Du lịch

Hành trang lữ hành

Du lịch Việt Nam: Cần duy trì, phát huy các chỉ số xếp hạng cao nổi trội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, để nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tiếp tục tạo đột phá cho chỉ số “Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch", đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du khách quốc tế trên xe xích lô đi tham quan Phố cổ, Hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Du khách quốc tế trên xe xích lô đi tham quan Phố cổ, Hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, trong đó có mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng Năng lực phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tăng ít nhất 2 bậc.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu rõ việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 thể hiện sự quan tâm rất lớn với ngành du lịch và quyết tâm nâng cao năng lực, vị thế của du lịch Việt Nam, đẩy nhanh phục hồi và phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Năm 2024, đối với xếp hạng Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, phấn đấu nâng xếp hạng Nhóm chỉ số “Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành” lên ít nhất 5 bậc; nâng xếp hạng Nhóm chỉ số “Hạ tầng dịch vụ du lịch” lên ít nhất 3 bậc.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng việc cần làm là tiếp tục duy trì, phát huy các chỉ số xếp hạng cao nổi trội của du lịch Việt Nam. Đó là sức cạnh tranh về giá, tài nguyên tự nhiên, văn hóa, phi giải trí, hạ tầng hàng không, mức độ an toàn, an ninh.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cần chú trọng bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên cho du lịch; đẩy mạnh đầu tư cải thiện hạ tầng hàng không đáp ứng yêu cầu thu hút khách. Cùng với đó, cần có chính sách bình ổn giá cả dịch vụ để kích cầu du lịch.

Toàn ngành thúc đẩy các chỉ số nằm trong nhóm xếp hạng trung bình cao và còn nhiều dư địa tăng trưởng như môi trường kinh doanh, hạ tầng mặt đất và cảng, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông, nhân lực và thị trường lao động.

Điều quan trọng là Việt Nam cần tập trung cải thiện những điểm yếu về tính bền vững của môi trường, hạ tầng dịch vụ du lịch, y tế và vệ sinh. Do đó, cần tăng cường hơn nữa việc quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của địa phương, điểm đến trong quản lý chất lượng dịch vụ, bảo đảm vệ sinh, môi trường để tạo ấn tượng tốt cho du khách.

Đặc biệt, để nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tiếp tục tạo đột phá cho chỉ số “Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch," đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đại diện ngành du lịch kiến nghị cần tiếp tục ban hành các chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho du lịch, trong đó có thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài; đổi mới cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động xúc tiến, quảng bá.

Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng diện miễn thị thực đơn phương, cải thiện thời gian, quy trình thủ tục xuất nhập cảnh...

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy trong 12 năm (từ 2007-2019), chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tăng 24 bậc từ hạng 87 lên hạng 63 toàn cầu. Đáng chú ý, giai đoạn 2015-2019 với sự phát triển đột phá, chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ hạng 75 lên 63.

Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đánh giá về năng lực cạnh tranh tập trung vào yếu tố bền vững, nâng cao sức chống chịu trước khủng hoảng. Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch đã được thay thế bằng Chỉ số Năng lực Phát triển Du lịch vào năm 2021 với 17 trụ cột và 112 chỉ số thành phần, được phân theo 5 nhóm.

Theo cách đánh giá mới, Chỉ số Năng lực Phát triển Du lịch Việt Nam năm 2019 xếp hạng 60 và năm 2021 xếp hạng 52, tăng 8 bậc. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, phản ánh nỗ lực vượt bậc, thành công của du lịch Việt Nam trong ứng phó với đại dịch và phục hồi, tái thiết.

Tuy nhiên, một số chỉ số trong Năng lực phát triển du lịch và lữ hành của Việt Nam xếp hạng thấp. Cụ thể, bốn chỉ số trụ cột xếp hạng thấp nhất của Việt Nam là y tế và vệ sinh (hạng 73); hạ tầng dịch vụ du lịch (hạng 86); mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 87); sự bền vững về môi trường (hạng 94)...

Có thể bạn quan tâm