(GLO)- Đó là chủ đề được Tổng cục Du lịch Việt Nam lựa chọn để hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới (27-9) năm nay. Với chủ đề này, loại hình du lịch gắn với nông nghiệp sẽ được chú ý nhiều hơn. Đặc biệt, người dân thành thị ngày càng có nhu cầu về vùng nông thôn để tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, khai thác nguồn tài nguyên nông nghiệp sẽ giúp người dân nông thôn trực tiếp hưởng lợi và tạo ra các giá trị bền vững từ hoạt động du lịch.
Dựa vào tài nguyên nông nghiệp
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai-cho biết: Thực hiện chủ trương phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, Sở đã có công văn đề xuất UBND tỉnh xác định yếu tố cốt lõi phát triển du lịch nông thôn là dựa trên sự kết hợp nhiều loại hình như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông trại…
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định: “Tiềm năng văn hóa bản địa của Gia Lai như một kho tàng vô giá. Bên cạnh đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận-sẽ là điều kiện thuận lợi để Gia Lai phát triển loại hình du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng. Ngành hàng nông sản của tỉnh cũng đang có lợi thế trong xuất khẩu với các sản phẩm: cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, mía, chè; một số ngành nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm từ gỗ, mây tre… làm đồ gia dụng, đồ lưu niệm được gìn giữ và phát triển. Những điều kiện này tạo thuận lợi cho tỉnh khai thác mô hình du lịch nông thôn trên cơ sở lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, hỗ trợ khu vực nông thôn phát triển gắn kết với dịch vụ du lịch. Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai hoạt động phát triển du lịch như một trụ cột kinh tế, trong đó lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Du lịch cộng đồng hiện là một trong những sản phẩm du lịch gắn với phát triển nông thôn đặc thù của Gia Lai. Ảnh: Minh Châu |
Đặc biệt, Nghị quyết số 108/2019/NQ-HĐND ngày 10-7-2019 của HĐND tỉnh về “Quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư du lịch, hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển du lịch cộng đồng” đã trở thành “cú hích” quan trọng, hỗ trợ trực tiếp người dân mạnh dạn đầu tư loại hình lưu trú homestay nhằm tăng thêm dịch vụ trong việc xây dựng chuỗi giá trị cho du lịch nông thôn.
Hướng đi bền vững
Hiện nay, định nghĩa về du lịch nông thôn ở nước ta chưa rõ ràng, ngay cả trong Luật Du lịch năm 2017 cũng chưa nhắc tới loại hình này một cách chính thống. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉnh ta đã có một số sản phẩm du lịch gắn với nông thôn rất được yêu thích. Có thể kể đến loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, cảnh quan thiên nhiên ở các làng như: Mơ Hra, Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang); làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh)...
Ngày càng có nhiều điểm đến ở vùng nông thôn được du khách đặc biệt yêu thích như hoạt động leo núi, vào rừng ngắm thác, ngắm rừng cao su mùa đổ lá hay mùa hoa cà phê nở như tuyết trắng… tất thảy đều gắn với khung cảnh vùng nông thôn hoang sơ. Đặc biệt, tỉnh ta sở hữu 2 đồn điền chè có lịch sử hình thành hàng thế kỷ đều ở vùng nông thôn, gắn với hoạt động lao động thường ngày của người dân.
Trong một cuộc trò chuyện về tìm kiếm các sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của du khách, ông Hà Trọng Hải-Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Cao Nguyên Việt-cho rằng: Ngành du lịch hoàn toàn có thể xây dựng những tour du lịch hấp dẫn, đẳng cấp từ những đồn điền chè có lịch sử hàng thế kỷ nếu có cách làm phù hợp. Cần nâng tầm để những đồng chè trở nên hấp dẫn hơn, giá trị hơn.
Đây là những sản phẩm du lịch gắn với phát triển nông nghiệp đã được các quốc gia và vùng lãnh thổ có tài nguyên tương tự như Đài Loan, Trung Quốc khai thác rất thành công. Ở các quốc gia này, phát triển du lịch nông thôn từ lâu là một phần trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội của chính phủ.
Đồn điền chè Biển Hồ sẽ là sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù nếu được đầu tư xứng tầm. Ảnh: Minh Châu |
Theo kinh nghiệm lữ hành, ông Hà Trọng Hải cho rằng, “gu” đi du lịch của người dân đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, càng phát triển thì càng có xu hướng tìm về vùng nông thôn. Sau đại dịch Covid-19, ông càng nhận thấy rõ ràng sự chuyển dịch này. Gia Lai với lợi thế địa hình đa dạng, khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, nhất là vùng nông thôn có nhiều rừng, núi, mô hình trang trại, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù… có thể được quy hoạch, định hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp còn được cho là loại hình phát triển mang yếu tố bền vững bởi điểm tựa chính là tài nguyên thiên nhiên sẵn có và sức lao động của con người.
Ông Hải nêu dẫn chứng: Đô thị cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) là minh chứng cho sức mạnh của du lịch dựa vào nền tảng nông nghiệp. Sở hữu 2 di sản thế giới là Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An, nhưng địa phương này vẫn sớm đưa nông nghiệp vào khai thác thêm các sản phẩm du lịch và khá thành công với làng rau Trà Quế cùng các hoạt động trên đồng ruộng.
Với tài nguyên nông nghiệp đa dạng đang sở hữu, du lịch gắn với phát triển nông thôn ở Gia Lai sẽ có cơ hội mở rộng biên độ, đa dạng hơn, mang lại giá trị nhiều mặt cho công cuộc phát triển nông thôn. Song chọn đường hướng nào để khai thác hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên nông nghiệp cho phát triển du lịch lại cần cái “bắt tay” của nhiều đơn vị gộp lại.
Ông Trần Ngọc Nhung cho biết: “Để thống nhất trong việc định hướng cho các địa phương triển khai nhiệm vụ về phát triển du lịch nông thôn, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các ngành liên quan để điều tra, khảo sát hoạt động nông nghiệp tại địa phương, từ đó đánh giá toàn diện thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị mô hình phát triển du lịch nông thôn phù hợp. Đồng thời, đề xuất các chính sách hỗ trợ tương xứng, xây dựng tiêu chí đánh giá và hỗ trợ hình thành các mô hình du lịch kiểu mẫu trên cơ sở xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp-du lịch”.
MINH CHÂU