TN - Đất & Người

Du lịch nông nghiệp Đắk Lắk: "Mảnh đất" màu mỡ bị bỏ lửng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đắk Lắk hiện là địa phương có diện tích canh tác nông nghiệp lớn nhất nhì cả nước. Nơi đây cũng có một “mảnh đất” vô cùng mỡ màu và rộng lớn khác mang tên du lịch nông nghiệp. Nhưng bao năm qua, người dân Đắk Lắk vẫn không mấy mặn mà “canh tác” trên “mảnh đất” giàu tiềm năng này.
Muốn phát triển nhưng vướng rào cản
Đất đỏ bazan đặc trưng, khí hậu ôn hoà và người dân thì giàu kinh nghiệm làm ra những loại nông sản thượng hạng… Đó là những lợi thế để Đắk Lắk phát triển du lịch nông nghiệp mà ít địa phương nào có được.
Theo thống kê của Sở VHTTDL Đắk Lắk, xu hướng du lịch nông nghiệp đang dần phát triển mạnh ở địa phương. Hiện cả tỉnh có khoảng 10 farmstay (nông trại kết hợp nghỉ dưỡng) đang hoạt động. 

Du lịch nông nghiệp Đắk Lắk có nhiều tiềm năng nhưng chưa được đầu tư xứng tầm.
Du lịch nông nghiệp Đắk Lắk có nhiều tiềm năng nhưng chưa được đầu tư xứng tầm.
Tuy nhiên, các farmstay nói riêng và ngành du lịch nông nghiệp Đắk Lắk nói chung chưa được đầu tư bài bản, đúng mức. Các farmstay được đầu tư sơ sài, tiện nghi chưa cao, trải nghiệm dừng ở mức tham quan, chưa sâu…
Nhìn chung, nguồn doanh thu từ du lịch nông nghiệp của địa phương ngắn và ít, một phần do ít dịch vụ, một phần do các dịch vụ cung cấp chưa khai thác hết tiềm năng.
Bà Nguyễn Thuỵ Phương Hiếu – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Địa phương dù rất muốn kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng nhưng vướng mắc lớn nhất là Luật lâm nghiệp.
Ví dụ, khi các nhà đầu tư muốn đầu tư về sinh thái dưới tán rừng thì buộc chủ rừng đó phải có phương án rừng bền vững. Việc này nhà đầu tư không thể làm mà chủ rừng phải làm.  Mà kinh phí để làm thì rất lớn và các chủ rừng gần như không thể đáp ứng nên cuối cùng việc đầu tư cũng không đi đến kết quả.”
Còn ông Nguyễn Văn Hải - chủ một nông trại cà phê ở thị trấn Krông Năng thì chia sẻ: “Làm du lịch không đơn giản như trồng trọt mà đó là câu chuyện kinh doanh, thủ tục giấy tờ cũng phức tạp nên nông dân vốn quen với công việc tay chân ruộng vườn như chúng tôi, mặc dù cũng thích có thêm nguồn thu từ cái này cái kia nhưng vẫn không dám làm, không muốn làm là vì thế.”
Phương pháp “cày sâu, cuốc bẫm”
Thế giới hậu COVID-19 khiến người ta có xu hướng sống chậm lại, việc này thể hiện trong cả cách mọi người đi du lịch. Nhu cầu tìm về những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, tìm hiểu sâu cuộc sống, văn hoá... ở vùng đất họ đến khám phá cũng.  tăng lên rõ rệt. 
Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam), việc Đắk Lắk cần làm để phát triển du lịch nông nghiệp là phải có một tiêu chuẩn, hướng dẫn quy định chất lượng cụ thể đi kèm những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các cơ sở du lịch nông nghiệp. 
“Du lịch nông nghiệp là mô hình đa dạng nguồn thu: nguồn thu từ nông nghiệp, từ trải nghiệm và khi phát triển tốt hơn thì còn có nguồn thu từ lưu trú. 
Phải gây dựng những cộng đồng cùng nhau hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, làm sao các nhà đầu tư nhìn tới đều thấy rằng tỉnh này làm du lịch nông nghiệp được, du lịch cộng đồng được và du lịch nghỉ dưỡng cũng được... Có nghĩa là cần một quy hoạch rộng khắp, toàn diện.” - ông Tùng chia sẻ.
Các mô hình nông nghiệp ở Đắk Lắk hiện thu hút một lượng lớn người dân và du khách ghé thăm, song vẫn còn nặng về hình thức tham quan nên nguồn thu chưa đa dạng và hiệu quả. 
Để khắc phục điều này, nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp đang triển khai nhiều loại hình dịch vụ, trải nghiệm mới nhằm khai thác sâu hơn tiềm năng du lịch trong nông nghiệp Đắk Lắk.

Nhóm du khách trải nghiệm làm nông nghiệp với người dân địa phương.
Nhóm du khách trải nghiệm làm nông nghiệp với người dân địa phương.
Ông Đặng Văn Huy - chủ hệ thống nông trại có tên Dangfarm, canh tác theo hướng hữu cơ, rộng hàng chục hecta và lâu đời nhất nhì Đắk Lắk. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp và chế biến sâu nông sản để đa dạng nguồn thu, ông Huy còn phát triển du lịch bằng việc kết hợp với đào tạo nông nghiệp. 
Theo đó, những du khách yêu thích làm nông, muốn trải nghiệm công việc trồng vườn hay sâu xa hơn là học hỏi các kỹ thuật canh tác nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ thì sẽ đến ăn ở thời gian dài tại vườn, hàng ngày cùng chủ vườn tham gia vào các quá trình sản xuất, chế biến nông sản…
“Tôi không chạy theo số lượng đón được nhiều du khách mà tôi quan tâm rằng, khách đến vườn của tôi sẽ nhận được gì và trao lại cho tôi điều gì. 
Phải xác định đúng đối tượng khách hàng để cung cấp đúng dịch vụ thì du lịch nông nghiệp mới bền vững.” – ông Huy chia sẻ.
Cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk mới ban hành quyết định số 1053/QĐ-UBND để triển khai đề án phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với tổng vốn thực hiện là 175,7 tỉ đồng. 
Tuy thời điểm này vẫn được coi là xuất phát trễ so với tiềm năng quá lớn của ngành du lịch nông nghiệp địa phương đã và đang bị “bỏ không” bao năm qua nhưng nếu chăm chỉ "cày sâu, cuốc bẫm" thì ngày "mảnh đất" màu mỡ này cho trái ngọt, hoa thơm sẽ không còn xa.
Theo Phương Nhiên (LĐO)
https://laodong.vn/kinh-te/du-lich-nong-nghiep-dak-lak-manh-dat-mau-mo-bi-bo-lung-1056796.ldo
 

Có thể bạn quan tâm