Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch từ góc nhìn của người mê khám phá - Kỳ 2: Du lịch... hưu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong chuyến đi “xuyên vùng” của nhóm nhà báo hưu trí của Báo Gia Lai mới đây, kết quả mà người viết bài này có được đã thêm một lần khẳng định tiềm năng của loại hình “du lịch hưu trí” là rất lớn, rất đáng để các nhà làm kinh tế ngành “công nghiệp không khói” quan tâm.

Tuy tất cả nhóm chúng tôi đều là những người đã từng làm báo, nhưng không phải vì thế mà đã thấu hiểu, thấu biết những vùng đất, những con người và lịch sử, văn hóa... trong khu vực mà mình đã sống và làm việc một thời-Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Các nhà báo hưu trí của Báo Gia Lai tham quan hồ Tà Đùng (tỉnh Đak Nông). Ảnh: Thanh Phong

Các nhà báo hưu trí của Báo Gia Lai tham quan hồ Tà Đùng (tỉnh Đak Nông). Ảnh: Thanh Phong

Ký ức về một vùng đất

Trong chuyến rong ruổi này, thời gian lưu lại ở TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) tuy không lâu, nhưng tôi tự tách nhóm, một mình tha thẩn quanh mấy khu phố, mong tìm lại ký ức năm xưa và những điều nghe thấy trong những ngày đầu tháng 3-1975. Hồi đó, theo chân các bạn học quê Tuy Hòa ở Trường Cơ yếu Khu 5, lần đầu sau ngày giải phóng miền Nam, tôi đến Phú Yên.

Khi đó, Tuy Hòa còn bộn bề dấu tích của chiến tranh, nơi tan rã của một quân đoàn ngụy từ Pleiku tháo chạy thoát thân theo tỉnh lộ 7 về đây, với đội quân thất trận sau chiến bại ngày 10-3-1975 ở Buôn Ma Thuột, rất là hỗn loạn, ô hợp. Tuy Hòa như náo loạn trong tình trạng vô chính phủ, cướp giật, hãm hiếp, bắn phá vô tội vạ cho đến khi Quân Giải phóng làm chủ hoàn toàn vào ngày 1-4-1975.

Cảnh xưa, người cũ đã không còn, nhưng ký ức của hàng chục năm về trước của vùng đất này trong tôi chẳng chút phai mờ. Mà thôi, “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Giờ đây, Tuy Hòa đã trở thành một đô thị phát triển không kém “anh chị” trong vùng Nam Trung Bộ này.

Phú Yên vốn có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong kháng chiến chống Mỹ, cả nước biết đến Phú Yên với phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh, nơi giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, để rồi sau đó ông trở thành người đứng đầu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Phú Yên cũng là nơi có những chuyến tàu không số từ Hải Phòng chở vũ khí cho chiến trường miền Nam cập bến Vũng Rô.

Những ngày cuối năm 2023, mùa gió biển pha với cái lạnh nhè nhẹ chuyển mùa, tôi men theo những con đường rộng thênh thang, trải nhựa phẳng lì, sạch đẹp, những hàng cây xanh trơ cành, hỏi ra mới biết gió biển mấy ngày qua đã tuốt hết lá của chúng.

Dọc hè phố, chiều muộn, gió thổi thông thốc vùn vụt vút qua, tôi lân la hỏi chuyện vài cô gái tiếp viên nhà hàng, giọng của họ y giọng xứ nẫu quê tôi. Qua câu chuyện với các cô gái, tôi nhớ về thuở xa xưa, người bạn cùng lớp trong Trường Cơ yếu Khu 5-Phạm Thị Bình. Sau giải phóng, Bình chuyển ngành để học sư phạm, ra trường đi dạy ở một trường huyện gần Tuy Hòa, rồi mất tin nhau, nhưng giọng nói của con gái Phú Yên thì nay cũng như xưa, đặc trưng miền xứ nẫu không lai tạp vào đâu được làm tôi nhớ người xưa cảnh cũ.

Theo lối “Bạch Đằng giang trên cạn”

Chuyện về Tuy Hòa thì còn nhiều, điểm khám phá cũng nhiều, nhưng thời gian thì có hạn. Nhà báo Nguyễn Thanh Phong-thành viên của nhóm, người hiểu biết khá nhiều về nơi này-bảo rằng có 2 nơi mà chúng ta không thể không khám phá, đó là tháp Nhạn và tháp Nghinh Phong.

Tháp Nghinh Phong không chỉ được rất nhiều du khách yêu thích vì nét đẹp kiến trúc mà còn được yêu mến vì chứa đựng những giá trị văn hóa của người Việt. Công trình này được lấy ý tưởng từ truyền thuyết con Rồng cháu Tiên và mỗi đặc điểm kiến trúc trong tháp này đều phản ánh được ý nghĩa đặc biệt của truyền thuyết rất có giá trị với người Việt.

Ở bất kỳ góc nào, du khách cũng có thể có được những bức ảnh ấn tượng với Tháp Nghinh Phong (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: Phương Vi

Ở bất kỳ góc nào, du khách cũng có thể có được những bức ảnh ấn tượng với Tháp Nghinh Phong (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: Phương Vi

Đặc biệt, sự xuất hiện và tồn tại hơn 800 năm cùng với những truyền thuyết về tháp Nhạn đã phản ánh một quá trình lâu dài và gian khổ của cha ông ta xưa khi đặt chân đến vùng đất này để khai phá từ thế kỷ XVI, về sự giao thoa văn hóa, tinh thần đoàn kết giữa 2 dân tộc Việt-Chăm.

Câu chuyện cổ được truyền lại về tháp Nhạn, rằng xưa kia có nàng tiên nữ Thiên Y Ana hạ giới để chỉ dạy cho người dân nơi đây về cày cấy, dệt vải, kéo sợi xe tơ… Sau khi tiên nữ quay về trời, để thể hiện lòng nhớ thương và khắc ghi công ơn tiên nữ đã khai sáng cho dân tộc mình, người Chăm nơi đây đã xây dựng ngọn tháp ấy để làm nơi thờ phụng tiên nữ.

Những năm gần đây, tháp Nhạn được những người làm văn nghệ Phú Yên chọn làm nơi hội tụ của giới văn chương và người dân trong vùng vào dịp Ngày Thơ Việt Nam. Và, Phú Yên đang là điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch. Và với sự chân tình, hiếu khách, người xứ nẫu làm biết bao tâm hồn xao xuyến, quyến luyến chẳng muốn rời đi.

Người làm báo nghỉ hưu, thu nhập chính bằng nguồn từ bảo hiểm xã hội chi trả, nhưng dù sao cũng đủ “tiềm lực” để cùng nhau khám phá những vùng đất chứa đựng nhiều trầm tích mà khi đương chức chưa có cơ hội đến. Ấy cũng có thể coi là tiềm năng du lịch... hưu vậy!

Điều chúng tôi muốn nói nữa là, đã đến Phú Yên thì phải trở lại đường 7, một trong những con đường nối Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ-con đường được mệnh danh là “Bạch Đằng giang trên cạn”.

Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Phú Yên những ngày trung tuần tháng 3-1975, các lực lượng vũ trang của ta đã tiêu diệt 1.100 tên địch, bắt sống 2.500 tên, số còn lại tháo chạy tán loạn.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 đã phá tan thế trận phòng thủ của địch trên chiến trường Tây Nguyên, buộc Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh “rút lui chiến lược” theo đường 7 (nay là quốc lộ 25).

Địch hy vọng sẽ tạo được yếu tố bất ngờ khi sử dụng đường 7 đã bị lãng quên hàng thập niên cho cuộc “tháo chạy chiến lược”, nhưng quân dân Phú Yên và Sư đoàn 320 đã giáng cho chúng một trận tựa “Bạch Đằng giang trên cạn”, chặn đánh tan tác các đơn vị tinh nhuệ của Quân đoàn 2 ngụy, không cho chúng nó thoát, khi tháo chạy khỏi Tây Nguyên.

Đặc biệt, từ ngày 15 đến 17-3-1975, tại địa bàn huyện Krông Pa đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa các lực lượng của ta và quân tháo chạy. Đêm 17-3 đến ngày 18-3-1975, lực lượng tại Phú Túc đã chặn đánh số quân địch rút chạy qua địa bàn, nhất là ở các khu vực cầu Lệ Bắc, Cầu Đôi, Dốc Đỏ và cầu Tơ Loah... làm cho địch đã hoảng loạn càng kinh hoàng hơn.

Thị trấn Phú Túc giờ đã thay đổi nhiều, nằm trên trục đường 25 (đường 7 cũ), có điều kiện giao thương rất tốt với các huyện lân cận của Gia Lai, Phú Yên và Đak Lak, kinh tế-xã hội nói chung, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Ngày 23-4-1979, huyện Krông Pa được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Ayun Pa (nay là thị xã). Từ đó đến nay, Krông Pa đã vươn lên đạt nhiều kết quả trong xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội. Hết rồi một thời xa xưa đường về nơi đây được coi là... “Krông Pa vừa xa vừa xóc” mà nơi này được ví như là xứ sở “nhất thổ, tứ sơn, thất giang, lưỡng phú quý” vậy (nghĩa là: Một dải đất có 4 núi, 7 sông, phú quý nhân đôi).

Để khai thác, phát huy hết tiềm năng du lịch... hưu, mong rằng các tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành và ngành chức năng có chính sách ưu đãi nào đó cho người già nói chung; cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu nói riêng.

Khi họ đi tham quan, du lịch trong hệ thống của ngành dịch vụ này thì được giảm một phần chi phí của những tour trong nước. Có được một chính sách như thế thì có lẽ cũng phù hợp với Luật Người cao tuổi hiện hành.

Có thể bạn quan tâm