Kinh tế

Dự lường khó khăn, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa X đã chính thức ban hành Nghị quyết số 73/2013/NQ-HĐND thông qua các quy định về mức thu phí và tỷ lệ để lại cho đơn vị thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy, xe mô tô (gọi chung là xe máy). Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27-7-2013.

Mức phí ở thành phố và nông thôn đều bằng nhau

Mức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, xe mô tô (trừ xe máy điện) được áp dụng chung cho tất cả các đối tượng kể cả ở thành phố, nông thôn. Riêng các loại xe mô tô của lực lượng Công an, quốc phòng và xe mô tô của chủ phương tiện thuộc diện hộ nghèo được miễn phí.

 

Ảnh: Lê Lan
Ảnh: Lê Lan

Đối với nhiều người thì đây là mức phí không quá cao, nhất là người có thu nhập ổn định, sống ở thành phố hay những trung tâm kinh tế phát triển-nơi được hưởng khá nhiều thuận lợi từ giao thông. Ông Lê Minh Hùng-Chủ tịch UBND phường Ia Kring, TP. Pleiku cho biết: Mặc dù việc thu phí bảo trì đường bộ chưa tổ chức triển khai tại địa phương nhưng qua việc nắm sơ bộ từ các tổ dân phố thì đa số người dân ở đây đều đồng thuận.

Nếu tính bình quân mỗi hộ có 2 chiếc xe trên 100 phân khối thì mỗi năm đóng khoảng 200.000 đồng. Đây là số tiền không nhiều đối với hầu hết hộ dân. Quan trọng là cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Cái khó ở đây chính là những đối tượng từ nơi khác đến lưu trú.

Tuy nhiên, đây là việc làm không dễ đối với những hộ dân ở khu vực nông thôn, thu nhập không ổn định và ít được hưởng những điều kiện thuận lợi từ giao thông. Khi hệ thống giao thông nông thôn còn khó khăn thì việc “cào bằng” mức phí giữa thành thị và nông thôn khiến chính quyền địa phương băn khoăn, e ngại khi triển khai thu phí theo quy định. Đó là chưa kể đây cũng là khu vực tập trung khá nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền vận động cho dân hiểu cần cả một quá trình lâu dài.

Nên linh động, phù hợp

 

Ảnh: Văn Phê
Ảnh: Văn Phê

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Tâm- Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ cho biết: Căn cứ theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch 230/2012/TT- BTC- BGTVT giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông-Vận tải hướng dẫn về chế độ nộp, quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán quỹ thì hiệu lực thi hành được tính từ ngày 1-1-2013.

Tuy nhiên, tại Gia Lai vấn đề này chỉ mới được thông qua vào kỳ họp thứ 5-Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa X trong tháng 7-2013. Vì thế, việc triển khai thu sau 1-7-2013 sẽ gặp nhiều khó khăn do cần có thêm thời gian chuẩn bị để triển khai xuống cấp huyện, xã. Sở đang lập kế hoạch xin chủ trương của tỉnh và sẽ thực hiện thu phí từ năm 2014.

Cũng theo ông Lê Minh Hùng, Ban quản lý Quỹ nên nghiên cứu phương án in tem dán lên xe máy giống như ô tô (nên có màng bọc ni lông để chống ướt) để cơ quan chức năng dễ quản lý, người dân cũng dễ bảo quản, lưu giữ vì nếu chỉ lưu mỗi biên lai đóng tiền (loại giấy này khá mỏng-P.V) sẽ rất dễ bị thất lạc hoặc rách.

Hơn nữa, khi đã dán cố định trên xe thì việc chủ phương tiện có cho mượn hoặc bán thì người dân cũng dễ dàng, thuận tiện hơn khi lưu thông trên đường. Ngoài ra, phương án thu cũng cần linh động, chẳng hạn cho phép người dân đóng luôn 2, 3 năm tiền phí (nếu có nhu cầu) vừa thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho người nộp và cả người thu. Hoặc trường hợp một người có thể đại diện mua giùm cho người khác và người thân trong gia đình…

 

Mức thu phí đối với xe có dung tích xi lanh đến 100 cm3 là 50.000 đồng/năm; xe có dung tích xi lanh trên 100 cm3 là 100.000 đồng/năm và xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ một xi lanh là 2.160.000 đồng/năm. Tỷ lệ phần trăm để lại cho phường, thị trấn là 10%, các xã là 20% trên tổng số phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện thu được.

Liệu có xảy ra tình trạng “phí chồng phí” ?

Đây cũng là câu hỏi được khá nhiều người quan tâm, không chỉ người dân mà ngay cả các doanh nghiệp vận tải cũng đặt câu hỏi, nhất là khi dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn từ TP. Pleiku-Cầu 110 chính thức khởi công theo hình thức BOT do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư.

Trong đó, dự án đưa ra phương thức khai thác hoàn vốn đầu tư bằng cách xây dựng 2 trạm thu phí tại Km 1610+800 và Km 1667+470 với mức phí bằng 3,5 lần mức cơ bản và dự kiến thu từ tháng 1-2016. Hơn nữa, đây cũng chỉ mới là dự án mở đầu cho việc khởi công hàng loạt dự án BOT khác trên quốc lộ 14 kể từ nay cho đến hết năm 2015-nghĩa là sẽ còn nhiều trạm thu phí BOT được dựng lên.

Khá nhiều người dân tỏ ra bức xức khi chúng tôi trao đổi vấn đề này, nhất là những hộ ở vùng lân cận trạm thu phí. Một người dân sống tại huyện Chư Sê cho biết: Gia đình sắm xe ô tô thi thoảng lên TP. Pleiku giải quyết công việc. Mỗi năm đã đóng hơn triệu đồng tiền phí rồi, bây giờ mỗi lần đi phải đóng thêm 60-70 ngàn đồng cho 2 lượt qua trạm BOT nữa thì quá đắt. Đó là chưa kể các loại xe khách, xe tải mức phí còn cao hơn và doanh nghiệp kinh doanh thì không thể lỗ, mọi chi phí lại đổ vào vé, vào cước nên thiệt thòi vẫn là người tiêu dùng.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm