Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch Việt làm gì để thoát cảnh 'ngổn ngang trăm mối' hậu COVID?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp và người làm du lịch cần “tư duy toàn cầu, hành động địa phương,” rút kinh nghiệm từ thực trạng du lịch thế giới và hành động ngay từ những việc nhỏ nhất...

Lữ hành giới thiệu thông tin du lịch với khách tham quan tại Hội chợ Du lịch quốc tế 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Lữ hành giới thiệu thông tin du lịch với khách tham quan tại Hội chợ Du lịch quốc tế 2022 vừa diễn ra tại Hà Nội. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)


Phải cần từ 3-4 năm du lịch mới phục hồi được diện mạo như năm 2019 là dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Mặc dù Chính phủ đã mở rộng cánh cửa cho du lịch với những chính sách thông thoáng, tạo nhiều cơ hội phục hồi nhưng thực tế nền kinh tế xanh Việt Nam vẫn tiếp tục vướng không ít khó khăn, thách thức.

Du lịch đang “đi ngược”?

Các chuyên gia du lịch cho rằng du lịch Việt cần những định hướng mới về chính sách, về đầu tư, sản phẩm và thị trường, định hướng về huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến và visa… trước khi tính đến bài toán đón khách quốc tế.

“Đây là các điều kiện quan trọng cho việc phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới. Ví dụ, các chính sách Nhà nước cần hướng đến giải quyết những nội dung cụ thể nào hay dòng sản phẩm nào sẽ là sản phẩm chủ đạo để thu hút khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam,” ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói.

 Trong khi đó, tại diễn đàn du lịch Việt Nam 2022 chủ đề Phục hồi du lịch Việt Nam: Định hướng mới-hành động vừa diễn ra tuần qua, vấn đề mà các chuyên gia và doanh nghiệp quan tâm nhất lại là những rào cản khiến việc đón khách quốc tế có thể không đạt được kỳ vọng và giải pháp để xóa bỏ tình trạng phục hồi chậm chạp như hiện nay.

Đại diện doanh nghiệp sở hữu sản phẩm xe bus city tour 2 tầng đang hút khách, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop On Hop Off Vietnam hoài nghi ngành du lịch đang chọn cách đi ngược. Bởi những vấn đề như sản phẩm, nhân lực cho quá trình phục hồi được bàn quá nhiều, trong khi vấn đề visa mới là điều kiện tiên quyết để đón khách.


 

 Du khách Việt đã sẵn sàng
Du khách Việt đã sẵn sàng "du lịch trả thù" hậu COVID. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)


Theo ông Luân, “Việt Nam mới miễn visa cho du khách đến từ 13 quốc gia, trong khi các quốc gia lân cận như Thái Lan đã miễn visa cho du khách 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, con số này ở Indonesia là 70, Philippines đã đạt tới gần 160.”

“Vấn đề đầu tiên nên mang ra bàn luận là làm sao gia tăng số lượng quốc gia được miễn visa khi tới Việt Nam, sau đó tìm cách để xúc tiến tới các thị trường tiềm năng, trên cơ sở này mới tính toán được số lượng khách và lượng nhân sự cần phải có.”

Đại điện nhiều doanh nghiệp phục vụ khách inbound (đón khách quốc tế đến) cũng cho biết họ đang loay hoay với hàng trăm hạng mục công việc cần giải quyết, trong khi các nguồn lực hiện có lại vô cùng hạn chế để có thể duy trì được các thị trường, sản phẩm như trước đây.

“Thị trường khách quốc tế đóng băng quá lâu trong khi nhu cầu của du khách sau đại dịch đã thay đổi. Mối quan tâm đầu tiên của doanh nghiệp bây giờ là làm thế nào để sẵn sàng cung cấp sản phẩm cho du khách,” ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist nói nói.

Cần hành động từ những việc nhỏ nhất

Trước những “ngổn ngang trăm mối” của ngành du lịch, tiến sỹ Lương Hoài Nam (nguyên Tổng Giám đốc Jetstar Pacific Airlines, nguyên Giám đốc điều hành Air Mekong) cho biết đã nhiều lần đề xuất cần tăng thời hạn lưu trú cho du khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam lên 30-45 ngày đồng thời cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần trong một chuyến du lịch.

Theo ông Nam, với thời hạn 15 ngày hiện nay, du khách ra khỏi Việt Nam sang các nước lân cận là không quay lại Việt Nam được nữa. Quy định này khiến Việt Nam không thể trở thành một trung tâm hàng không và du lịch đường dài.

 

 Rất đông người dân đến tìm hiểu thông tin du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế 2022. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Rất đông người dân đến tìm hiểu thông tin du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế 2022. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)


Trong khi đó, ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng các doanh nghiệp, những người làm du lịch cần “tư duy toàn cầu, hành động địa phương,” rút kinh nghiệm từ thực trạng du lịch thế giới và hành động ngay từ những việc nhỏ nhất.

Theo đó, các doanh nghiệp cần đi sâu vào nhóm nhu cầu chuyên biệt của khách, xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn, du lịch y tế, du lịch MICE đồng thời áp dụng công nghệ vào việc tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam...

Về định hướng cho phục hồi và phát triển du lịch thời gian tới, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết toàn ngành sẽ tập trung vào 5 vấn đề.

Một là định hướng thị trường, trước mắt, ngành du lịch sẽ tập trung khai thác các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch.

Hai là về sản phẩm, ngoài các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là những sản phẩm được ưa chuộng trong bối cảnh dịch bệnh, thì Việt Nam có thể phát triển mới hoặc đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc, phục hồi sức khỏe.


 

Du khách quốc tế sẽ vui hơn nếu Việt Nam tăng thời hạn lưu trú nhiều hơn 15 ngày như quy định hiện nay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Du khách quốc tế sẽ vui hơn nếu Việt Nam tăng thời hạn lưu trú nhiều hơn 15 ngày như quy định hiện nay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)


Ba là tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Bốn là thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và để phục hồi nhanh hơn cần đẩy nhanh đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Năm là việc phát triển nguồn nhân lực bằng cách tăng cường tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nhân sự để đảm bảo đủ số lượng cũng như chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.

Dẫu biết du lịch ở Việt Nam đã thông thoáng, cởi mở hơn, song có triển khai thực tế mới lộ ra nhiều “lỗ hổng” cần giải quyết đồng bộ để chặng đường phục hồi của ngành công nghiệp không khói Việt không lâm cảnh “vá víu chằng chịt.” Muốn vậy, cần thống nhất ý chí đến hành động từ các cấp bộ, ngành, địa phương tới các doanh nghiệp du lịch trên cả nước.

 

Theo Mai Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm