Sở Du lịch Khánh Hòa đang tổng hợp ý kiến, nhiệm vụ của các ngành, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh về “Phát triển du lịch xanh và bền vững;” đồng thời ban hành văn bản đề nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch xanh và bền vững trên địa bàn tỉnh.

Khánh Hòa cũng đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số về du lịch, như xây dựng Dự án Hệ thống kho dữ liệu và phần mềm nghiệp vụ ngành du lịch, Dự án Hệ thống du lịch thông minh hỗ trợ du khách, hệ thống hướng dẫn viên du lịch ảo trên thiết bị di động; triển khai cuộc thi thiết kế quà tặng Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa...

Bên cạnh đó, Khánh Hòa tiếp tục duy trì và mở rộng sự liên kết, các chương trình hợp tác phát triển du lịch với nhiều tỉnh, thành phố có thế mạnh về du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực như: Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên...

Tỉnh tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu những sản phẩm du lịch của địa phương đến các thị trường du lịch quốc tế...

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh khi tham dự Diễn đàn Chính sách địa phương với chuyên đề "Phát triển du lịch xanh và bền vững" tổ chức tại Khánh Hòa đã bày tỏ: Trong xu thế phát triển chung hiện nay và tương lai thế giới, Việt Nam đã định hướng phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định những nội dung cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cùng với đó, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc...

“Hy vọng Khánh Hòa trở thành điểm đến du lịch xanh tiêu biểu được yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Khánh Hòa đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, tăng cường thu hút khách du lịch trong và ngoài nước,” Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ.

Theo Tiên Minh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm