Du khách Việt có xu hướng chọn xê dịch ven đô về với các homestay gần gũi thiên nhiên cho kỳ nghỉ 30/4 sắp tới. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+) |
Với kỳ nghỉ ngắn ngày dịp lễ 30/4 tới, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho biết du khách Việt chủ yếu chọn tour đường bộ, những điểm đến ven đô để “né” việc phải sử dụng máy bay nội địa sau “hiệu ứng” tăng giá trần vừa qua. Riêng dòng khách xuất ngoại, đa số chọn các nước Đông Bắc Á đường bay bay gần, có giá phải chăng.
Xu hướng combo du lịch lên ngôi
Là một trong những “anh cả” của lữ hành Việt, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist, bà Đoàn Thị Thanh Trà cho biết dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, đơn vị này đã bán đến 85% công suất, tương đương hơn 100.000 du khách đã chốt, số còn lại chủ yếu sẽ bổ sung vào tour đường bộ.
Bà Thanh Trà đánh giá những tour đường bộ đang có sức tăng và rất nóng. Số liệu của Saigontourist cũng cho thấy hiện chưa thấy có sự hoán đổi nhiều giữa tour nội địa và nước ngoài, nhưng đến dịp Hè sẽ có sự thay đổi.
“30/4 năm nay chúng tôi tập trung khai thác các sản phẩm combo. Bởi từ năm 2024, 30% sản phẩm du lịch trọn gói của Saigontourist có xu hướng được thay thế bằng các sản phẩm combo. Đây là những sản phẩm linh hoạt, phù hợp nhu cầu mới của du khách và thị trường hiện nay,” đại diện Saigontourist nói.
Theo bà Trà, du khách giờ chuyển hướng chọn hình thức combo thay tour truyền thống vì rất nhiều gia đình có xe riêng, dễ dàng trải nghiệm những cung đường cao tốc thuận tiện ở cả miền Bắc và miền Nam. Họ có thể sử dụng dịch vụ combo để tạo sản phẩm du lịch cho cá nhân, gia đình.
Ninh Bình là điểm đến gần Hà Nội được nhiều du khách lựa chọn. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Cũng nắm bắt được nhu cầu mới của thị trường, sau khi cơ cấu lại sản phẩm hậu đại dịch, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho hay công ty hiện chủ yếu bán hai loại dịch vụ là tour trọn gói và combo (gồm vé bay và phòng) khi mà mùa nghỉ lễ 30/4 năm nay các nhóm gia đình có xu hướng thuê nguyên homestay gần nhà.
"Homestay khu vực ngoại ô Hà Nội, Ninh Bình hay Nam Định được đánh giá ổn định (khoảng 500.000 đồng/người/đêm). Dịp 30/4 mức giá này có thể tăng khoảng 20% nhưng vẫn được nhận định 'quá rẻ' khi di chuyển đường bộ vốn đã ít tốn kém, ông Đạt nói.
Khu vực miền Bắc ghi nhận lượng khách đặt phòng tăng cao ở Cát Bà, Vân Đồn, Quảng Ninh, Sầm Sơn, Sa Pa. Trong khi đó, tại miền Nam, Mũi Né và Vũng Tàu là những điểm đến nhận được nhiều quan tâm.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, các cơ sở lưu trú ở ven đô Hà Nội nhiều khả năng “cháy” dịp 30/4 nhưng Nha Trang hay Vũng Tàu sẽ xông xênh hơn. Bởi Nha Trang phát triển du lịch từ lâu nên có hạ tầng tốt với nhiều khách sạn. Hơn nữa, khách Trung Quốc chưa trở lại như trước dịch nên lượng phòng vẫn còn nhiều.
Đại diện các đơn vị lữ hành nhận định kỳ nghỉ 30/4 chỉ là “bước đệm” cho kỳ nghỉ Hè dài ngày, vì thế khách thường sẽ chọn nghỉ ngắn cuối tuần để cắt giảm chi phí hoặc xuất ngoại đường gần. Năm nay, tour ngoại khởi hành đúng dịp 30/4 có mức tăng giá khoảng 10-20% so với ngày thường.
Đại diện các đơn vị lữ hành cho rằng kỳ nghỉ 30/4 chỉ là “bước đệm” cho kỳ nghỉ Hè dài ngày. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Tour Đông Bắc Á đang sôi động dịp này nhờ đang mùa hoa anh đào tại Hàn Quốc, Nhật Bản; tour đi Đài Loan cũng được nhiều người đặt vì giá hợp lý, chỉ khoảng 11 triệu đồng cho hành trình 5 ngày 4 đêm và đi trước dịp 30/4. Bên cạnh đó, tour đường bộ Cao Bằng (Việt Nam) - Tĩnh Tây (Trung Quốc) được một số đơn vị lữ hành đẩy mạnh với giá khoảng 2,6 triệu đồng (2 ngày 1 đêm) hoặc 3 triệu đồng (3 ngày 2 đêm).
Tăng giá dịp nghỉ lễ: “Chuyện thường tình” xứ ta
Về việc tăng trần giá vé máy bay nội địa áp dụng từ ngày 1/3, đại diện Saigontourist cho biết với đơn vị này và những công ty lữ hành lớn, thông thường để chuẩn bị cho kỳ nghỉ 30/4 họ đã phải lên kế hoạch, chương trình từ cuối tháng 12 của năm trước. Do đó, những khách đi tour dịp 30/4 sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi mức giá đã được ấn định và công bố từ trước.
“Tăng trần giá máy bay nội địa sẽ ảnh hưởng tới những du khách tự do. Tức là nếu thời điểm này mọi người mới đặt vé thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Về lâu dài, nếu mức giá trần không được điều chỉnh thì sẽ ảnh hưởng chung đến ngành du lịch. Còn đối với Saigontourist, từ kỳ nghỉ 30/4 cho tới tháng Bảy, tức là tới nửa mùa Hè thì khách mua tour du lịch trọn gói hầu như không ảnh hưởng gì. Bởi chúng tôi đã ký quỹ trước, nên vẫn giữ được mức giá bình ổn,” bà Trà nói.
Thực tế, “vấn nạn” tăng giá vô tội vạ, chặt chém, dịch vụ đắt đỏ vào mỗi dịp nghỉ lễ là “chuyện hết sức thường tình” ở xứ ta như cách nói vui của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình.
Đây là vấn đề nóng của ngành du lịch Việt bao năm qua nhưng lại là thực tế “đến hẹn lại tăng.” Ông Bình cho biết: “Một số nước họ có quy định rõ ràng trong luật, cho phép được tăng giá dịp lễ, Tết không quá 20%. Nhưng nếu đơn vị cung cấp dịch vụ không đảm bảo đúng chất lượng theo quy định sẽ bị xử phạt. Trong khi đó, ở Việt Nam tăng giá rất tự do, ai thích làm gì thì làm, có khi sáng công bố một giá, đến chiều đã lại khác và trở thành ‘chuyện thường tình’. Điều này thực sự nguy hiểm vì nó ảnh hưởng tới hoạt động du lịch của ta khiến cả ngành du lịch bị mang tiếng chặt chém.”
Du khách trải nghiệm homestay đậm văn hóa Bắc bộ ở Đường Lâm. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Vậy trước thực tế này, cơ quan nào có vai trò quản lý? “Không phải cơ quan quản lý nhà nước mà chính là chính quyền địa phương. Đi đến đâu chúng tôi cũng luôn khẳng định vai trò của địa phương vô cùng quan trọng. Hình ảnh du lịch của địa phương là do chính lãnh đạo địa phương quyết định. Họ cần phải gương mẫu và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ phải làm đúng cam kết,” ông Bình nói.
Theo ông Bình, để ngăn chặn thực trạng tăng giá và chặt chém mỗi dịp nghỉ lễ, Tết là rất khó. “Theo tôi, việc tăng giá dịch vụ cần phải được công khai giống như các nước để du khách có thể lên kế hoạch và nắm được đi vào giai đoạn nào sẽ phải chịu mức phí tăng bao nhiêu. Có như vậy hoạt động du lịch mới lành mạnh, minh bạch,” ông Bình nhấn mạnh.