Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch trên vùng đất cổ xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ là vùng đất của những giai nhân và anh hùng, hơn 200 năm sau, An Khê vẫn không thôi làm cho hậu thế khao khát tìm kiếm những gì còn lại của một vương triều. Kết quả khảo cổ gần đây ở An Khê  (Gia Lai) cũng đã làm “chao đảo” giới khảo cổ học Việt Nam và thế giới bởi những phát hiện chấn động bên thềm sông Ba cổ.



Giá trị đặc biệt của di tích sơ kỳ đá cũ rộc tưng-gò đá

Những công bố về kết quả khảo cổ tại thị xã An Khê trong 5 năm (2014-2019) đã làm thay đổi bản đồ lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam, lịch sử thế giới giai đoạn tối cổ của nhân loại. Nó không chỉ là bằng chứng quan trọng ghi nhận thời điểm mở đầu của lịch sử Việt Nam từ 80 vạn năm trước, mà còn bổ sung một nguồn tư liệu mới cho việc tìm hiểu con đường phát triển văn hóa nhân loại sớm ở Đông Nam Á. Với những giá trị đặc biệt, quần thể Di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2018. Đầu tháng 12-2019, một hội thảo khoa học về quần thể di tích này tiếp tục diễn ra tại Pleiku với sự góp mặt của các nhà khoa học, nghiên cứu khảo cổ hàng đầu Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận di tích quốc gia.

Các hố khai quật được trưng bày ngoài trời, có mái che phục vụ nghiên cứu và tham quan. Ảnh: Nguyên Bình
Các hố khai quật được trưng bày ngoài trời, có mái che phục vụ nghiên cứu và tham quan. Ảnh: Nguyên Bình



Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử-nguyên nghiên cứu viên cao cấp (Viện Khảo cổ học Việt Nam) khẳng định: “Quần thể di tích này xứng đáng được xếp hạng là di sản văn hóa thế giới bởi ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử khảo cổ học Việt Nam và quốc tế mà chúng tôi từng công bố. Tuy nhiên, chúng ta cần có lộ trình từng bước một, đó là công nhận di tích quốc gia, cao hơn là di tích quốc gia đặc biệt. Đây là yêu cầu bức thiết để bảo vệ cho được giá trị của di tích này”. Theo PGS, hệ thống di tích này cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa không chỉ trong giới nghiên cứu mà cả người dân trong nước và quốc tế thông qua con đường du lịch. Các con đường xương cá dẫn đến quần thể di tích hãy bảo tồn nguyên vẹn đường đất, tiếp đó quy hoạch cây trồng để làm “sống dậy” giá trị không gian cổ sinh xung quanh. Du khách đạp lên sỏi đá tìm đến di tích, nghe kể lại những câu chuyện xa xưa về lịch sử loài người sẽ như được ngược về quá khứ, sống lại sơ kỳ đá cũ với những hoạt động săn bắt, hái lượm bằng những dụng cụ thô sơ, nguyên thủy nhất. Đó sẽ là hướng đi mới mẻ, giàu cảm xúc cho du lịch An Khê.

Nói về hướng đi này, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy An Khê-tự hào chia sẻ: “Từ năm 2017, GS. Phan Huy Lê đã nhiều lần nêu lên những giá trị nổi bật của vùng đất An Khê. Đây là vùng đất rất đặc biệt, sở hữu những giá trị văn hóa, lịch sử, khảo cổ độc đáo. Với mong muốn lan tỏa hào khí của nhà Tây Sơn, cùng với những giá trị đặc đặc biệt của Di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá, chúng tôi sẽ cố gắng để phát huy các giá trị này, trong đó có con đường du lịch. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế của thị xã, chúng tôi luôn chú trọng phát triển thương mại-dịch vụ du lịch trên nền tảng giá trị văn hóa-lịch sử để vừa bảo vệ, vừa phát huy giá trị di tích”.

 Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn chuyên gia, nhà khoa học kiểm tra hố khai quật Rộc Tưng 4 (xã Xuân An, thị xã An Khê). Ảnh: A.P
Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn chuyên gia, nhà khoa học kiểm tra hố khai quật Rộc Tưng 4 (xã Xuân An, thị xã An Khê). Ảnh: A.P



Cùng với Di tích quốc gia Tây Sơn Thượng đạo, việc xếp hạng di tích quốc gia đối với quần thể di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu tỉnh Gia Lai được công nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu thì quần thể di tích này sẽ là vùng lõi của công viên. Theo GS-TS. Đặng Văn Bài-nguyên Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch): “Nếu địa phương hướng đến khai thác du lịch, ngay từ bây giờ cần có phương án quản lý, bảo vệ. Bởi diện tích quy hoạch khu di tích trên vùng rộng lớn 45 ha sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tư liệu sản xuất của người dân. Trong tương lai, Công viên Địa chất toàn cầu sẽ bao chứa cả di chỉ khảo cổ học này, tương tự như danh thắng Mã Pì Lèng nằm trong vùng lõi của Công viên Địa chất toàn cầu tỉnh Hà Giang. Chuyện xâm hại danh thắng Mã Pì Lèng là một bài học cho công tác quản lý di sản mà chúng ta cần tránh và có quy hoạch ngay từ đầu. Tôi tin rằng, quần thể di tích khảo cổ sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá đủ tầm để trở thành di tích quốc gia đặc biệt trước khi chúng ta tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Vậy nên quần thể này càng phải được bảo vệ ở mức độ cao nhất”.

Hướng đến khảo cổ cộng đồng

Để bảo vệ và phát huy các giá trị di tích khảo cổ này, sự nỗ lực của chính quyền thị xã An Khê đã được các nhà khoa học đánh giá cao. Với mục tiêu bảo tồn di tích còn nguyên vẹn ở tầng văn hóa trong lòng đất, chính quyền thị xã đã làm mái che ở những điểm khai quật, những hố thám sát mang tính đại diện chung. Đây là khu vực được bảo vệ đặc biệt để tránh bị con người và các công trình hạ tầng kiến trúc xây dựng tác động, phá vỡ. Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định: An Khê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung rất tự hào khi có một di tích khảo cổ đã được đưa vào tập đầu tiên của Bộ Quốc sử Việt Nam ở chương mở đầu lịch sử xuất hiện của loài người. “Chúng tôi đã bàn bạc, thống nhất với các nhà khoa học để có kế hoạch bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa khảo cổ này ở mức cao nhất”-bà Lịch cho biết.

Địa tầng văn hóa cùng các hiện vật quý giá tại Di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá được giới khảo cổ học quan tâm. Ảnh: A.P
Địa tầng văn hóa cùng các hiện vật quý giá tại Di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá được giới khảo cổ học quan tâm. Ảnh: A.P

“Một di tích khảo cổ học hiếm có của Việt Nam, được bảo tồn tại chỗ gần như nguyên vẹn”-GS.TS Đặng Văn Bài đánh giá về Di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng-Gò Đá tại hội thảo khoa học về di tích diễn ra đầu tháng 12-2019.



Để giải quyết bài toán giữa bảo vệ nghiêm ngặt di tích cũng như sinh kế của người dân, Bí thư Thị ủy An Khê chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn xây dựng được công viên văn hóa khảo cổ, có các điểm từ trưng bày trong bảo tàng ra đến ngoài hiện trường. Bên cạnh nghiên cứu khoa học sẽ là nghiên cứu khảo cổ cộng đồng. Vì sao có những di tích được công nhận vẫn không được bảo vệ, bị con người tác động tiêu cực? Đó là do người dân chưa chưa hiểu hết giá trị của nó nên chưa biết trân quý. Hơn nữa, vì sinh kế nên họ buộc phải xâm hại di tích. Chúng tôi nhận thức được điều đó nên đặt mục tiêu hàng đầu là làm sao để di tích “sống” được trong dân. Triển khai khảo cổ cộng đồng là hướng đi để nhân dân xung quanh hiểu được giá trị của di tích. Khi đã hiểu và quý trọng giá trị mà mình sở hữu, họ sẽ cùng với chính quyền chung tay bảo vệ. Đồng thời, chính những giá trị này giúp  người dân sinh kế hàng ngày, qua đó di tích sẽ được bảo vệ ở mức tối đa”.

Để đạt mục tiêu trên, định hướng của chính quyền thị xã là phát triển nông nghiệp công nghệ cao có sự tham gia của người dân, đồng thời không cấp phép cho các công trình kiến trúc xây dựng trên khu vực quy hoạch di tích. “Về lâu dài, UBND thị xã sẽ nghiên cứu chuyển đổi cây trồng cho các hộ canh tác trên bề mặt di tích, sao cho có lợi cho nông dân nhưng vẫn bảo vệ tính nguyên vẹn của quần thể này. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu toàn diện quần thể di tích này cũng như về văn hóa, lịch sử và địa chất vùng đất An Khê. Cùng với Di tích Tây Sơn Thượng đạo, chúng tôi cũng sẽ đưa các giá trị văn hóa khảo cổ học vào chương trình giáo dục lịch sử địa phương, các khóa học ngoại khóa cho học sinh. Bên cạnh đó, thị xã sẽ tổ chức tuần lễ về văn hóa khảo cổ, bố trí nhân lực cũng như mời các chuyên gia nói chuyện về khảo cổ khi người dân đến tham quan để họ hiểu được giá trị quần thể này”-bà Lịch cho biết thêm.

 

 NGUYÊN BÌNH - AN PHÁT

Có thể bạn quan tâm