Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch làng quê cây trái miền Nam ở Nghĩa Hành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), nông dân đã trồng những vườn cây ăn trái có xuất xứ từ miền Nam và dần phát triển, hình thành những khu du lịch nông thôn góp phần cải thiện đời sống.
Cây mít tố nữ có cả trăm quả của ông Nguyễn Diên Thọ

Cây mít tố nữ có cả trăm quả của ông Nguyễn Diên Thọ

Làng quê cây trái

Ông Nguyễn Diên Thọ ở thôn Bình Thành, xã Hành Nhân (H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) có khoảng 3.000 m² đất vườn. Trước đây, mảnh đất này là vườn cây tạp, thu nhập hằng năm rất thấp. Đến khoảng năm 2010, hưởng ứng lời kêu gọi của huyện, xã, bà con nông dân ở đây đầu tư trồng cây ăn trái nhập giống từ miền Nam. Ông Thọ cũng bắt tay vào trồng cây bưởi da xanh của miệt vườn miền Tây Nam bộ, xen với một số cây bản địa như: mít, cây vả và cả cây chè xanh, cây cau…

Năm 2013, ông Thọ tiếp tục trồng thêm các giống trái cây này. Đã hơn 10 năm trồng cây, lợi ích đã nhìn rõ. Hôm chúng tôi cùng cán bộ Phòng NN-PTNT H.Nghĩa Hành về tham quan vườn cây ăn trái nhà ông Thọ, nơi này vừa là vườn cây ăn trái của hộ gia đình vừa là địa điểm để các đoàn khách tham quan đến với du lịch nông thôn của Bình Thành ghé tới, khu vườn xanh mát hiện có hàng chục cây bưởi da xanh đã cho quả to như trái bóng của trẻ con. Thấp thoáng trong màu xanh mượt của vườn cây trái, còn có cả những cây mít tố nữ, mít thái, vả…

Ông Thọ cho biết, hằng năm thu nhập từ vườn cây ăn trái nhà ông là khoảng 80 triệu đồng và trong những năm tới, vườn cây cho trái ổn định, khách tham quan đến nhiều thì thu nhập chắc chắn sẽ tăng cao hơn.

Chúng tôi vào thăm vườn cây sầu riêng 1,2 ha trồng được 7 năm của ông Võ Duy Chánh. Vườn cây xanh tốt, trái sầu riêng đã ra quả mùa thứ hai, trái to nhất đã được chừng 1 kg. Ông Chánh cho biết, năm ngoái ra bói, do chưa có kinh nghiệm nên quả rụng nhiều. Năm nay, ông rút kinh nghiệm chăm sóc phù hợp với thời tiết nắng nóng, nên dù bị mưa bất thường vừa qua ảnh hưởng, quả rụng chỉ 20 - 30%. Ông Chánh mong 117/140 gốc sầu riêng của mình, chỉ cần mỗi cây cho 10 quả (2,5 - 3 kg/quả) là "có ăn" rồi, mà nay đã có khoảng 20 trái/cây, trong đó nhiều cây có khoảng 30 trái là điều hơn cả mong đợi.

Ông Phan Công Huân và ông Võ Duy Chánh (bên phải) bên cây sầu riêng sai quả

Ông Phan Công Huân và ông Võ Duy Chánh (bên phải) bên cây sầu riêng sai quả

Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp du lịch

Đi cùng ông Phan Công Huân, cán bộ Phòng NN và PTNT H.Nghĩa Hành, dưới tán những vườn cây ăn trái ở thôn Bình Thành, được biết ở đây đang xây dựng làng du lịch nông thôn theo mô hình tham quan vườn cây ăn trái kết hợp với trải nghiệm các làng nghề truyền thống, sản phẩm địa phương từ năm 2018 và chính thức thành lập HTX Dịch vụ và du lịch cộng đồng Bình Thành để điều hành hoạt động du lịch ở đây, bước đầu đã thu hút du khách tại địa phương tham quan, trải nghiệm. Ở cổng mỗi nhà dân đều có biển đề chữ vườn cây ăn trái, trải nghiệm để du khách đến tham quan.

Ông Huân cho biết, dù vẫn còn nhiều điều phải làm, đầu tư thêm để ra dáng làng du lịch nông nghiệp, nhưng những vườn cây của các gia đình đã tạo tiền đề phát triển du lịch xứ này. Ở đây, ngoài bưởi da xanh, các hộ nông dân còn trồng chôm chôm, chuối ngự, mít và đặc biệt là cây sầu riêng. Nhiều hộ còn xen canh các loại cây khác như cau, chanh,… giúp đa dạng chủng loại và tăng thu nhập trên cùng diện tích.

Theo UBND H.Nghĩa Hành, qua nhiều năm vận động, đến nay huyện đã có được hơn 804 ha cây ăn quả, gồm: Bưởi da xanh 238,5 ha; Chôm chôm tróc Java 40,51 ha; Sầu riêng 121,72 ha; Dừa 36,73 ha; Mít Thái 166,27 ha; Chuối 163,89 ha... Trong 2 năm 2021 - 2022, từ nguồn ngân sách, đã phát triển hơn 121 ha cây ăn quả. Theo đánh giá, diện tích thích nghi phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả của H.Nghĩa Hành là hơn 2.287 ha.

Hướng đến tập trung một số vùng kết hợp trồng cây ăn trái với du lịch nông nghiệp, H.Nghĩa Hành sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển mô hình doanh nghiệp du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững theo chủ trương của tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời sẽ kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để tăng hiệu quả kinh tế.

Có thể bạn quan tâm