Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch "miệt vườn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngoài xây dựng những sản phẩm gạo, cà phê, nông dân xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà, Kon Tum) còn được nhiều người biết đến là nơi có những vườn cây ăn quả xanh mướt, sai trĩu quả mỗi khi đến mùa, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách tham quan.

Khát vọng làm du lịch “miệt vườn”

Dưới tiết trời oi bức, tôi như được xoa dịu khi đặt chân đến vườn cây ăn trái tại Farm H&T ở làng Kon Brông, xã Ngọc Wang. Thấy có khách đến, chị Tô Thị Tịnh (51 tuổi) - chủ Farm H&T niềm nở mời khách vào vườn.

Chia sẻ về câu chuyện làm du lịch vườn, chị Tịnh cười hiền: Đó là một hành trình dài, nếu không có đam mê, khao khát thì rất khó làm được.

Năm 2005, chị Tịnh cùng chồng mình là anh Nguyễn Hạnh (55 tuổi) đến Ngọc Wang với mong muốn tìm được mảnh đất có địa thế đẹp để có thể xây dựng mô hình tổng hợp. Đến thôn Kon Brông, gặp mảnh ưng ý (đất không dốc, có con suối chảy dưới chân đồi, phù hợp để nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây công nghiệp), vợ chồng anh Hạnh quyết định gắn bó lâu dài để lập nghiệp.

“Khi ấy vợ chồng tôi đã có ý tưởng xây dựng mô hình du lịch vườn sinh thái trên mảnh đất này, nhưng vì kinh tế hạn hẹp và còn nhiều vấn đề khác nên cứ mãi ấp ủ” - chị Tịnh tâm sự.

Năm 2013, việc nuôi trồng thủy sản của gia đình gặp khó khăn khi vùng đất bị nhiễm mặn, vợ chồng chị Tịnh đành dừng lại việc nuôi thủy sản. Lúc này, vợ chồng chị bắt tay thực hiện ý tưởng làm du lịch vườn đã cất giấu bấy lâu, dùng số vốn tiết kiệm từ trước đầu tư trồng cây ăn trái.

Farm H&T đã đầu tư 5 nhà chòi cho du khách nghỉ ngơi. Ảnh: V.T

Farm H&T đã đầu tư 5 nhà chòi cho du khách nghỉ ngơi. Ảnh: V.T

“Vì chưa có nhiều vốn nên chúng tôi phải đầu tư từng bước, đầu tiên là trồng các loại cây ăn quả để tạo nên hình hài của khu vườn, tiếp đến là xây dựng các hạng mục công trình khác” - chị Tịnh chia sẻ.

Mãi đến tháng 2/2021, ý tưởng của vợ chồng chị Tịnh mới cơ bản hoàn thiện bởi khi ấy vườn cây ăn quả đã cho thu hoạch đều đặn. Vì muốn quanh năm vườn đều có quả ngọt phục vụ du khách, vợ chồng chị Tịnh trồng nhiều loại cây như sầu riêng, xoài, vú sữa, dâu da, thanh long, quýt, mít, bơ.

Đưa chúng tôi đi tham quan vườn, chị Tịnh tự hào khoe: Diện tích vườn rộng khoảng 2ha, trong đó có 1,2ha trồng 140 cây sầu riêng cho thu hoạch từ 15-20 tấn/năm, 24 cây dâu da khai thác trên 10 năm sản lượng 6 tấn/năm; các loại trái cây khác hơn 500 cây với diện tích 0,5ha. Điểm nhấn của khu vườn là có suối đá chảy qua với chiều dài 300m cùng nhiều cảnh quan đẹp. Hiện tại, vợ chồng tôi đã đầu tư xây dựng 5 nhà chòi, nhà để xe, công trình phụ và các tiểu cảnh để phục vụ cho du khách tham quan.

“Từ khi đi vào hoạt động, trung bình mỗi năm có khoảng 4.000 lượt khách ghé thăm vườn. Mỗi lượt khách vào tham quan, chúng tôi thu phí phục vụ là 40.000 đồng (du khách được chụp hình, trải nghiệm không gian yên bình, ăn trái cây miễn phí tại vườn). Nếu khách có nhu cầu mua về, chúng tôi cũng sẽ bán theo giá thị trường” - chị Tịnh cho hay.

Điểm đến thu hút du khách

Không riêng vợ chồng chị Tịnh, một số hộ trồng cây ăn trái khác trên địa bàn xã Ngọc Wang cũng bắt đầu chuyển hướng làm du lịch trải nghiệm vườn và đang là điểm đến thu hút du khách.

Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của chị Đinh Thị Thúy Mai (thôn Kon Stiu), chúng tôi ngỡ ngàng trước quy mô của vườn cây. Gặp chúng tôi, chị Mai phấn khởi nói: Từ bữa giờ có rất nhiều đoàn khách đến thăm vườn cây. Đặt chân đến vườn, du khách rất thích thú vì được tận mắt thấy, được ăn thử và tự tay chọn các loại quả mà họ thích.

Tham quan vườn cây ăn trái của chị Đinh Thị Thúy Mai. Ảnh: V.T

Tham quan vườn cây ăn trái của chị Đinh Thị Thúy Mai. Ảnh: V.T

Chị Mai cho biết, khu vườn của chị rộng gần 7ha. Ngoài trồng các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, chị đã trồng thêm 1.000 cây quýt, 800 cây cam canh, 50 cây vú sữa hoàng kim, 20 cây bưởi da xanh và 300 cây nhãn. Để quả đạt chất lượng, chị đầu tư trồng theo phương thức hữu cơ, đảm bảo an toàn. Quá trình trồng và chăm sóc, chị tuyệt đối không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại mà chỉ dùng phân cá, phân chuồng, các loại thuốc sinh học để diệt côn trùng có hại.

Khi vườn cây ăn quả đến tuổi thu hoạch, chị Mai vẫn lựa chọn cách bán hàng truyền thống là mang ra chợ bán. Sau này, khi số lượng quả ngày càng nhiều, chị bắt đầu bán hàng trên các trang mạng xã hội, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương quảng bá sản phẩm, hình ảnh vườn cây của mình đến nhiều người.

Nhiều thương lái, du khách tỏ vẻ thích thú khi thấy hình ảnh vườn cây sai trĩu quả nên đã tìm đến tham quan, mua hái. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân trong và ngoài xã đã tìm đến tận vườn. Họ thích thú khi đi dạo dưới bóng cây, tự tay hái những loại quả yêu thích.

“Tôi thấy đây cũng là một phương pháp bán hàng rất hiệu quả, chiếm trọn niềm tin của khách hàng bởi các sản phẩm trái cây đều do khách tự tay chọn hái. Thời gian tới, tôi tiếp tục chỉnh trang khu vườn, thường xuyên phát dọn, chăm sóc tốt để du khách đến tham quan, chọn mua trái cây khi đến mùa” - chị Mai cho hay.

Vườn cây ăn trái của ông Nguyễn Luân sai trĩu quả. Ảnh: V.T

Vườn cây ăn trái của ông Nguyễn Luân sai trĩu quả. Ảnh: V.T

Tương tự, ông Nguyễn Luân (thôn 7, xã Ngọc Wang) cũng đầu tư trồng 2ha cây ăn trái, gồm sầu riêng, cam, quýt. Ngoài việc mang ra chợ bán, ông Luân còn giới thiệu để nhiều người biết đến khu vườn của mình để họ đến trực tiếp tham quan, mua hái tại vườn.

Ông Luân cho biết: Tôi thường xuyên dọn dẹp khu vườn, làm đường để thương lái, khách du lịch thuận tiện đi tham quan. Đến khu vườn, đa số mọi người đều rất thích thú. Họ chụp ảnh, ăn thử, thấy ưng ý là mua ngay tại vườn. Hiện tại, tôi không lo về đầu ra sản phẩm, vì có nhiều cách bán hàng. Trung bình mỗi năm, trừ mọi chi phí, vườn cây ăn trái của gia đình cho thu nhập hơn 500 triệu đồng.

Ông Ngô Tấn Khoa - Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng 204ha cây ăn quả/187 hộ trồng. Nhiều hộ có diện tích lớn đã lựa chọn xây dựng theo hướng phát triển du lịch vườn gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, xã xây dựng phương án đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp thôn Kon Brông giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại thôn, trong đó chú trọng: Đường giao thông nông thôn, hệ thống thoát nước, nước thải sinh hoạt, hệ thống nước sinh hoạt, hệ thống chiếu sáng công cộng, đảm bảo vệ sinh công cộng, các công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động du lịch; tạo cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giới thiệu du lịch thôn Kon Brông để thu hút khách du lịch, kết nối hình thành tour du lịch, là một trong những điểm đến của huyện Đăk Hà; đăng ký xây dựng sản phẩm trái cây Ngọc Wang đạt chuẩn OCOP; thường xuyên triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du lịch.

Có thể bạn quan tâm